Tại hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022) vừa diễn ra, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND Tối cao đã kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính Trung ương hoặc VKSND Tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Ông Trí cho rằng làm như vậy sẽ thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa. Theo ông Trí, cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục.
Ý kiến này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
PV Dân trí trao đổi với Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.
Ông có ủng hộ đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí? Quan điểm này có phải bây giờ mới được đưa ra hay không?
- Tôi ủng hộ quan điểm của ông Lê Minh Trí. Nhưng đề xuất đó không phải bây giờ mới được đưa ra bàn thảo.
Chính sách hình sự hiện nay không khuyến khích người ta nộp lại tài sản. Đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao khuyến khích người ta nộp lại tài sản là điều tốt. Nhưng tôi phải nhấn mạnh, để thực hiện chính sách hình sự còn nhiều biện pháp khác. Không có chuyện cứ tham nhũng rồi nộp lại tài sản là thoát trách nhiệm. Làm gì có chuyện đó! Khi bị phát hiện rồi mà nộp lại tài sản thì chỉ giúp giảm nhẹ trách nhiệm mà thôi.
Từ khi thảo luận về Bộ luật hình sự năm 2015, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu rõ quan điểm đối với tội phạm tham nhũng thì quan trọng là phải có biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát.
Để khuyến khích được điều này thì việc trả lại, nộp lại tài sản tham nhũng, gây thất thoát cần có ý nghĩa về mặt pháp lý hình sự theo 4 mức mà chúng tôi từng nêu ra.
Mức 1, nếu tham nhũng nhưng khi vụ án chưa được phát hiện mà người có hành vi tham nhũng đã nộp lại toàn bộ tài sản tham nhũng thì cần xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức 2, khi đã bị phát hiện, đang điều tra mà trả lại tài sản tham nhũng thì có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay phạt án treo.
Mức 3, trong quá trình xét xử mà người có hành vi tham nhũng bồi thường, trả lại một phần hay toàn bộ số tiền tham nhũng thì xem xét được giảm nhẹ hình phạt.
Mức 4, nếu khi tòa án kết án rồi mà người có hành vi tham nhũng nộp lại toàn bộ tài sản tham nhũng có thể được cân nhắc giảm án, tha tù.
Tôi cho rằng nếu chúng ta làm theo 4 mức khuyến khích này sẽ là cơ hội để thu hồi tài sản tham nhũng được lớn hơn, tránh tình trạng như dân gian vẫn nói là "hi sinh đời bố củng cố đời con".
Cũng phải nói thêm rằng đây không phải quan điểm mới mẻ, bởi nhiều nước trên thế giới đã thực hiện rồi và các nhà làm luật, nghiên cứu luật như chúng tôi cũng đã từng kiến nghị.
Nhưng thực tế trong nhiều vụ án, số tiền mà quan chức phải nộp lại được cho là rất nhỏ so với khối tài sản "khủng" mà dư luận râm ran về quan chức đó sở hữu. Ví dụ gần đây nhất là trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội - chỉ phải nộp đủ 25 tỷ đồng khắc phục hậu quả và đã được giảm án (từ 8 năm xuống 5 năm tù) gây ồn ào dư luận…
- Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng có quy định tội làm giàu bất chính. Anh có tài sản lớn mà không giải trình, làm rõ được tài sản đó do đâu mà có thì sẽ bị xem xét tội làm giàu bất hợp pháp, bất chính; toàn bộ tài sản không giải trình được đó sẽ bị thu hồi. Cái này tôi đã đề nghị rồi, phải luật hóa tội làm giàu bất hợp pháp.
Quan chức bây giờ sống chỉ bằng cái "lộc", "quà biếu" thôi. Giờ anh ta có nghìn tỷ mà không giải trình được tài sản đó ở đâu ra thì như các nước có thể bị xem xét tội làm giàu bất chính, ngoài bị xử lý hình sự thì có thể bị thu hồi toàn bộ tài sản.
Việt Nam hiện nay chưa có quy định về tội làm giàu bất chính thì chưa thể xử lý được chuyện đó.
Việc quan chức vi phạm, tham nhũng khi ra tòa nộp lại tài sản, khắc phục toàn bộ sai phạm về kinh tế để được giảm án, thậm chí thoát khỏi án tử có thể khiến dư luận cho rằng tính nghiêm minh của pháp luật bị giảm đi?
- Trong vụ án AVG, các bị cáo đã chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả. Hay trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ thì Phan Sào Nam cũng đã chủ động nộp lại cả nghìn tỷ. Vụ ông Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)… đều đã nộp tiền để khắc phục hậu quả. Việc thu hồi được số tiền lớn vậy đâu phải dễ.
Nếu người ta nộp lại tài sản, khắc phục hậu quả tốt thì án nặng để làm gì? Đôi khi án nặng quá lại không tạo ra tác dụng cao. Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu cũng đã ủng hộ quan điểm này.
Luật Phòng chống tham nhũng chủ yếu để phát hiện, xử lý hơn là phòng ngừa. Phòng ngừa là đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức; phải giáo dục họ về phẩm chất đạo đức, làm tốt công tác cán bộ, giao quyền lực vào tay người uy tín. Đồng thời tăng cường quản lý để không có kẽ hở cho người tham nhũng. Cuối cùng nếu họ vi phạm thì mới xử lý hình sự.
Nếu cứ để tham nhũng rồi xử lý bỏ tù, tử hình thì không giải quyết được việc gì cả. Phát hiện, xử lý, bỏ tù là biện pháp cuối cùng thôi. Chính sách pháp luật phải mang tính phòng ngừa, nhân văn là ở chỗ đó.
Chuỗi giải pháp phải "phòng" và "chống" phải đồng bộ. Một mặt đảm bảo phòng ngừa, phòng chống tham nhũng tốt nhưng mặt khác phải đảm bảo quyền của cán bộ công chức.
Tôi đã đề nghị từ lâu rồi, Bộ luật Hình sự phải tính tới luật hóa quy định làm giàu bất hợp pháp, phải quy định tội nhận quà biếu có giá trị lớn. Anh quan chức mà nhận một lúc mấy tỷ, mấy tỷ, tài sản không phải do sức lao động làm ra thì không thể chấp nhận được trong nhà nước pháp quyền. Người dân thì có ai được "tặng quà" đâu. Giữ chức vụ quyền hạn mà ngày lễ, ngày Tết được tặng hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn đô la, tặng cả cái xe hơi là không ổn…
Hiện nay luật quy định bắt buộc cán bộ, công chức kê khai tài sản nhưng việc kê khai những khối tài sản lớn không phải tội phạm, không có quy trình tố tụng để điều tra cái đó. Nếu coi việc sở hữu những khối tài sản "khủng" là làm giàu bất chính thì mới có cơ chế điều tra, làm rõ, kê biên, kiểm soát tài sản để không bị tẩu tán. Nên tôi cho rằng đây mới là mấu chốt của việc xử lý tham nhũng.
Đề xuất của Viện trưởng VKSND Lê Minh Trí có chồng chéo với "cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội ở Việt Nam" đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu?
- Đây là hai cái khác nhau nhưng có liên quan đến nhau. Tôi được biết Bộ Tư pháp, Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương đang phối hợp nghiên cứu việc này.
Có những vụ án hình sự đang trong quá trình điều tra, truy tố mà bị can chết chẳng hạn thì vụ án phải bị đình chỉ. Theo quy định tố tụng hình sự hiện nay sẽ đình chỉ điều tra và vấn đề bồi thường cũng bị đình chỉ theo. Toàn bộ tài sản tham nhũng không được thu hồi về cho nhà nước. Mà như thế thì không được.
Trong trường hợp này thì phải giao lại cho viện kiểm sát, cơ quan công tố để khởi kiện dân sự, thu hồi về cho ngân sách nhà nước, cho nhân dân chứ. Dù chưa bị kết án thì chưa phải là người phạm tội nhưng không thể để "đời bố khổ thì giữ lại cho đời con", người chết nhưng tài sản vẫn ở lại được. Vì vậy cần cơ chế để thu hồi lại tài sản tham nhũng đó thông mà không cần thông qua thủ tục kết tội.
Xin cảm ơn ông!