Dự án làm trước khi Thủ tướng chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Theo phản ánh của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, ngày 20/7/2022, một số cán bộ huyện, xã xuống cắm mốc lại trên khu đất ruộng của các hộ dân trên địa bàn thôn Cổ Lương, xã Gia Cát và không thông báo cho dân biết, chưa tổ chức họp dân bị ảnh hưởng bởi Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B, đoạn km3+700 đến km18. Ngoài ra, các hộ dân cho rằng, việc kiểm đếm, thu hồi đất từ năm 2020 đến nay, chưa có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ chính thức, phạm vi thu hồi, bản vẽ thiết kế… mà huyện, xã vận động Nhân dân nhận tiền tạm ứng từ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc. Việc lập quy hoạch để làm bãi thải sau tạo quỹ đất cho tỉnh từ km5+800.03 đến km6+506.82 là chưa phù hợp, cần được UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét điều chỉnh quy hoạch.

0751-ynh-1-4-1660537122.jpg
Các hộ dân phản ánh với phóng viên

Được biết, ngày 12/6/2020, HĐND tỉnh Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn km3+700 đến km18, do Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn (Ban QLDA tỉnh Lạng Sơn) làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án nhằm tạo kết nối, nâng cao năng lực khai thác tuyến đường, đáp ứng nhu cầu vận tải, nhằm khai thác hiệu quả, thu hút khách du lịch đến Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn; đáp ứng năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu song phương Chi Ma; tạo sự kết nối hạ tầng với tỉnh Quảng Ninh và các trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh để thuận tiện trong phát triển chuỗi sản phẩm du lịch liên kết vùng, phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Tổng chiều dài tuyến 13,465km, điểm đầu tại km3+605 Quốc lộ 4B (nối tiếp với đoạn nội thị 4 làn xe đã được đầu tư), điểm cuối tại km17+070 (giao Quốc lộ 4B hiện trạng tại km17+890), công trình cấp III miền núi, nhóm B với tổng mức đầu tư 988,252 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất 90,6ha; thời gian thực hiện từ 2020-2024.

Đến ngày 11/11/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 2346/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 đến km18).

0857-ynh-3-3-1660537152.jpg
Phiếu chi tiền cho người dân của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc

Sáng 28/4/2021, Ban QLDA tỉnh Lạng Sơn tổ chức khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn từ km3+700 đến km18. Tuy nhiên, phải đến ngày 30/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành mới có Văn bản số 480/TTg-NN về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, Phó Thủ tướng có ý kiến: Chấp thuận UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định chuyển mục đích sử dụng 28,34ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 đến km18) như ý kiến thẩm định…

Tạm ứng tiền đền bù khi chưa có quyết định thu hồi đất?

Mặc dù UBND tỉnh chưa có Quyết định phê duyệt giá cụ thể để làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án trên. Nhưng năm 2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc đã chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B cho nhiều hộ dân, hiện nay đã tạm ứng tiền hơn 80% cho các hộ dân (!?).

Ông Hoàng Đình Tuệ, Phó Giám đốc Ban QLDA tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Hiện nay có một số hộ dân phản ứng việc quy hoạch bãi đổ thải đã được UBND tỉnh phê duyệt thì chúng tôi đã dừng, chưa làm ở đó mà làm chỗ khác. Còn việc điều chỉnh thì phải do UBND tỉnh. Phần giải phóng mặt bằng thuộc quản lí, trách nhiệm của UBND huyện Cao Lộc. Trong quá trình thực hiện vướng mắc thế nào thì huyện xem xét giải quyết. Có 3, 4 hộ chưa nhận tiền tạm ứng vì vướng vào quy hoạch bãi thải”.

Còn ông Nguyễn Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất cho rằng: “Hiện nay đang chờ UBND tỉnh quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, nên chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có phương án chính thức. Việc tạm ứng trên là đúng quy định, để đẩy nhanh tiến độ dự án… Chúng tôi phối hợp với xã để tuyên truyền, vận động các hộ dân ủng hộ để đo đạc, cắm mốc..., còn việc bãi thải thì do Ban QLDA tỉnh, chúng tôi làm theo quy định…”.

Theo ông Đặng Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Cát: Xã đã dán thông tin về dự án ở bảng tin. Dự án đã triển khai từ năm 2021, trách nhiệm của UBND xã là xác định nguồn gốc đất, vận động, tuyên truyền Nhân dân nhận tiền tạm ứng. Phối hợp với chủ đầu tư, huyện để đo đạc, cắm mốc giới, kiểm kê…

Liên quan đến sự việc, Luật sư Hoàng Văn Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết:

Theo quy định tại Điều 93 Luật Đất đai năm 2013 về Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thì việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chỉ được chi trả sau khi đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, không có quy định nào nêu việc cơ quan Nhà nước tạm ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi thì nguồn tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ lấy từ ngân sách Nhà nước và được Kho bạc Nhà nước quản lí.

Việc lấy tiền từ kho bạc cũng có quy định cụ thể: Trong giai đoạn từ ngày 16/3/2020 đến 31/12/2021, quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 8 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Riêng đối với công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải kèm dự toán chi phí cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2022 đến nay, cũng quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 9 Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ thanh toán vốn đầu tư dự án.

Trường hợp này cần xác định thời điểm các hộ nhận tiền tạm ứng để căn cứ áp dụng luật. Nếu việc chi tiền từ Kho bạc Nhà nước không đủ hồ sơ, quan trọng nhất là phương án bồi thường là có dấu hiệu vi phạm quy định.

Trong Biên bản làm việc ngày 27/8/2021 tại trụ sở UBND huyện Cao Lộc, ông Hoàng Đình Tuệ, Phó Giám đốc Ban QLDA tỉnh đề nghị: “Đối với các hộ dân đã nhận tạm ứng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, đề nghị tuyên truyền, vận động các hộ dân hoàn trả kinh phí”.

Từ những thông tin trên, nên chăng UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét điều chỉnh lại quy hoạch bãi thải tại km5-km6, vì đang vấp phải phản ứng từ phía Nhân dân. Ngoài ra, việc tạm ứng tiền cho các hộ dân khi chưa có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cần được làm rõ, bảo đảm đúng quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhân dân./.