Chia sẻ trong tọa đàm "Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ" mới đây, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho hay, trên thế giới không có một dân tộc nào giống dân tộc Việt Nam, trong 77 năm qua kể từ ngày giành lại độc lập đã phải tiến hành tới ba cuộc chiến tranh vệ quốc vì độc lập cho Tổ quốc, thống nhất cho giang sơn, hạnh phúc cho dân tộc. 

Ông nhận định, đó là điều có 1-0-2 trong lịch sử loài người, chiến công đó có được nhờ một phần rất quan trọng, có thể coi là yếu tố quyết định, đó là sự hy sinh của bộ đội Cụ Hồ.

Làm thế nào mà một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đánh thắng các thế lực ngoại xâm có tiềm lực vật chất hùng hậu gấp bội như vậy? Nguyên Phó Thủ tướng nhắc lại câu trả lời trong cuộc phỏng vấn của báo chí nước ngoài với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là "một trong những nhân tố dẫn đến thắng lợi do văn hóa của Việt Nam". Những giá trị văn hóa được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mà Bác Hồ và con cháu của Người là biểu tượng.

Yêu nước, ý chí, sáng tạo, gắn bó và nhân văn

Ông Vũ Khoan phân tích, trước hết đó là tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí sắt đá, sẵn sàng hy sinh cái quý giá nhất của con người là mạng sống vì sự tồn vong của dân tộc. Thứ hai, đó là sự cần cù, tinh thần chịu thương chịu khó kết hợp với trí thông minh và tài năng sáng tạo trong chiến đấu cũng như xây dựng, trong thời chiến cũng như trong thời bình.

Thứ ba, đó là tình đồng đội keo sơn và sự gắn bó máu thịt với đồng bào. Thứ tư, đức tính sẵn sàng chia bùi, sẻ ngọt với các dân tộc đấu tranh cho những mục tiêu cao cả của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thứ năm đó là tính nhân văn và lòng vị tha đối với kẻ thù. Dẫn chứng về điều này, ông Vũ Khoan kể lại câu chuyện khi ông đi công tác tại Houston - thành phố lớn nhất ở bang Texas (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ G. Bush (cha) có gặp riêng. Trong câu chuyện ông G. Bush kể lại rằng, vào năm 1994, khi đã nghỉ hưu ông tỏ ý muốn sang thăm Việt Nam thì nhiều người khuyên can không nên đi vì người Mỹ đã gây ra nhiều điều không hay, không phải ở đất nước này. Tuy nhiên ông vẫn quyết định lên đường.

phut-ho-then-cua-nguyen-pho-thu-tuong-khi-phien-dich-cho-bac-hodocx-1649635525079-1649646758.jpg
Cựu Tổng thống Mỹ Bush và phu nhân trong chuyến thăm Việt Nam năm 1995. Ảnh chụp màn hình Getty

Cựu Tổng thống Mỹ rất ngạc nhiên vì suốt chuyến đi không một ai tỏ thái độ thù địch gì với ông ta, mà mọi người, kể cả nhiều cựu chiến binh Việt Nam đã ứng xử rất thân mật! Cựu Tổng thống Mỹ mới hỏi ông Vũ Khoan vì sao như vậy? Nguyên Phó Thủ tướng trả lời rằng, "người Việt Nam chúng tôi luôn kiên định bảo vệ non sông, đất nước của mình đồng thời rất rộng mở, khi hết chiến tranh luôn sẵn sàng vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai, quan hệ hữu nghị, hợp tác".

Học Bác Hồ từ những điều nhỏ nhất

Nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh những giá trị cao quý ấy đã giúp cho quân đội ta không ngừng lớn mạnh, giành chiến thắng huy hoàng, chẳng những "đi suốt Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam" như Bác Hồ tiên đoán. Không những thế, bộ đội ta còn kề vai sát cánh với nhân dân các nước láng giềng vì tự do của mỗi nước mà còn đồng cam cộng khổ với châu Phi xa xôi với tư cách "Lực lượng gìn giữ hòa bình" Liên Hợp Quốc!

Ông khẳng định, nhờ xương máu, mồ hôi và những giá trị cao đẹp được kiên trì theo đuổi, "bộ đội Cụ Hồ" đã góp phần lớn lao vào sự nghiệp xây dựng và củng cố cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế mà đất nước ta có được ngày nay.

Tiếc rằng, trong hoàn cảnh hòa bình, trong hàng ngũ quân đội đã xuất hiện một số "con sâu làm rầu nồi canh" - điều mà Bác Hồ từ lâu đã cảnh tỉnh về những nguy cơ rình rập toàn quân, toàn dân ta. 

Nguyên Phó Thủ tướng dẫn chứng, lúc sinh thời Người đã rất nghiêm khắc thế nào đối với Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục quân nhu đã tham nhũng, tha hóa trong thời kháng chiến chống Pháp.

Ông Vũ Khoan khắc lại, trước khi bộ đội ta sắp vào tiếp quản thủ đô năm 1954 Bác đã cảnh tỉnh: "Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi… Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu".

Ngày nay nước ta đã có hòa bình, ít nhiều đã có của ăn của để và hội nhập sâu rộng vào thế giới mà ở đó sự cám dỗ lớn hơn gấp vạn lần so với những năm 50 thế kỷ trước. Trong hoàn cảnh ấy, một số cán bộ, kể cả ở cấp cao, đã trượt chân nhào xuống vực sâu, để lại sự hổ thẹn cho bản thân, buồn tủi đối với gia đình, nuối tiếc đối với chiến hữu, làm ô danh tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ".

Nhận rõ mối hiểm họa này đối với chế độ, Đảng, Nhà nước và quân đội đã ban hành nhiều quy định chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực; tiến hành nhiều giải pháp đấu tranh rất quyết liệt từ đó lấy lại niềm tin của nhân dân; cùng với đó là quyết tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách để những người có chức, có quyền không cần, không muốn, không thể, không dám tham nhũng.

Cho dù chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, kỷ luật của Quân đội trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực có đầy đủ tới đâu đi nữa cũng không thay thế được sự rèn luyện và sự tỉnh ngộ của mỗi người. 

Thuốc đặc trị hiệu nghiệm nhất chính là ý chí của từng cá nhân, thực sự làm theo tấm gương, đạo đức, lối sống của Bác Hồ. Ông Vũ Khoan cho rằng, có nơi, có lúc phong trào học tập và làm theo tấm gương của Bác còn mang nặng tính hình thức, chưa thấm sâu vào tâm can và hành vi của từng người, chưa trở thành những việc làm thiết thực, cụ thể.

"Hãy học Bác từ những cái nhỏ nhất", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhắc về Bác Hồ - Người biết thành thạo 9 thứ tiếng. Ông kể, có lần ông đến dịch cho Bác khi tiếp phóng viên Nga, trong khi chờ khách đến, ông thấy Bác mở hộp thuốc lá ra, trong hộp có một mảnh giấy, Bác lẩm nhẩm đọc. Khi ấy ông không dám hỏi Bác đọc gì, nhưng nghe thì thấy Bác lẩm nhẩm tiếng Nga. Ông liền hỏi: "Bác muốn học tiếng Nga ạ?" Bác trả lời mình vốn biết tiếng Nga nhưng do lâu năm không sử dụng nên bị quên nhiều, thành ra giờ phải học lại.

phut-ho-then-cua-nguyen-pho-thu-tuong-khi-phien-dich-cho-bac-hodocx-1649635525230-1649646802.jpg
Ông Vũ Khoan (thứ hai từ trái sang) trong lần dịch cho Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Bác để một mảnh giấy trong hộp thuốc, trên có ghi 20 từ tiếng Nga. Mỗi ngày Bác hút khoảng 1 bao thuốc lá, tương đương 20 điếu. Cứ mỗi lần mở hộp thuốc lấy 1 điếu là Bác lại nhẩm đọc từ mới. 20 lần mở ra lẩm nhẩm, cho rơi rụng đi thì cũng học được 10 từ.

Lúc đó, ông Vũ Khoan mới nghĩ: "Trong lòng tôi thật hổ thẹn khi thấy Cụ như thế, vĩ đại như thế, giỏi giang, ngoại ngữ biết nhiều thế trong khi mình còn trẻ, với bao nhiêu điều kiện lại không chịu học thì không ra làm sao cả".

Ngày nay, bên cạnh những thuận lợi to lớn, đất nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức có thể tác động xấu liên quan tới vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của đất nước. Tình hình mới mẻ đặt ra những đòi hỏi rất mới trong phương cách cách bảo vệ và phát huy những giá trị vĩnh cửu mà các thế hệ "anh bộ đội Cụ Hồ" đã vun đắp nên./.