- Vừa qua, công dân có đơn kiến nghị về việc đề nghị xem xét lại việc đặt tên đường Hồ Quý Ly – Hồ Hán Thương là không đúng quy định, bởi vì đây là 2 ông vua “có vấn đề”, phạm nhiều sai lầm dẫn tới mất nước.
- Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An đã có văn bản số 3228 ngày 6/11/2024 trả lời, cho rằng: “xét về công lao hành trạng của hai nhân vật Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương trong bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước cuối triều Trần và những đóng góp của danh nhân đối lợi ích của toàn thể quốc gia, dân tộc; đối chiếu với tiêu chí lựa chọn danh nhân đặt tên đường nêu trên cho thấy hai nhân vật Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương xứng đáng được đặt tên đường để hậu thế tri ân, tôn vinh, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc”.
- Trong văn bản nói trên, Sở VHTT Nghệ An đã tự mâu thuẫn với chính mình khi nêu tiêu chí: “Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
Nhưng chính trong văn bản nói trên, Sở VHTT Nghệ An lại viết: “Tuy nhiên dưới góc nhìn của nền sử học hiện đại và độ lùi của thời gian, các nhà sử học đã có cái nhìn toàn diện, khách quan, thấu đáo hơn cả về công và tội của hai nhân vật lịch sử này”…nghĩa là chính Sở VHTT Nghệ An đã thừa nhận hai nhân vật này có "tội" với lịch sử, với dân tộc.
- Để bảo vệ quan điểm của mình, Sở VHTT Nghệ An đã dựa vào đánh giá có tính chất cá nhân và dựa trên trích dẫn không đầy đủ ý kiến của một số nhà nghiên cứu hiện đại, mà hoàn toàn bỏ qua các đánh giá của các sử quan, học giả nổi tiếng về Hồ Quý Ly như Ngô Sỹ Liên, Phan Phu Tiên, Trần Trọng Kim…
- Đặc biệt, chính Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã có đánh giá tuy ngắn gọn nhưng rất đầy đủ, chính xác về cha con Hồ Quý Ly trong bài thơ “Lịch sử nước ta” nổi tiếng.
Vào khoảng thời gian cuối năm 1941, đầu năm 1942, sau khi Nhật vào Đông Dương, dân ta rơi vào cảnh “một cổ hai tròng” vô cùng khốn đốn. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII đã nêu rõ “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Chính trong không khí sôi sục đó, Hồ Chí Minh đã tranh thủ thời gian viết nên bài thơ dài “Lịch sử nước ta” nhằm mục đích nhắc lại truyền thống vẻ vang của cha ông và kêu gọi toàn dân đoàn kết, đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Về cha con Hồ Quý Ly, trong bài thơ nói trên, Bác Hồ đã viết:
“CHA CON NHÀ HỒ QUÝ LY,
GIẾT VUA TIẾM VỊ MỘT KỲ BẢY NIÊN.
TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC KHÔNG YÊN,
TÀU QUA XÂM CHIẾM GIỮ QUYỀN MẤY LÂU,
BAO NHIÊU CỦA CẢI TRÂN CHÂU,
CHÚNG VƠ VÉT CHỞ VỀ TÀU SẠCH TRƠN"!
Chỉ trong 6 câu thơ ngắn gọn, Bác Hồ đã nêu rõ bản chất của vương triều nhà Hồ là không chính thống. Hành vi của Hồ Quý Ly là giết vua, tiếm vị (giết vua, cướp ngôi) vừa vi phạm về đạo đức, vừa vi phạm về văn hóa chính trị; những chính sách sai lầm của cha con Hồ Quý Ly đã làm “tình hình trong nước không yên” dẫn đến quân xâm lược tràn vào, cướp nước, làm cho đất nước tan hoang, kiệt quệ. Quan điểm của Bác Hồ dựa trên quyền lợi của quốc gia dân tộc và quan niệm về đạo đức, văn hóa chính trị từ xưa đến nay.
Sử gia Trần Trọng Kim - vốn nổi tiếng khách quan, trung lập, cũng đã đánh giá về Hồ Quý Ly: “Cũng vì cái cớ ấy, cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà đem theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy, bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục ở đất nước người! Nhưng đấy là cái tội làm hại riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam, thì ai gánh vác cho Quý Ly?”.
- Thế nhưng, đến khi công dân có ý kiến, Sở VHTT Nghệ An đã không nhắc đến ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà lại đưa ra những nhận định trái ngược với ý kiến của Người, cho rằng đặt tên đường Hồ Quý Ly – Hồ Hán Thương là nhằm “để hậu thế tri ân, tôn vinh, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc” ? Điều đáng buồn khi đây là ý kiến của một cơ quan của tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Vậy không rõ, các vị có thực chất, thực lòng học tập và làm theo phong cách, tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh?