Cổ phiếu PDC của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản tăng trần 10 phiên liên tiếp, một số mã cổ phiếu ngành du lịch cũng ghi nhận tăng mạnh trong bối cảnh thị trường phân hoá.
Cổ phiếu PDC của Công ty CP du lịch dầu khí vừa có 10 phiên tăng liên tiếp, mức tăng gấp đôi kể từ phiên đầu tiên ngày vào 17/2, với tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch đạt 450.000 cổ phiếu. Chốt phiên ngày 2/3, cổ phiếu PDC đang ở mức 16.600 đồng/cp.
Trong năm 2021, Công ty CP PDC ghi nhận doanh thu đạt hơn 21 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế âm 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh thu âm 8 tỷ đồng.
Riêng quý IV/2021, doanh thu của PDC đạt mức hơn 6 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế âm 2,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020, dương 2 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, tài sản ngắn hạn của PDC đang ở mức 98 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với từ hồi đầu năm. Tổng tài sản dài hạn 183,5 tỷ đồng, giảm 7% so với hồi đầu năm, nợ ngắn hạn phải trả 151,9 tỷ đồng.
Công ty Công ty CP PDC được thành lập ngày 26/12/1994, tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước có tên Khách sạn Phượng Hoàng, sau đó 2 năm được đổi tên thành Công ty Khách sạn Du lịch Phương Đông.
Năm 2007, doanh nghiệp này chuyển về làm đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đổi tên thành Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông. Ngay năm sau đó, công ty chính thức chuyển sang loại hình công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông, chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 29/9/2009 với mã cổ phiếu PDC.
Thời điểm lên sàn, PDC có 4 cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tỷ lệ nắm giữ 60,4%; tiếp theo là Sabeco tỷ lệ 9,8% cổ phần; CTCP Đầu tư và Tư vấn Tài chính Dầu khí tỷ lệ 6,06%; Chứng khoán Dầu khí 5,16%.
Tuy nhiên, sau khi lên sàn, PDC gánh khoản thua lỗ 60 tỷ đồng. Chỉ vài tháng sau đó, PVN chuyển nhượng hơn 60% cổ phần PDC cho Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - PTSC (PVS). Đến tháng 8/2011, PTSC lại chuyển nhượng số cổ phiếu trên cho Ocean Hospitality và Ocean Bank.
Giữa năm 2015, sau những biến cố lớn tại Ocean Group, PDC lại một lần nữa đổi chủ. Lần này, cái tên thay thế Ocean Group trở thành cổ đông lớn tại PDC là gia đình "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, ông chủ Tập đoàn Mường Thanh.
Hiện tại, đại gia Lê Thanh Thản nắm giữ 3 triệu cổ phiếu PDC, tương ứng 20% vốn điều lệ.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng không mấy tích cực của tình hình thế giới. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành du lịch ghi nhận có tăng trưởng so với mặt bằng chung của thị trường.
Cổ phiếu VTD của Công ty CP Du lịch Vietourist trên sàn UpCom ghi nhận đà tăng mạnh kể từ sau Tết Nguyên đán, với mức tăng 60%. Chốt phiên giao dịch ngày 2/3, giá cổ phiếu VTD đạt mức 22.800 đồng/cp, trong đó ghi nhận phiên tăng mạnh ngày 17/2 với 14,8%.
Trong năm 2021, lợi nhuận kinh doanh của VTD đạt gấp 3 lần so với năm 2020, nhưng thực tế lợi nhuận rất khiêm tốn chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng. Trong tài liệu họp hội đồng cổ đông năm 2022, VTD có kế hoạch tăng gấp 4 lần vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên mức 245 tỷ đồng.
Một cổ phiếu trong ngành du lịch khác là cổ phiếu CTC của CTCP Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên trên sàn HNX cũng tăng gần 40% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1/2022.
Trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của CTC tăng mạnh so với năm 2020 khi đạt mức lợi nhuận sau thuế là 13,9 tỷ đồng so với 1,2 tỷ đồng năm 2020.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/3, giá cổ phiếu CTC đạt mức 8.900 đồng/cp. Mức tăng mạnh nhất tại phiên ngày 17/2, khi từ 8.500 đồng/cp lên 9.300 đồng/cp, tương đương mức tăng 9,41%.
Mặc dù chỉ lãi sau thuế đạt 3 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu VNG của CTCP Du lịch Thành Công, sàn HOSE, vẫn có đà tăng hơn 30%. Chốt phiên giao dịch ngày 2/3 giá cổ phiếu VNG đạt 16.800 đồng/cp.