a-1665114088.jpg
Bộ GTVT kiến nghị Bộ TN&MT rà soát lại quy hoạch mỏ cát sông trong khu vực ĐBSCL bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án - Ảnh minh họa

Theo Bộ GTVT, tính đến nay, chủ đầu tư, tư vấn đã cơ bản hoàn thành khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường, thỏa thuận với các địa phương và đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu.

Cụ thể, đối với vật liệu cho 10 dự án thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng gần 188 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng hơn 59,5 triệu m3.

Theo khảo sát, còn 14 mỏ thuộc các tỉnh Quảng Ngãi (5 mỏ), Bình Định (4 mỏ thuộc dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn), Phú Yên (5 mỏ thuộc dự án Chí Thạnh-Vân Phong) chưa được địa phương thực hiện bổ sung quy hoạch.

Về mỏ cát xây dựng, hồ sơ khảo sát đã xác định 123 mỏ với tổng trữ lượng khoảng gần 68 triệu m3 đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng hơn 11 triệu m3. Hiện, còn 14 mỏ thuộc các tỉnh Quảng Ngãi (6 mỏ), Bình Định (3 mỏ thuộc dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn), Phú Yên (5 mỏ thuộc dự án Chí Thạnh-Vân Phong) chưa được khai thác.

Riêng mỏ cát đắp nền đường, 2 dự án thành phần từ TP. Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3.

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác 1 mỏ với trữ lượng còn lại khoảng hơn 1,1 triệu m3, sản lượng khai thác là 0,4 triệu m3/năm (năm thứ nhất).

Ngoài ra, hiện có 3 vị trí mỏ quy hoạch với trữ lượng khoảng hơn 13,9 tỷ m3 (tỉnh Trà Vinh có 2 vị trí với trữ lượng khoảng 2,1 triệu m3, tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khá lớn khoảng 13,9 tỷ m3 nằm cách bờ biển khoảng 40 km).

Thiếu vật liệu khu vực ĐBSCL

Đặc biệt, Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đang đề xuất Chính phủ xây dựng và triển khai dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”. Tiến độ thực dự kiến cuối năm 2024 mới hoàn thành, nên không thể đáp ứng nhu vật liệu đắp theo tiến độ thi công (tập trung vào các năm 2023 và 2024). 

Bởi theo tính toán, tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 39 triệu m3.

Nguồn cát sông phục vụ công trình xây dựng trong vùng chủ yếu tập trung tại các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ. Tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23 triệu m3 với công suất khai thác hàng năm là 5,7 triệu m3. Trữ lượng dự kiến còn lại khá lớn, song, chất lượng cát kém, lẫn nhiều tạp chất, không bảo đảm tiêu chuẩn của vật liệu cát đắp nền đường.

Đối với nguồn cát sông từ các tỉnh thượng lưu sông Tiền và sông Hậu (An Giang và Đồng Tháp), tổng trữ lượng các mỏ cát đang khai thác của 2 tỉnh hiện nay khoảng 23,1 triệu m3 với công suất hàng năm khoảng 7,5 triệu m3.

Tổng trữ lượng các mỏ cát theo quy hoạch khoảng hơn 88 triệu m3. Song, trữ lượng dự kiến trong quy hoạch được khảo sát từ thời điểm năm 2015 và đã khai thác đến nay nên không còn phù hợp với thực tế.

b-1665114113.jpg
Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khẩn trương bổ sung quy hoạch các mỏ đất, mỏ cát chưa có trong quy hoạch - Ảnh minh họa

Xác định rõ thủ tục khai thác mỏ vật liệu mới

Liên quan đến các mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát VLXD giao cho nhà thầu thi công khai thác phục vụ dự án, Bộ GTVT cho biết, hiện, Bộ TN&MT đã có văn bản hướng dẫn khai thác.

Tuy nhiên, hướng dẫn còn chưa rõ thủ tục thu hồi đất, hay nhà thầu sử dụng đất tại các mỏ mới thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, dẫn đến hầu hết các địa phương đang lúng túng trong quá trình thực hiện.

Trường hợp Nhà nước thu hồi đất, các địa phương sẽ tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy định. Kinh phí được sử dụng từ nguồn kinh phí GPMB của dự án sẽ quản lý được chi phí và giá thành của VLXD. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai, khai thác VLXD thông thường không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.

Đối với trường hợp nhà thầu sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, việc chuyển nhượng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, Nhà nước không thể kiểm soát được chi phí dẫn đến nguy cơ tăng giá, ép giá hoặc thỏa thuận không thành công sẽ không có mỏ để khai thác VLXD thông thường.

Đề xuất giải pháp xử lý các vướng mắc trên, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT rà soát lại quy hoạch mỏ cát sông trong khu vực ĐBSCL bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án.

Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường, đặc biệt các thủ tục đối với các mỏ khai thác mới (thực hiện bồi thường, GPMB, thu hồi đất, hay thực hiện theo hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất).

Trường hợp áp dụng theo hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, các địa phương cần ban hành khung giá đất chuyển nhượng để quản lý chi phí.

Địa phương khẩn trương bổ sung quy hoạch mỏ đất

Về phía các địa phương, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ yêu cầu các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khẩn trương bổ sung quy hoạch các mỏ đất, mỏ cát chưa có trong quy hoạch để triển khai các thủ tục cần thiết, sẵn sàng cho nhà thầu khai thác khi triển khai dự án.

Đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ các đơn vị tư vấn thuộc Bộ GTVT khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển để thực hiện thi công thí điểm.

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và các địa phương liên quan cũng cần hỗ trợ Bộ GTVT trong công tác thăm dò, khảo sát các mỏ; tăng công suất khai thác, mở thêm các mỏ mới; nghiên cứu để khai thác các vị trí cồn cát, ưu tiên nguồn cát cho các dự án trọng điểm của ngành GTVT để hoàn thành các dự án theo đúng chỉ đạo tại các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Ngoài ra, nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam qua khu vực ĐBSCL, Bộ GTVT cũng kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nghiên cứu Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” trong năm 2023./.