3948-a-1659518234.jpg
Ảnh minh họa: internet.

Gần một tuần qua, kể từ khi Đức (27/7) thông báo không thể cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu xanh tím than, sau đó lần lượt là Tây Ban Nha (1/8), Séc(2/8) đồng loạt dừng công nhận mẫu hộ chiếu này, các công ty lữ hành luôn trong tình trạng quay cuồng, tìm đủ cách để xử lý.

Từ tháng 6 tới nay, các tour du lịch châu Âu đang được du khách Việt Nam đặc biệt ưa chuộng. Các đơn vị lữ hành trên khắp cả nước tung ra nhiều tour châu Âu với lịch trình đa dạng, hấp dẫn. Hiện nay, các tuyến bay thẳng từ Hà Nội/TPHCM đến Frankfurt (Đức) rất thuận lợi, do đó, nhiều tour du lịch châu Âu có lịch trình nhập cảnh/quá cảnh tại Đức, tiêu biểu như tour Đức - Hà Lan - Bỉ - Pháp - Luxemburg hay Đức - Áo - Slovakia - Hungary - Séc...

Trở tay không kịp

Bà Đoàn Thị Thu Hương - Giám đốc kinh doanh của AsiaTravel cho biết, sau Covid-19, các tín hiệu tích cực về du lịch chỉ vừa xuất hiện thì việc các quốc gia châu Âu đồng loạt dừng công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam như "cú giáng" vào các công ty lữ hành. Hiện đơn vị này có 4 sản phẩm tour du lịch châu Âu, trong đó có 3 sản phẩm có lịch trình qua Đức và Séc.

"Ngày 7/8 tới đây, chúng tôi có một đoàn khách đi tour Pháp - Thụy Sĩ - Đức - Áo - Séc. Vé máy bay, phòng khách sạn và các chi phí liên quan đều đã được chi trả, chỉ chờ ngày khởi hành. Ngày 27/7, sau khi Đức thông báo dừng cấp thị thực vào hộ chiếu Việt Nam mẫu mới, chúng tôi lập tức rà soát thông tin khách hàng, tìm cách trao đổi với khách để điều chỉnh lịch trình", bà Hương cho biết. Thời điểm đó, AsiaTravel lên phương án để vị khách sử dụng hộ chiếu mẫu mới tách đoàn, đi theo tuyến đường khác qua Áo, thay vì lịch trình đến Đức. Để thực hiện được điều này, công ty phải bố trí thêm nguồn lực để tìm kiếm cơ sở lưu trú, dịch vụ... còn khách hàng phải chấp nhận tăng thêm chi phí.

"Thực sự việc thuyết phục và sắp xếp khách hàng thay đổi lịch trình không hề đơn giản", bà Hương cho biết. Hầu hết các khách hàng sẽ đi tour cùng nhóm bạn bè hay gia đình. Do đó, khi một vị khách sử dụng hộ chiếu mới bị ảnh hưởng, cả nhóm/gia đình sẽ cùng tách đoàn, thay đổi lịch trình. Chi phí "bẻ lái" dự kiến sẽ tăng từ 15-20% mỗi người.

"Chúng tôi vừa sắp xếp phương án hợp lý cho đoàn khách trên thì lại nhận được thông tin Séc dừng công nhận mẫu hộ chiếu mới. Chúng tôi lại tiếp tục phải lên phương án thay đổi và lần này còn phải đổi vé máy bay cho khách. Chi phí tăng lên rất lớn", bà Hương nói. "Những thông báo này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý khách hàng. Họ lo lắng, trong quá trình ở châu Âu, các quốc gia mới lại ra thông báo dừng công nhận hộ chiếu Việt Nam mẫu mới. Khi đó, chúng tôi thực sự trở tay không kịp", bà Hương bày tỏ sự lo ngại.

Cũng trong tháng 8, đơn vị này có hai tour du lịch Đức - Áo - Hungary - Séc khởi hành vào 21/8 và 29/8 nhưng việc bán tour đang bị hạn chế nhiều bởi thông tin Đức, Séc dừng công nhận mẫu hộ chiếu mới. "Công ty chúng tôi đã mua vào gần 2.000 vé máy bay từ các hãng hàng không QR, EK, QH để chạy series tour Châu Âu đến hết năm 2022. Tuy nhiên, với thông tin này, các khách hàng đang sở hữu hộ chiếu mới hoặc chuẩn bị làm hộ chiếu mẫu mới sẽ không còn ý định mua tour du lịch châu Âu (có lịch trình nhập cảnh/quá cảnh Đức) cho đến khi có thông báo mới. Các hãng hàng không cũng chưa đưa ra phương án hỗ trợ gì cho đơn vị lữ hành trước tình huống này”, bà Hương thông tin.

Thay đổi lịch trình là phương án mà nhiều công ty lữ hành tại Việt Nam áp dụng trong thời điểm một số quốc gia châu Âu thông báo dừng hộ chiếu Việt Nam mẫu mới.

Công ty Du lịch Châu Mỹ (Pan American Travel) đã phải tức tốc thay đổi lịch trình cho hai du khách sử dụng mẫu hộ chiếu mới trong đêm ngày 27/7.

"Sáng ngày 27/7, một đoàn du khách của chúng tôi đã nhập cảnh Đức mà không có trở ngại nào. Thông tin ngừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam được thông báo quá đột ngột vào chiều cùng ngày. Trong khi đó, sáng 28/7, một đoàn khách của chúng tôi, khoảng 30 người sẽ khởi hành từ Hà Nội đến Đức", ông Thỏa cho biết.

Theo ông Thỏa, khi biết thông tin, đơn vị này đã liên hệ với khách hàng và đề xuất hai hướng giải quyết. Thứ nhất, khách hàng có thể hủy tour du lịch. Thứ hai, công ty có thể hỗ trợ khách hàng đổi lịch trình bay để nhập cảnh sang quốc gia khác, rút ngắn hành trình tới Đức trong tour.

"Đây là trường hợp bất khả kháng nên chúng tôi gặp khó khăn. May mắn là hai du khách đồng ý với phương án đổi lịch trình bay để nhập cảnh sang quốc gia khác, rồi chờ đón đoàn ở điểm đến tiếp theo sau Đức", ông Thỏa thông tin. "Chắc chắn phương án này sẽ phát sinh chi phí tuy nhiên chúng tôi đặt mục tiêu trước mắt là đem đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách", ông Thỏa khẳng định. Đối với các khách hàng sử dụng hộ chiếu mẫu mới, đã đăng kí tour du lịch châu Âu (trong đó có qua Đức) trong thời gian tới, công ty có thể hỗ trợ dời lịch trình. Đơn vị này cũng tìm các phương án để đề phòng trường hợp các quốc gia châu Âu khác cũng dừng công nhận hộ chiếu mới.

Với công ty Best Price, đơn vị này đang tính tới phương án bảo lưu tour châu Âu có lịch trình qua Đức, Tây Ban Nha hay Séc cho du khách tới khi ổn định. Với các trường hợp du khách vẫn tiếp tục muốn thực hiện tour, đơn vị này sẽ đổi lịch trình từ Hà Nội/Sài Gòn đến Pháp thay vì Đức.

Lo ngại của công ty du lịch

Nếu có du khách thuộc diện ảnh hưởng bởi sự việc trên, các đơn vị lữ hành có thể đưa ra phương án giải quyết như: Hoàn trả tiền cho khách hàng; Đổi lịch trình tour, hủy lịch trình qua Đức, Séc, Tây Ban Nha; Bảo lưu tour. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing công ty Best Price, dù xử lý theo phương án nào thì công ty cũng thiệt hại về kinh tế. Nếu hủy tour cho khách hàng, công ty sẽ mất chi phí quảng cáo, vận hành. Nếu thay đổi lịch trình thì chi phí phát sinh vé máy bay, phòng lưu trú rất lớn.

Đại diện các công ty lo ngại, Đức, Tây Ban Nha và Séc đều là thành viên khối Schengen với những quy định chung. Do vậy, rất có thể thời gian tới cả khối Schengen sẽ ra thông báo liên quan đến hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam./.