Có thể thấy, quê hương và con người là đề tài muôn thuở gần gũi với mỗi nhà văn, nhà thơ. Từ văn học trung đại đến hiện đại, từ thơ cổ đến thơ đương đại hay hậu hiện đại. Quê hương, con người là niềm cảm hứng, là chất liệu để các nhà thơ sáng tác. Tuy nhiên, mỗi nhà văn nhà thơ đều có cách tiếp cận rất riêng làm nên nét độc đáo, hồn cốt riêng cho phong cách thơ của mình và nhà thơ Đăng Độ cũng không ngoại lệ.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ sinh năm 1966, quê quán xã Thạch Tiến, Thạch Hà (Hà Tĩnh). Nhập ngũ tháng 2/1985, tại Sư đoàn 441, Quân khu 4. Từ tháng 12/1985 đến tháng 10/1986 Nguyễn Đăng Độ chuyển đến Tiểu đoàn 1016 sư 316 Hoàng Liên Sơn. Đến tháng 11/1987, chuyển ngành vào Tây Nguyên, công tác tại Công ty kinh tế Đảng, thuộc Ban kinh tế Tỉnh uỷ tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Hiện sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng.

“Hương xa” tiếng lòng về quê hương, về nguồn cội, về một tình yêu còn “nợ” ân tình với làng quê, lối xóm biết bao giờ mới trả xong “Tôi nợ lũy tre che mát những trưa hè/ Nợ lối xóm sẻ chia ngày túng thiếu”. Nghĩa tình là thế, dù ở bất cứ nơi đâu, tiếng lòng luôn hướng về nơi sinh ra, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Vốn là một nhà thơ nặng tình người, tình đời như ông thì không thể “trả hết yêu thương”…trong một khoảng thời gian mà nó “bám” dai dẳng suốt chiều dài của cuộc đời ông.

Qua thơ ông, quê hương Hà Tĩnh với vẻ đẹp dân da, bình dị của sự sống đầy mơn mởn. Vẻ đẹp đó tồn tại xung quanh chúng ta rất gần gũi mà rất đỗi thiêng liêng, cao cả mà chúng ta có thể bắt gặp dù bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào khi ta đặt chân đến. Khung cảnh quê hương Hà Tĩnh hiện lên trong thơ ông qua những xóm nhỏ, phiên liếp mái tranh, cánh đồng làng,…Đặc biệt hình ảnh Hà Tĩnh với đặc sản mà ai đi xa cũng nhớ về hay khi ai nhắc đến Hà Tĩnh đều nghĩ:


“Mơ chiều chiều đầu ngõ ngóng trông

Tấm bánh đa mẹ mang về ngoài chợ

Chiếu kẹo cu đơ thấm bao duyên nợ

Đến bây giờ hương vị vẫn còn thơm”

(Xóm nhỏ xa mờ)

Hay như:

“Con mơ về ngày buốt lạnh tháng giêng

Bên bếp củi than nồng đêm mưa quất

Mẹ hì hục giã đâm dần sàng hạt thóc

Bên ngọn đèn dầu mờ ảo xanh xao”

Những hình ảnh, sự vật ấy đều hiện hữu xung quanh chúng ta tưởng chừng như đó là một sự lặp lại theo quy luật tự nhiên đầy nhàm chán. Thế nhưng qua con mắt của nhà thơ Đăng Độ đó là quê hương, hoàn cảnh nơi ông sinh ra và lớn lên còn khó nhọc, gian khổ của một thời. Đây chính là nguyên nhân sâu xa mà cho đến giờ, khi đã trở thành doanh nhân thành đạt, ông luôn đau đáu về quê hương, đau đáu về phận người, phận đời có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương. Vì lẽ đó, nên tấm lòng thiện nguyện của ông hướng về nguồn cội chưa bao giờ kết thúc.


Quê hương Hà Tĩnh hiện lên trong thơ ông rất bình dị, mộc mạc. Mảnh đất cha ông linh thiêng dãi dầu nắng mưa với thiên nhiên khắc nghiệt nhưng đầy thân thương:

“Tôi trở về Hà Tĩnh thân thương

Nơi câu ví cuối chiều ngân tha thiết

Về với sông La xanh trong nước xiết

Bát nước chè thỏa cơn khát ban trưa ….

Tôi trở về tìm lại chiếc nón mê Manh áo tơi mẹ tết bằng lá cọ”

(Hà Tĩnh mình thương)

Dọc hành trình sáng tác của nhà thơ Đăng Độ có rất nhiều bài thơ phát họa hình ảnh của quê hương Hà Tĩnh đầy thương nhớ qua những sự vật rất đỗi bình dị với đời thường kiểu như “Tuổi thơ chân đất nón mê/Sắn khoai lót dạ ấm chè đậm hương”. Dù nhìn ở góc độ nào, hay cảm quan và cách nghĩ chúng ta đều dễ dàng nhận ra quê hương trong thơ ông đều được gợi nhớ từ những gì quen thuộc, không xa lạ với con người Hà Tĩnh khiến cho ai đọc thơ ông, đặc biệt là những người con của quê hương Hà Tĩnh đều khiến họ say sưa đắm chìm trong thế giới cảm xúc với nhà thơ.

“Ráng chiều vàng rượi mặt sông

Bóng em khuất phía ánh hồng chiều quê

Hoàng hôn dìu bước em về

Cỏ xanh ngút ngát chân đê mượt mà”

(Chân quê)

Hay như:

“Hoa cau thơm ngát dâng tràn

Võng tre kẽo kẹt tiếng đàn đêm thu

Quê hương thấm đượm lời ru

Ngân nga tiếng sáo vi vu chân trần”

(Nhớ)

Hình ảnh quê hương là thế, còn con người Hà Tĩnh thì sao? Con người Hà Tĩnh nói riêng và con người Việt Nam nói chung đều rất gần gũi, bình dị, rất trọng nghĩa khí. Thế nhưng, ở Hà Tĩnh có một nét rất riêng mà ai gặp cũng dễ dàng nhận ra đó là hình ảnh chịu thương, chịu khó, cần cù và tính đoàn kết rất cao. Tại sao đức tính đó rất nổi bật trong tính cách con người Hà Tĩnh? Không khó để lý giải điều này bởi Hà Tĩnh là vùng đất có truyền thống cách mạng và cũng là vùng đất được thiên nhiên “ưu đãi” cho thời tiết khắc nghiệt, là “chảo lửa Đông Dương” về mùa hè và rét cắt da thịt mùa đông, bão gió triền miên,…Do đó, tính cách con người cũng được bồi đắp thêm từ chính thiên địa “ban tặng” để rồi mẹ phải “còng lưng che đất giữ làng”.

“Căn nhà nhỏ, người quê nghèo lam lũ

Vùi trong bão đạn mưa bom

Vẫn từ đất vun cao thành tổ quốc

Cho mùa hoa sinh nở những mùa hoa”

(Cố hương)

Nếu như trong thơ ca cổ lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp, thì thơ của nhà thơ Đăng Độ lại lấy những chuẩn mực từ con người Hà Tĩnh để làm thước đo trong thơ ông. Con người Hà Tĩnh trong thơ ông hiện ra rất rõ nét, chân thật, không bị che lấp bởi cái đẹp của ngoại cảnh mà nổi bật bởi cái chất phác, hồn hậu:

“Người quê thuần hậu thật thà

Hương thơm của lúa ngọc ngà của hoa

Sớm trưa câu ví ngân nga

Chân quê bến nước cây đa ân tình”

(Chân quê)

Không những thế, con người Hà Tĩnh trong thơ ông còn hiện lên với bao nghĩa tình về cố hương, hình ảnh nặng nghĩa nặng tình nơi hình hài mình được sinh ra để rồi dù cho tung cánh muôn phương thì:

“Quê hương tiếng gọi yêu thương

Dẫu đi muôn nẻo nghìn phương nhớ về

Quê hương nỗi nhớ mỗi ngày

Rơm vàng thơm nắng chiều dày khói lam”

(Nhớ)

Bên cạnh miêu tả con người bới đức tính giản dị, đời thường thì hình ảnh con người Hà Tĩnh trong thơ ông cũng đầy mãnh liệt, anh dũng trong vòng quay của cuộc đời vốn không dễ dàng để sinh tồn trong từng giai đoạn khó khăn của đời người “Đường đi sóng gió bốn phương thác ghềnh/ Một đời thuyền mãi lênh đênh” để đến cuối cùng đạt đến bến bờ bình yên trong sự bao bọc của tình quê

Qua thơ ông, chất tình của người Hà Tĩnh nhiều hơn chất hình. Bởi lẽ đó, xâu chuỗi hình ảnh con người trong thơ ông nổi bật đức tính chịu thương, chịu khó trong lam lũ. Và độc giả cũng dễ dàng nhận ra người có ảnh hưởng rất lớn đến thơ ông chính là hình ảnh người mẹ - người đại diện cho bao người phụ nữ khác khoác lên mình tấm áo tảo tần sớm hôm:

“Áo tơi nón lá quanh năm

Mồ hôi thấm đất mưa dầm thấm lâu

Đông về gió lạnh bời bời

Lưng còng mẹ gánh đầy vơi nỗi niềm

Nắng hanh khô héo bàn tay

Đèn dầu leo lét loay hoay phận người”

(Kỷ niệm)

Đây chính là “điểm sáng” trong tâm hồn con người Hà Tĩnh mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra khi vừa mới tiếp xúc. Lam lũ là thế, quay cuồng trong cuộc sống mưu sinh là vậy nhưng rất trọng nghĩa khí, nghĩa tình và đoàn kết cao độ chính là những gì mà con người Hà Tĩnh sở hữu trong bản thân mình. Không những thế, lòng hiếu thảo, cảm mến công lao đối với bậc sinh thành cũng đã góp phần làm nên hình ảnh con người trong thơ ông:

“Cuộc đời con từ cha mẹ sinh ra

Tất tả lo âu dồn trên lưng mẹ

Cha ngược bình minh tới hoàng hôn bạc mắt

Mồ hôi dầm thấm dọc đời con”

(Con sợ mai rồi…)

Khép lại “Quê hương, con người hà Tĩnh trong thơ Đăng Độ”, tôi xin phép dẫn lại quan niệm về thơ của nhà thơ thay cho lời kết của mình: “Tôi sinh ra, lớn lên trên mảnh đất quê hương Hà Tĩnh. Quê tôi khi đó đói nghèo lắm, lại bị bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt. Thạch Tiến là nơi hứng chịu rất nhiều trận bom B52. Khi còn nhỏ, cuộc sống và sinh hoạt tuổi ấu thơ tôi chủ yếu trong hầm trú ẩn ẩm thấp, chật chội. Tuy nghèo nhưng tình người, sự sẻ chia, đùm bọc “nhường cơm sẻ áo” cho nhau ở quê tôi thì ít đâu bằng…

Tất cả những điều đó thôi thúc tôi tôi cầm bút viết. Thực ra tôi thích viết thơ từ nhỏ, làm những bài vè, câu hò đối đáp mỗi đêm trăng ở làng trên xóm dưới. Nhưng rồi vì cuộc sống mưu sinh, tôi không còn thời gian cho thơ nữa. Mãi đến những năm gần đây, khi cuộc sông tạm ổn định, tình yêu thơ ca trong tôi lại trỗi dậy. Tôi yêu quê tôi, yêu những tháng năm nghèo khó mà thắm đượm tình người. Tôi ghi lòng tạc dạ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Tôi nhớ bạn bè đồng đội. Đời lính cho tôi ý chí, quê hương cho tôi tình thương, cha mẹ cho tôi hình hài. Vậy nên mỗi lần cầm bút, những cảm xúc về cha mẹ, quê hương, bạn bè đồng đội lại ùa về thăng hoa thành nhạc, thành thơ. Tôi viết về họ bằng cả tình yêu và sự biết ơn sâu nặng nhất”.