Hơn 40 tỷ đồng ra đi trong 5 ngày giá rét
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua (từ ngày 20-24/2/2022), đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh chết 3.302 con, trong đó chủ yếu là trâu, bò, lợn, dê… Ngoài ra, đàn gia cầm chết 350 con tại huyện Con Cuông. Ước tính thiệt hại ban đầu lên hơn 40 tỷ đồng.
Trong đó, huyện thiệt hại nhiều nhất là Quế Phong với 1.134 con trâu bò; Kỳ Sơn chết 818 con; Tương Dương chết 574 con; Con Cuông chết 232 con; Quỳ Châu chết 91 con; Quỳ Hợp chết 81 con…
Bên cạnh đó, trong đợt rét vừa qua cũng có 2 nhà dân bị sập, ảnh hưởng ở huyện Tương Dương. Hoa màu, cây cối thiệt hại hàng nghìn héc-ta.
Một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua là Tri Lễ, huyện Quế Phong. Chỉ trong một thời gian ngắn, đàn gia súc của xã này đã chết 318 con, làm cho nhiều hộ dân điêu đứng.
Về vấn đề này, ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, đàn gia súc trên địa bàn xã có khoảng 8.000 con được phân bổ ở 234 hộ gia đình. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, toàn xã có hơn 318 gia súc bị chết, thiệt hại gần 3 tỷ đồng.
"Tri Lễ là một xã nghèo. Thấu hiểu điều đó, người dân chúng tôi luôn chịu khó để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nên những năm qua, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn luôn tăng cao. Tuy nhiên, vừa qua, do ảnh hưởng của rét hại, rét đậm, đàn gia súc, gia cầm của bà con chết kỷ lục, nhiều gia đình chết từ 2-4 con, thiệt hại lớn về kinh tế… Do đó, chúng tôi mong muốn nhà nước sớm hỗ trợ để bà con tái đàn, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống", ông Vi Văn Cường cho biết.
Sẽ có hỗ trợ nông dân có gia súc chết rét
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân có gia súc chết do rét.
Cụ thể, theo Quyết định 48/2017/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất ở vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì những gia đình có trâu, bò, gia cầm chết do rét đậm, rét hại vừa qua nằm trong chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đã có báo cáo tình hình thiệt hại do gia súc, gia cầm bị chết do giá rét và thống kê để trình UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ cho người dân sớm nhất có thể ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất.
"Các địa phương bị thiệt hại do gia súc, gia cầm chết vì giá rét thống kê, rà soát lại một cách chính xác, có xác thực của chính quyền địa phương, thực hiện đúng quy trình, tránh tình trạng khai báo gian lận", ông Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh.
Dịp này, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã đề nghị UBND các huyện thực hiện các nội dung như huy động các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bước đầu ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là hộ gia đình có thiệt hại về nhà ở.
Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra rà soát, xác minh thiệt hại do lốc, rét hại gây ra trên địa bàn; chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn áp dụng kết hợp biện pháp kỹ thuật phòng chống rét với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương.
Theo Quyết định 48/2017/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm như sau:
Thiệt hại do thiên tai: Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 35.000 đồng/con.
Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi hỗ trợ: 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;
Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi hỗ trợ 10.000.000 đồng/con;
Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi hỗ trợ 6.000.000 đồng/con.
Hươu, nai, cừu, dê: Hươu nai được hỗ trợ 2.500.000 đồng/con; Cừu, dê được hỗ trợ 1.000.000 đồng/con.