Tự tin trong phát triển kinh tế
Đã 2 năm nay, những người nông dân thuộc Hợp tác xã cổ phần Dịch vụ nông nghiệp THQ đóng tại xóm Vinh Tiên, xã Diễn Phong (Diễn Châu) trở thành đối tác của chị Hồ Thị Hợp – chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh Lim – Farm &Food. Sản phẩm của các chị là các loại rau được sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP như rau bó xôi, chùm ngây, mồng tơi, bí đỏ, rau cần và được trồng hoàn toàn theo đợt đặt hàng. Trung bình mỗi tháng vài lần, hàng của bà con nông dân sẽ được chuyển vào Vinh và sau đó được sấy lạnh và chế biến thành các loại rau, củ và thảo dược để phục vụ cho các bữa ăn dặm của trẻ nhỏ, người già và các loại nước uống.
Chị Hồ Thị Hợp lớn lên ở xã Tri Lễ (Quế Phong), tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học và đã từng đi dạy. Sau này, vì hoàn cảnh gia đình, chị lấy chồng về Vinh nên phải chuyển nghề. Trước khi khởi nghiệp với xưởng sản xuất rau bột củ, quả, chị Hợp cũng đã trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng đến nay chị cho rằng mình có “duyên” với bà con nông dân và hài lòng với công việc hiện tại. “Gia đình tôi vốn gốc ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, một vùng trồng rau truyền thống. Cách đây hơn 2 năm, tôi về quê, đúng vào thời điểm “được mùa mất giá” và hàng chục ha rau phải bán rẻ hoặc vứt bỏ vì không tiêu thụ được. Lúc bấy giờ tôi chỉ muốn có một công nghệ để làm sao có thể chế biến rau thành những sản phẩm hữu ích và có thể sử dụng dễ dàng. Qua tìm hiểu trên mạng và nhu cầu của người tiêu dùng tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để phát triển sản xuất bột rau, củ sấy lạnh giúp người nông dân tìm đầu ra cho rau, củ xứ Nghệ”, chị Hợp chia sẻ.
Mặc dù chỉ mới hoạt động được hơn 2 năm nhưng bằng nhiều kênh tiếp thị khác nhau sản phẩm của cơ sở chị Hợp đã ngày càng được khẳng định trên thị trường với lượng tiêu thụ trên 5.000 hộp/tháng. Từ cơ sở này, mỗi tháng chị cũng tiêu thụ cho bà con nông dân ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu hàng chục tấn rau và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, chủ yếu là nữ giới với mức thu nhập khá ổn định.
Ở độ tuổi chỉ mới 30 nhưng chị Trần Thị Thu Hằng ở xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc) cũng đã làm chủ một cơ sở sản xuất dinh dưỡng với 72 đại lý và trên 500 cộng tác viên, nhân viên bán hàng và thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. 6 năm trước, khi bắt đầu với công việc này, chị không nghĩ nhiều đến thành quả như ngày hôm nay bởi đơn giản khi đó chị chỉ muốn có một sản phẩm dinh dưỡng, an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có con nhỏ bị suy dinh dưỡng. Từ nhu cầu thực tế của bản thân, chị từng bước nghiên cứu và sản xuất với quy mô nhỏ, chủ yếu để phục vụ cho gia đình và những người quen biết. Sau này, sản phẩm ngày càng được nhiều người tin dùng, chị mạnh dạn mở rộng sản xuất với xưởng chế biến rộng hơn 200m2 và hàng chục lao động làm việc thường xuyên.
Chia sẻ về công việc của mình, chị Hằng nói thêm: “Lâu nay, nguồn nông sản quê hương rất dồi dào nhưng đầu ra lại chưa ổn định. Bên cạnh đó, dịch bệnh và bài toán được mùa mất giá diễn ra liên tục khiến cho nông dân bỏ ruộng, bỏ đất ngày càng nhiều. Cá nhân tôi, khi chuyển sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng này, tôi muốn tận dụng nguồn nông sản đó chế biến thành nhiều sản phẩm và trở thành nơi tiêu thụ nông sản ổn định cho bà con. Hiện dự án đã góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, bao gồm lao động sản xuất tại chỗ, các lao động phụ trợ (vận tải, bốc xếp), các lao động trong hoạt động cung ứng nguyên liệu và các lao động phân phối sản phẩm đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm cũng góp phần cho lao động là nông dân địa phương, những vùng có hợp tác thu mua nguyên liệu với công ty có thêm nguồn thu nhập ổn định trên chính mảnh đất của mình”.
Hai dự án của chị Hồ Thị Hợp và Trần Thị Thu Hằng cũng vừa lọt vào tốp 10 cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo” do UBND tỉnh tổ chức và được đánh giá cao, nhất là trong việc ứng dụng các sàn giao dịch điện tử để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm. Chị Lê Thị Thanh Hải - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh cho biết: “Phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã được chị em trong toàn tỉnh hưởng ứng trong những năm trở lại đây và qua đó đã tạo sinh kế và tạo việc làm cho hàng nghìn hội viên ở cơ sở. Tính từ 5 năm trở lại đây, từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã thu hút 1.946 ý tưởng tham gia, trong đó có 186 ý tưởng tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, Trung ương tổ chức. Về phía hội cũng đã tiếp nhận, hỗ trợ 1.355 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”.
Chung tay vì cộng đồng
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, chị em cũng là những người tiên phong, đi đầu trong các phong trào của địa phương với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Tại huyện Thanh Chương, thời gian qua, mô hình “Biến phế liệu thành con giống” đã được các chi hội triển khai với nhiều việc làm hiệu quả. Tại thị trấn Thanh Chương, chị Nguyễn Thị Thành - hội viên Chi hội 6A có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo và chị còn là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ. Niềm vui đã đến với chị khi trong kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, chị đã được chị em trong chi hội quyên góp phế liệu để lấy tiền mua tặng chị 2 con lợn giống để chị chăn nuôi, phát triển kinh tế. Từ tiền phế liệu, các chị em trong thị trấn đã sử dụng để xây dựng các cung đường hoa, chia sẻ bữa cơm tại khu cách ly hay quy đổi thành mỳ tôm, miến gạo, nước mắm, dầu ăn, rau các loại cho nhiều hội viên khó khăn trong mùa dịch. Tại xã Hạnh Lâm, biết hoàn cảnh của các chị Giản Thị Huệ và Giản Thị Hoa bị khuyết tật khiếm thính bẩm sinh, hội đã chuyển giao, hướng dẫn quy trình trồng nấm sạch để các chị có chiếc “cần câu” để chăm sóc gia đình.
Với phụ nữ Nghi Lộc, những năm qua, phong trào “Tiết kiệm để nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo” đã được triển khai bằng các hình thức nuôi lợn tiết kiệm, tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm giúp nhau xóa nghèo có địa chỉ. Nhờ đó, đến nay, 250/250 chi hội trong toàn huyện đã tiết kiệm được 750 triệu đồng, trích hỗ trợ 270 chị có hoàn cảnh khó khăn để mua con giống, vật dụng gia đình, cải tạo công trình chăn nuôi... Hay từ hoạt động “Tiếp bước cho em đến trường”, các chi hội đã triển khai nhiều chương trình như “Quyển sách cũ - niềm hy vọng mới” và đã trao hàng trăm bộ sách giao khoa, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo. Ngoài ra, các chi hội cũng đã triển khai mô hình “Con nuôi của hội” và đến nay đã có 26 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận chăm sóc thường xuyên.
Những hoạt động hiệu quả, ý nghĩa hướng về cơ sở, về với chị em hội viên cũng là hướng đi mới của các cấp hội phụ nữ Nghệ An để các chương trình ngày càng thiết thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, vùng, miền, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
“Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ” là một trong những khâu đột phá của Hội LHPN Nghệ An trong những năm qua. Để làm tốt điều này, chúng tôi đã tập trung vào nâng cao chất lượng hoạt động hội cấp cơ sở; phát huy vai trò hội viên nòng cốt, thực hiện hiệu quả công tác phát triển, quản lý hội viên trong tình hình mới; chú trọng xây dựng mô hình tập hợp phụ nữ theo lứa tuổi, sở thích, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo. Từ đó, đã giúp phong trào hội ngày càng phát triển vững mạnh, tập hợp được đông đảo hội viên tham gia và thu được nhiều kết quả tích cực cả về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của hội viên ở tất cả các cấp”.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.