Chỉ sau hơn 2 tháng thả nuôi với nhiều ưu điểm vượt trội, con nuôi ít nhiễm bệnh, mang lại nguồn thu hàng chục triệu đồng, người nông dân Hà Tĩnh quyết "chơi lớn" với giống vịt biển 15 - Đại Xuyên.
Niềm vui kép
Với mục đích giúp người dân ven biển đa dạng đối tượng chăn nuôi, tận dụng được vùng nước mặn, lợ để phát triển kinh tế, từ tháng 4 năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã thí điểm, hỗ trợ các hộ gia đình tại xã Yên Hoà (huyện Cẩm Xuyên) nuôi 1.500 con vịt biển 15 - Đại Xuyên.
Giống vịt này do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia) lai tạo, có sức đề kháng tốt, khả năng thích nghi cao với môi trường khác nhau như: nước ngọt, nước mặn, nước lợ.
Đây cũng là giống vật nuôi mới được Bộ NN&PTNT công nhận tại Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 01/7/2015, hiện đã được nuôi thành công ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Do gắn bó với nghề nuôi vịt đã khá lâu, nên khi được tập huấn kỹ thuật nuôi, được truyền đạt những ưu điểm vượt trội so với con vịt cỏ đang nuôi với hiệu quả thấp, đặc biệt quá trình nuôi lại được hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, 70% tiền giống, 50% tiền thuốc thú y nên chị Nguyễn Thị Chiến (thôn Phú Hoà) rất hào hứng.
Sau thời gian cải tạo chuồng, ao, cách đây hơn 2 tháng, chị Chiến đã đưa vào thả nuôi 500 con vịt biển 15 - Đại Xuyên.
Chị Chiến cho biết: Gia đình đã thực hiện đầy đủ quy trình phòng bệnh do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, nên dù gặp phải thời tiết nắng nóng kéo dài trên vùng đất cát nhưng vịt vẫn khoẻ, phát triển ổn định, không có dấu hiệu bị bệnh như bỏ ăn, tiêu hoá kém, cắn mổ nhau.
Cũng theo chị Chiến, quá trình nuôi chị nhận thấy giống vịt này tiêu tốn thức ăn khá thấp; tăng trọng nhanh hơn nhiều so với các loại vịt khác gia đình từng nuôi trước đó dù thời gian nuôi ngắn.
Con vịt đạt trọng lượng lớn từ 2,7 - 3,0kg/con, có những con nặng từ 3,1 - 3,2 kg.
Những con vịt đạt trọng lượng lớn từ 2,7 - 3,0kg/con.
Theo chị Chiến, sau hơn 2 tháng nuôi, gia đình chị vừa xuất bán 400 con vịt biển 15 - Đại Xuyên cho thương lái với giá giao động từ 40 – 45 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt hơn 50 triệu đồng. Đặc biệt, theo chị Chiến, phản hồi từ người tiêu dùng giống vịt này thịt chắc, thơm ngon.
Một yếu tố khác khiến chị Chiến rất ưng ý với con nuôi mới này đó là thời gian nuôi được rút ngắn, vốn quay vòng nhanh nên người chăn nuôi như chị "dễ thở" hơn khi đầu tư nuôi.
Tương tự, hộ anh Võ Văn Lộc ở thôn Mỹ Hoà cũng đưa vào thả nuôi 500 con vịt biển 15 – Đại Xuyên. Nhờ chăm sóc theo đúng kỹ thuật hướng dẫn, đàn vịt của gia đình anh phát triển tốt, trọng lượng đạt từ 2,7 - 3,0kg/con.
Theo anh Lộc, trước khi nuôi anh hơi lo vì đây là giống vịt mới, chưa có hộ dân nào trong tỉnh nuôi để học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh anh đã vượt qua được khó khăn bước đầu.
Anh Lộc chăm sóc đàn vịt biển 15- Đại Xuyên. Ảnh: Thanh Nga.
"Thực tế cho thấy, vịt ăn tạp, lớn nhanh và có sức đề kháng cao, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. So với các giống vịt khác như vịt cỏ, vịt cánh trắng… thì vịt biển dễ chăm sóc, tỉ lệ sống đạt trên 98%, đem lại hiệu quả kinh tế cao"- anh Lộc nói.
Anh Lộc cho biết, trên cùng một mức đầu tư, doanh thu từ con vịt biển Đại Xuyên cao hơn hẳn so với con vịt cỏ truyền thống. Nguồn thu này còn tăng đáng kể một khi thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn nữa.
Tăng đàn nuôi và nhân rộng mô hình
Sau thắng lợi bước đầu nêu trên, chị Nguyễn Thị Chiến cho biết: Chắc chắn gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư, cải tạo lại hệ thống ao hồ, chuồng trại để tận dụng triệt để diện tích mặt nước, vườn tược tiến hành thả nuôi đợt mới.
Theo đó, kế hoạch của chị Chiến trong đợt nuôi tới sẽ tăng gấp đôi, lên 1000 con so với đợt nuôi thử nghiệm.
Tương tự, hai hộ dân còn lại ở xã Yên Hòa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ nuôi thử nghiệm cũng sẽ tăng đàn lên hơn 1000 con.
Theo ông Trương huy Dũng - Trưởng phòng Chuyển giao Khoa học – Kỹ thuật (Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh): Mô hình “Chăn nuôi thâm canh giống vịt biển 15 - Đại Xuyên trên vùng nước mặn lợ cho các huyện ven biển” tại tỉnh Hà Tĩnh có kết quả rất khả quan, đạt hiệu quả khá cao, phù hợp với điều kiện vùng ven biển khí hậu nắng nóng.
Đây được xem là mô hình phù hợp với điều kiện của các vùng ven biển, góp phần bổ sung loại giống mới vào bộ giống của tỉnh và tăng cơ hội lựa chọn đối tượng nuôi có chất lượng cho bà con nông dân.
"Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật; phối hợp với các địa phương để nhân rộng mô hình, mục tiêu đưa con nuôi này mang lại nguồn thu nhập cho cao, bền vững cho người nông dân"- ông Dũng nói.