Nhắc tới nhà văn Sơn Tùng - Anh hùng Lao động, bạn đọc trong và ngoài nước đều biết đó là một nhà nghiên cứu, một nhà văn sáng tạo thành công nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm nay bước vào tuổi 88, mảnh đạn M79 của quân Mỹ bắn vào ông tháng 4/1971 ở Tây Ninh vẫn còn găm trong đầu, sức khỏe người thương binh bậc cao nhất này dường như cũng yếu đi nhiều, ông nằm liệt giường đã nhiều năm nay, nhưng với ý chí, nghị lực hiếm thấy, nhà văn Sơn Tùng luôn giữ được thần thái của một người con xứ Nghệ thấm đạo Bác Hồ tận sâu thẳm. Chuyện ông từng kể cho chúng tôi nghe (năm 2010) về lần gặp đầu tiên cụ Nguyễn Thị Thanh - chị gái của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần 70 năm thật cảm động… như chuyện vừa diễn ra hôm qua!
Năm 1948, nhà văn Bùi Sơn Tùng (quê xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đang công tác ở Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Thời gian này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang thời kỳ khó khăn, nhưng Nghệ An và các tỉnh Khu 4 cũ đang là vùng tự do, cơ quan Tỉnh đoàn đóng ở huyện Đô Lương, cách xã Kim Liên, huyện Nam Đàn quê Bác Hồ chừng 15 cây số.
Tròn 20 tuổi, Sơn Tùng khao khát được về thăm quê Bác, bèn đạp xe về thăm Kim Liên vào sáng ngày 20 tháng Giêng năm 1948. Hồi hộp lắm, vì nghe nói cụ Nguyễn Thị Thanh đang trông coi nhà họ Nguyễn Sinh ở bên nội, liệu Cụ có tiếp chàng thanh niên đường đột xin đến thăm không?
Đến đầu xã Kim Liên, Sơn Tùng hỏi thăm rồi theo mấy bà đi chợ một đoạn xa, đến một ngôi nhà có vườn rộng thênh, có hàng râm bụt bao quanh như một tường rào thì một bà chỉ: "Nhà bà Thanh đấy. Anh vào đi". Sơn Tùng đứng lặng trước ngôi nhà của Bác. Nơi này đã sinh ra một con người vĩ đại? Khắp vườn, cỏ cây mọc đầy một màu xanh, một căn nhà thấp lè tè được lợp bằng tranh rạ, tường nhà thấp đến nỗi mái tranh gần chạm vào cây cỏ mọc cao chái nhà phía sau. Dường như không có ngõ thẳng như bây giờ, lúc ấy hàng rào râm bụt quây kín khu vườn, ai đó khoét một lỗ hổng đủ để một người chui ra, chui vào. Sơn Tùng cũng chui qua lỗ thủng ấy rồi đi vào căn nhà nhỏ thấp kia.
Vào đến sân, Sơn Tùng quan sát thấy có một vại đựng nước sạch hay nước mưa gì đó để cuối sân, giáp mảnh vườn; có một chiếc mẹt phơi mấy cái bát, đôi đũa, khắp vườn là những cây đinh lăng, tía tô mọc rậm rịt. Căn nhà chỉ có một cửa được che bằng cái nong to, trên đó viết chữ nguệch ngoạc "I tờ ít", có lẽ lưng cái nong được ai đó làm bảng dạy lớp Bình dân học vụ. Sơn Tùng đến trước cái nong, nhìn qua chỗ trống thấy một bà cụ nằm nghiêng trên cái chõng tre. Tiết trời đang độ cuối tháng Giêng ta, còn rét lắm. Nhà cửa vắng tanh, có lẽ chỉ có mình bà cụ - chắc chắn đây là cụ Thanh, chị ruột Bác Hồ rồi. Hình như chân bà cụ có rịt một mớ ngải cứu, đôi gò má cụ bôi nghệ vàng hoe cùng với miếng vải bọc ngải cứu áp chặt vào đầu. Có lẽ cụ Thanh đang ốm thì phải… Rụt rè, Sơn Tùng e hèm, lên tiếng:
- Cô ơi!
Trong nhà có tiếng trở mình:
- Ai đó? Ai mà gọi cô?
- Dạ cháu ở cơ quan đến xin thăm cô ạ.
Bà Thanh vẫn nằm yên trên chiếc chõng tre, hỏi vọng ra: "Cơ quan à? Cơ quan nào?". "Dạ, cháu ở Tỉnh đoàn ạ?". Cụ hỏi: "Đoàn nào?”. "Dạ thưa cô, Đoàn Thanh niên Cứu quốc ạ". Lúc ấy, cụ Nguyễn Thị Thanh mới chậm chạp chống tay ngồi nhỏm dậy: "Thanh niên Cứu quốc à? Đẩy cửa vào đi".
Sơn Tùng lách qua chiếc nong vào nhà, chào cụ Thanh rồi tự lấy chiếc đòn ghế mộc cao chừng 20 phân ngồi dưới đất, tay bám vào chõng tre. Thấy thế, cụ Thanh bảo ngay: "Không được. Anh là con trai, anh ngồi lên chõng cùng tôi đi". Sơn Tùng ghé ngồi men một góc nhỏ phía sau chõng, mạnh dạn hỏi:
- Cô ơi. Cô ở đây một mình ạ?
Nghe đoán giọng Sơn Tùng vùng miền biển Nghệ An, cụ Nguyễn Thị Thanh nhắc khẽ: "Gọi là o, miền Bắc mới gọi là cô". Sơn Tùng vâng rồi nhìn lên phía tường cạnh cụ Thanh nằm. Trên tường có treo bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cỡ 18x24cm. Trong ảnh, mắt Bác sáng mà nghiêm nghị, áo kaki màu nhạt, lần đầu tiên ông thấy một bức ảnh Bác Hồ to đến vậy. Tấm ảnh kẹp vào bìa giấy xi măng gấp ba, gấp bốn để cho cứng, đường viền là 4 thanh nứa nhỏ buộc bằng lạt giang. Thật lạ là hai bên tấm ảnh Bác Hồ có viết hai câu bằng chữ Hán, mực son đỏ: "Quốc chính thiên tâm thuận. Quan liêm dân tự an"; nhờ vốn tiếng Hán học từ nhỏ, Sơn Tùng hiểu được ý câu đối này nói "Trên mà chính thì dưới thuận, dân đồng lòng. Quan mà liêm chính thì dân sẽ yên, được thanh bình". (Lần gặp sau, Sơn Tùng thấy đề câu: Quốc đố xã tắc vong. Quan thanh dân quần lạc). Nhưng vốn tính thanh niên hiếu động, Sơn Tùng dại dột đường đột hỏi: "O ơi, đây có phải là chữ bác Cả Khiêm không ạ?". Vừa nghe hỏi dứt câu, cụ Thanh đã nổi nóng, chỉ tay: "Anh đứng dậy. Ra khỏi nhà tôi ngay". Sơn Tùng chưa hiểu gì, hoảng quá, lúng túng thì Cụ quát tiếp:
"Anh là con cái nhà ai mà khinh người thế? Trọng nam khinh nữ à? Anh coi thường tôi không viết được hay sao?".
Sơn Tùng biết mình có lỗi, thưa lại: "O ạ, xin o tha lỗi. Cháu thấy nét "mác", nét "sổ" thẳng mà cứng cáp, khỏe, cháu cứ nghĩ đây là nét chữ của đàn ông". Nghe thế, cụ Thanh dịu giọng: "A, thế anh biết tiếng Hán à? Thế thì ở lại nói chuyện. Thế anh là người làng nào?". Sơn Tùng thưa: "Thưa o, cháu người làng Kim Lũy, phủ Diễn Châu ạ". Cụ Thanh lại hỏi: "Làng Kim Lũy, có biết ông Tú Bùi Xuân Phong không?". Được hỏi, vui quá, Sơn Tùng thưa ngay:
"Thưa o, cháu là cháu ông Tú Bùi ạ. Ông nội cháu là Bùi Văn Tài với ông Tú Bùi là anh em ruột ạ".
Cụ Thanh dịu giọng, ngồi hẳn dậy, lấy cái ống bình vôi ôm vào tay nói thân thiết: "Tưởng ai, hóa ra cháu ông Tú Bùi. Cháu biết không, ông Tú Bùi cũng chơi thân với cha o đấy, nhưng kém cha o một giáp…". Điều này thì Sơn Tùng từng được nghe ông nội kể. Tú Bùi Xuân Phong sinh năm 1875, còn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, sinh năm 1863, hai cụ từng dự khoa thi Cử nhân ở Vinh nên quý và chơi thân với nhau. Thứ nữa, cụ Bùi Xuân Phong còn chơi thân với cụ Hoàng Xuân Hành, em trai của cụ Hoàng Xuân Đường - nhạc phụ của quan Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Sau này nhà văn Sơn Tùng tìm hiểu qua cụ Nguyễn Thị Thanh và cụ Nguyễn Sinh Khiêm còn được biết vào năm 1901, sau khi đỗ Phó bảng, cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa hai con Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung đi bộ ra xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu để cảm ơn nghĩa cử của Giải nguyên Hồ Sỹ Tạo đã giúp đỡ ông Sắc được vào trường Quốc Tử Giám ở Huế, khởi đầu cho việc thi cử đỗ đạt sau này. Trên đường ra Quỳnh Lưu, quan Phó bảng có đưa hai con trai về làng Kim Lũy, xã Diễn Kim ngày nay thăm nhà cụ Tú Bùi. Phải chăng, nhờ những mối thân tình ấy mà sau này càng ngày nhà văn Sơn Tùng càng được hai cụ Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm tin cậy để giao cho nhiều tư liệu quý, kể cho những câu chuyện "nguyên thủy" về Bác Hồ kính yêu…
Trở lại lần được gặp đầu tiên vào năm 1948 ấy, hẳn cụ Nguyễn Thị Thanh phần nào có cảm tình với anh thanh niên Sơn Tùng vì những mối quan hệ quá khứ đầy tình nghĩa giữa những người hào kiệt. Hẳn cụ Thanh cũng biết, Tú Bùi Xuân Phong sau ngày tham gia khởi nghĩa Cần Vương với ông nghè Trần Xuân Ôn ở Phủ Diễn, bị Pháp truy sát, ông Tú đã cùng với cụ Hoàng Xuân Hành vượt lên Yên Thế, Bắc Giang gia nhập nghĩa quân Hoàng Hoa Thám tiếp tục chống Pháp. Sau này, cụ Bùi Xuân Phong hi sinh trong một trận đánh nhau với giặc Pháp đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ… Khi đã thấy có chút thân tình, Sơn Tùng thưa chuyện:
- O ơi, sao o cứ giữ ống bình vôi bên mình suốt như thế? O có ăn trầu đâu mà giữ…
Như tìm được chốn thân tình, cụ Thanh tâm sự chậm rãi:
- Cháu biết đấy. Năm nay o đã sắp 70 tuổi rồi. Cũng thấy cô đơn lắm chứ cháu. Người ta bảo, con gái tuổi Giáp Thân (1884) như o cao số lắm, lại đứng hàng Giáp nữa thì lại càng cao số hơn, khó lấy được chồng. Thực ra o không phải vậy. Ngày xưa o cũng không đến nỗi, lại học hành biết chữ nghĩa thánh hiền, nhiều người cũng có đến dạm hỏi, có lần cha o "đánh tiếng" định đưa o về làm dâu nhà cụ cử Lương Văn Can… Nhưng rồi, mẹ o mất sớm, o phải về quê thay cha, thay mẹ chăm sóc ông bà ngoại. Sau đó, o hoạt động trong hội kín từ Đông Du đến Việt Nam Quang Phục hội của cụ Phan Bội Châu chống Pháp. Bọn Pháp theo dõi, đã mấy lần bắt o, chúng nó tra tấn o kinh khủng lắm, bắt o đeo gông rồi đày đi suốt 9 tỉnh miền Trung, đi vào đến Quảng Ngãi cháu ạ.
Có lần Pháp tra tấn o dã man đến mức chúng nướng chiếc mâm đồng cho đỏ rồi bắt o ngồi lên đó. Chúng nó tra tấn kiểu như vậy làm cho những người phụ nữ như o bị "điếc" luôn, không còn khả năng sinh nở nữa. Còn cậu Khiêm (Nguyễn Sinh Khiêm) thì bị chúng tiêm thuốc cho teo hẳn tinh hoàn, mất hẳn khả năng có thể sinh con… Chúng nó ác thế đấy. Thực ra, bây giờ đến tuổi này, o thèm lắm được nghe tiếng trẻ con khóc, thèm một lần được ru con, thèm được cầm cái roi dạy cháu… Nhưng làm sao được nữa hở cháu? O cũng biết đàn bà uống rượu là xấu, nhưng có lúc o mượn chén rượu uống cho nó quên đi nỗi buồn”.
“Buồn nhất là lúc nhìn lên vách, cũng chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình. Vì thế mà o để thêm chiếc bình vôi này cạnh mình cho nó có ông, có bà. Gọi là có âm, có dương cháu ạ. Nhưng cháu không biết đâu. Ông bình vôi này là vật thiêng của mẹ o để lại. Năm 1922, sau lúc o được ra tù, o đã đi vào Huế, bí mật đưa hài cốt mẹ o về Nam Đàn. Khi mẹ o qua đời, o không có mặt để chịu tang, chỉ có mình cậu Thành và em út. Nay khi bốc mộ mẹ, o mới biết ngày chôn cất mẹ o, bà con ở thành nội đã chôn theo chiếc bình vôi mà thường ngày mẹ o lấy vôi để ăn trầu. Nay cải táng, bác Cả Khiêm lo việc phần mộ, o xin giữ lại chiếc bình vôi này để o đỡ nhớ mẹ, bõ những ngày không được ở bên mẹ o. Cháu biết không, khi mẹ o ở Huế, cha mẹ o để o phải về Nam Đàn chăm sóc ông bà ngoại. O xa mẹ, o nhớ lắm cháu ơi! Ai không được gần mẹ, thiệt thòi lắm cháu ơi!".
Đến lúc này thì Sơn Tùng lặng người đi. Tự nhiên nước mắt ứa ra. Nghe những lời gan ruột ấy của cụ Thanh, trong lòng người thanh niên Bùi Sơn Tùng thấy xa xót, dâng đầy niềm kính trọng không thể nói thành lời. Người chị gái của Bác Hồ từng ra Hà Nội thăm em trai, từng biết em mình là Chủ tịch Nước, nhưng trở về Làng Sen, bà vẫn sống thanh bạch, giản đơn để giữ nếp gia phong, giữ cốt cách của cả dòng họ bên nội Nguyễn Sinh, dòng họ ngoại Hoàng Xuân, để em trai mình lo việc nước. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ kia là do Quân khu 4 làm giúp, bà Thanh ở một mình nơi đây để trông coi nếp nhà bên nội; còn nhà thờ họ Nguyễn Sinh đã có bác cả Nguyễn Sinh Khiêm trông giữ. Dường như từ người cha Nguyễn Sinh Sắc đến người con gái Nguyễn Thị Thanh, người con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm và người con Nguyễn Sinh Cung - Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, cả một gia đình giàu lòng yêu nước ấy đã quên mình để hiến dâng, hy sinh cả cuộc đời cho dân, cho nước.
Ba chị em của Người đều "chôn nhau cắt rốn" bên làng Hoàng Trù, cũng đều một bàn tay của bà ngoại chăm bẵm. Lần gặp đầu tiên này với cụ Nguyễn Thị Thanh đã gieo vào lòng người thanh niên giàu nghị lực Sơn Tùng một tình cảm thiêng liêng, một ý chí sẽ học tập và nguyện suốt đời nghiên cứu về gia đình cả hai bên nội ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh như những gì sau này nhà văn đã làm thành công suốt gần 70 năm qua…