Ngày đầu học online, phụ huynh phát khóc vì liên tục bị out room, lỗi đường truyền.

Nghỉ dạy sau tiết học đầu tiên

Chị Nguyễn Thị Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, chị và con gái đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các phương tiện và đồ dùng để con học online. Tuy nhiên, ngay trong buổi học đầu tiên, để đăng nhập vào phòng zoom phải mất thời gian gấp đôi bình thường. Trong quá trình học, mạng không ổn định tài khoản của con liên tục bị out khỏi lớp.

Phụ huynh phát khóc ngày học online đầu tiên
Học sinh khai giảng online sáng 5/9.

Theo chị Thanh, tình trạng trên không chỉ xảy xa với hai mẹ con chị mà nhiều bạn học cùng lớp cũng gặp phải tình trạng tương tự. Học sinh bị out room, không đăng nhập trở lại được, cuối cùng cô giáo chủ nhiệm lớp phải cho nghỉ sau môn học đầu tiên. Các môn học tiếp theo được chuyển sang buổi chiều cùng ngày.

Chị Hồng Hạnh (Cầu Giấy) cũng phát khóc khi phải dùng máy điện thoại để vừa phát wifi cho 2 con học và làm việc, hễ di chuyển loanh quanh nhà là lại mất sóng và phải đăng nhập lại từ đầu.

Còn 3 mẹ con chị Diễm Tuyết (Hoài Đức) thì liên tục thay đổi máy. "Hết dùng máy tính lại sang điện thoại, điện thoại không online được lại quay trở lại máy tính, thế nhưng cũng chả máy nào ổn định học được hết buổi", chị Tuyết than thở.

Thay đổi thời khoá biểu

Cô Tuyết Lan, giáo viên chủ nhiệm của con gái chị Thanh cho biết, cô rất chia sẻ với các phụ huy tình trạng này. Bản thân gia đình cô giáo cũng có hai con phải học online. Sáng nay cả ba mẹ con cô giáo muốn khóc luôn. Mẹ thì không dạy được, con thì out liên tục.

“Ước mong duy nhất của cô lúc này là đươc đứng trên bục giảng để dạy các con”, cô Lan ngậm ngùi.

Ông Phạm Văn Ngát – Trưởng Phòng GD&ĐT Huyện Thanh trì xác nhận, việc out room xảy ra trên cả đường truyền của học sinh và giáo viên. Nguyên nhân là do lượng truy cập hàng ngày tăng lên đột biến. Một số trang thiết bị truy cập của học sinh chưa được đầy đủ.

"Trước mắt vẫn phải thực hiện theo thời khoá biểu mới. Nhà trường có thể điều chỉnh thời khoá biểu từ buổi sáng xuống buổi chiều..., tránh những thời gian có lượng truy cập lớn", ông Ngát nói.

Trước đó (5/9), nhiều địa phương đã tổ chức khai giảng online. Đây là lễ khai giảng vô cùng đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều nơi, đặc biệt các tỉnh thành phía Nam.

Những tỉnh không có nguy cơ cao như Hải Phòng, Bắc Giang đã tổ chức lễ khai giảng trực tiếp nhưng hạn chế số lượng học sinh tham dự.

Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, nhiều tỉnh thành thuộc đồng bằng Sông Hồng, Miền Trung, miền Tây Nam Bộ đã lựa chọn hình thức khai giảng phát trên sóng truyền hình và các nền tảng trực tuyến.

TP.HCM là địa phương đầu tiên quyết định không tổ chức tựu trường, khai giảng năm học 2021-2022. Thay vào đó, từ ngày 1 đến ngày 5/9, với giáo dục trung học (THCS, THPT kể cả giáo dục thường xuyên), các trường tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trực tuyến và củng cố kiến thức. Từ ngày 6/9, các trường bắt đầu giảng dạy chương trình năm học mới. Đối với bậc tiểu học, từ ngày 8/9 đến ngày 19/9, các em được hướng dẫn tổ chức lớp, kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức. Từ ngày 20/9, học sinh bắt đầu chương trình năm học mới.

Tương tự các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận cũng thông báo các trường không tổ chức khai giảng. Học sinh phổ thông và giáo dục thường xuyên tựu trường, bắt đầu học từ 6/9.

Ngoài ra 12 tỉnh thành khác tại Nam Bộ đã thống nhất lùi lễ khai giảng vào thời điểm thích hợp. Bước vào năm học mới, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND TP.HCM đã quyết định miễn học phí học kỳ 1 đối với toàn bộ trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trừ các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài).

Tại Hà Nội, nhiều trường cũng đã quyết định giảm 75% học phí đối với học trực tuyến và giảm 50% khi học sinh quay lại trường học.