080447-1-1632709943.jpg
.Người dân đeo khẩu trang đứng đợi xe buýt ở Singapore. Ảnh: CNA

Bộ Y tế Singapore cho hay, tính tới chiều 26/9, nước này có thêm 1.939 ca nhiễm Covid-19, cao hơn 300 trường hợp một ngày trước đó và cao nhất kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên gần 88.000 người. Trong 24 giờ qua, đảo quốc sư tử cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 78 trường hợp.

Theo đài CNA, để ứng phó với diễn biến dịch phức tạp, nhà chức trách thông báo sẽ tái triển khai các biện pháp giãn cách xã hội ở giai đoạn “cảnh báo tăng cường” từ ngày 27/9 đến ngày 24/10. Trong đó, mọi vị trí có thể làm việc từ xa sẽ phải làm việc tại nhà. Những lao động, nhà thầu và người bán hàng vẫn phải đi làm được khuyến cáo phải tiến hành tự xét nghiệm nhanh hàng tuần. Việc tụ tập riêng tư bị hạn chế từ mức tối đa 5 người như hiện nay xuống còn 2 người và mỗi hộ gia đình chỉ được tiếp tối đa 2 khách mỗi ngày.

Các nhà hàng, quán bar và quán cà phê chỉ được tiếp đón khách đi theo nhóm tối đa là 2 người và tất cả đều phải tiêm chủng đầy đủ. Học sinh dưới 12 tuổi sẽ chuyển sang học trực tuyến. Những học sinh đang phải thực hiện lệnh cách ly hoặc có cảnh báo nguy cơ về sức khỏe có thể được phép tham dự kỳ thi kiểm tra quốc gia cuối năm nếu xét nghiệm âm tính.

Ngoài siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, Singapore sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi nhắc lại (mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ 3) cho người dân trong độ tuổi 50 - 59, từ ngày 4/10. Trước đó, từ ngày 15/9, nhà chức trách đã cho tiêm mũi vắc xin tăng cường cho công dân từ 60 tuổi trở lên.

Malaysia báo động nạn làm giả chứng nhận tiêm chủng

Cảnh sát Malaysia hôm 26/9 đã lên tiếng cảnh báo về nạn làm giả chứng nhận chủng ngừa Covid-19 ngày càng phổ biến tại nước này.

Theo Koh Kar Chai, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia, tình trạng làm giả chứng nhận nở rộ vào thời điểm các nước trên thế giới bắt đầu triển khai "thẻ xanh", giúp giảm bớt hoặc miễn trừ hạn chế cho những người được cấp chúng trong nhiều hoạt động khác nhau, từ đi lại, du lịch đến ăn uống, vui chơi giải trí.

Một nhân viên y tế ở thủ đô Kuala Lumpur kể với báo Straits Times rằng, một số người đã tới các trung tâm tiêm chủng để tìm cách có được giấy chứng nhận, thay vì thực sự tiêm vắc xin. Nhà chức trách khẳng định sẽ tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra để xử lý tình trạng trên.

Cho đến nay, Malaysia vẫn là một trong những điểm nóng về dịch ở Đông Nam Á, với gần 2,2 triệu ca mắc, 25.437 trường hợp tử vong. Song, từ giữa tháng 8, số ca mắc mới và tử vong vì dịch theo ngày ở nước này có xu hướng giảm.

Malaysia đã hoàn thành chủng ngừa cho 82,5% người dân trưởng thành. Bộ Y tế Malaysia mới đây quyết định rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vắc xin của AstraZeneca từ 9 tuần xuống còn 6 tuần nhằm thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng quốc gia, trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10.

Nhật cân nhắc dỡ bỏ lệnh khẩn cấp vào cuối tháng 9

Hãng thông tấn Kyodo ngày 26/9 trích dẫn lời Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide cho hay, tình hình dịch ở nước này đang tiến triển tích cực. Theo ông Suga, số ca mắc mới ở đất nước mặt trời mọc đã giảm từ 25.000 ca/ngày xuống còn khoảng 3.000 ca/ngày.

Số ca mắc mới trung bình 7 ngày ở thủ đô Tokyo đã giảm xuống 363 ca/ngày, từ mức 815 ca/ngày một tuần trước đó.

Lãnh đạo chính phủ Nhật tiết lộ sẽ quyết định về khả năng dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp, vốn hết hạn vào cuối tháng 9 này, "sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia".

Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura hôm 25/9 cho rằng, với diễn biến hiện tại, lệnh tình trạng khẩn cấp nhiều khả năng sẽ chấm dứt vào ngày 30/9. Song, quan chức này nói, mọi biện pháp hạn chế chưa thể được dỡ bỏ hoàn toàn ngay lập tức, mà phải diễn ra theo từng giai đoạn và dưới sự theo dõi tác động một cách cẩn trọng.

Nhà chức trách tin, nước này đã đạt đỉnh của làn sóng lây nhiễm thứ 5 hôm 20/8 với 25.800 ca mắc trong một ngày. Tổng số ca mắc trên toàn quốc hiện xấp xỉ 1,7 triệu người, bao gồm cả 17.453 bệnh nhân thiệt mạng. 68% dân số Nhật đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 56% đã hoàn thành tiêm chủng.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 27/9 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 232,6 triệu người, gần 4,8 triệu ca tử vong. Song, xấp xỉ 209,2 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 43,7 triệu ca mắc, 706.317 bệnh nhân không qua khỏi. 55% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng.

- Theo hãng tin Bloomberg, tình trạng thiếu nhân viên y tế và những sai sót về hậu cần đang cản trở nỗ lực tiêm phòng Covid-19 cho dân của Indonesia. Dù là một trong những nước Đông Nam Á xúc tiến chương trình tiêm chủng đại trà đầu tiên, nhưng cho đến nay, mới 32% trong tổng số 270 triệu dân Indonesia được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 17,9% được tiêm đủ liều, nằm trong 4 nước có tỷ lệ chủng ngừa thấp nhất khu vực.

- Điện Kremlin ngày 26/9 đã công bố những hình ảnh cho thấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đi leo núi và câu cá ở Siberia vài ngày sau đợt cách ly ngắn vì tiếp xúc người mắc Covid-19. Theo nhà chức trách Nga, ông Putin, 68 tuổi, đã tiêm 2 mũi vắc xin Sputnik V do Nga phát triển nên sức khỏe vẫn ổn định dù phơi nhiễm virus.

- Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison tiếp tục yêu cầu chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của nước này mở cửa biên giới nội địa sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% đối với những người đủ 16 tuổi trở lên. Chính quyền liên bang cũng dự kiến sẽ gỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh để người dân có thể đi du lịch nước ngoài, đồng thời mở cửa biên giới đón sinh viên quốc tế và lao động tay nghề cao vào dịp Giáng sinh năm nay, sau khi 80% công dân từ 16 tuổi trở lên hoàn thành tiêm chủng./.