Đối với người Thái, dựng nhà là một trong những công việc hệ trọng của đời người, bên cạnh việc chuẩn bị nguyên vật liệu để dựng nhà từ những năm trước, thì người Thái cũng rất chú trọng đến yếu tố tâm linh nhằm mong muốn sự bình yên, no đủ và mạnh khỏe cho những người trong gia đình. Vì thế, xung quanh việc làm nhà, người Thái có rất nhiều tập quán, phong tục.
 
Lễ chọn đất ở
 
Trước tiên, người Thái sắm lễ vật và mời thầy mo đến làm lễ. Lễ vật bao gồm: Trầu cau, rượu và hai súc vải trắng. Sau khi thắp hương khấn xin các đấng thần linh, đặc biệt là thần đất (thổ công), thầy mo cho người đào một cái hố nhỏ. Sau khi đào xong bỏ vào đó ba hạt thóc chụm đầu lại với nhau, rồi đậy bằng một chiếc bát.
 
Sáng hôm sau, thầy mo và chủ nhà ra kiểm tra, đào hố lên và mở bát ra, nếu thấy ba hạt thóc vẫn còn chụm lại với nhau thì có thể tiến hành làm nhà ngay trên mảnh đất đó. Ngược lại thì phải tiếp tục làm lễ chọn mảnh đất khác.
 
Ở một số nơi, lễ chọn đất được tiến hành khác nhau. Người Thái ở Tương Dương chọn đất theo hai cách: Cách thứ nhất, thầy mo và gia chủ cho hai que tăm vào một bát nước, rồi đem đặt vào cái hố đã đào sẵn, sau đó khấn thổ công những ý nguyện của mình. Sáng hôm sau, mở bát ra nếu thấy que tăm nằm song song với nhau và cùng quay về một hướng thì có thể tiến hành làm nhà trên mảnh đất đó, và phải làm nhà theo hướng que tăm đã quay. Cách thứ hai là thầy mo và chủ nhà lấy một nắm dây lạt vắn lại với nhau, sau đó đặt xuống đất dùng chân đạp và khấn. Nếu dây lạt nối liền nhau, không bị rối thì có thể làm nhà được, ngược lại thì phải tìm mảnh đất khác.
 
Chọn hướng nhà
 
Sau khi chọn được đất, chủ nhà tiếp tục làm lễ chọn hướng nhà. Thường người Thái chọn hướng Đông - Tây, hoặc chọn những hướng quay mặt ra con suối, cánh đồng, những nơi thoáng đãng để dựng nhà. Họ đặc biệt kiêng dựng nhà quay mặt vào núi, hoặc đối diện với ngọn núi, nóc nhà này không được thẳng hàng với nóc nhà kia.
 
Có nơi như ở huyện Tân Kỳ, người Thái lấy sông, suối đặt hướng và thế đất thoáng đãng để làm địa bàn cư trú; hoặc có nơi lấy theo thế đất chạy theo ven núi để đặt hướng cho nên hầu hết các ngôi nhà đều quay đòn nóc theo phương uốn lượn của chân núi. Nơi nào có đường quốc lộ đi qua thì làm nhà quay hướng đòn nóc trổ ra mặt đường.
 
Chọn ngày, tháng làm nhà
 
Người Thái thường làm nhà vào mùa xuân hoặc mùa thu, thời tiết mát mẻ, muôn vật sinh sôi và đây cũng là thời gian nông nhàn, không chỉ gia chủ có thời gian để tập trung vào việc xây nhà mà họ còn có thể huy động, nhờ người thân, anh em, hàng xóm trong bản, trong làng đến giúp.
 
Theo quan niệm của người Thái thì thường vào các ngày chẵn trong tháng âm lịch là ngày tốt, còn giờ thì được chọn theo bảng lịch của người Thái gọi là Lai cưn, hoặc bằng cách bấm đốt ngón tay. Người Thái có bài ca dao viết về lễ chọn ngày tháng làm nhà, theo đó, ngày lành tháng tốt để có thể dựng nhà là các ngày 2, 3, 14, 15, 26, 27 âm lịch trong tháng.
 
Lễ dựng nhà
 
 Theo phong tục thì người Thái thường tiến hành dựng cột ma nhà (xau phí hươn), đến cột hồn (xau văn) rồi đến cột bếp (xau tau phi). Các cột còn lại thì tiến hành dựng bình thường không theo thứ tự(41). Để tiến hành lễ này, gia chủ thường làm mâm cỗ đạm bạc, mời thầy mo về cúng ma nhà, sau đó thiết đãi những người đã đến giúp đỡ mình.

 
Lễ trả công cắt tranh
 
Nhà sàn người Thái thường rất rộng vì thế việc sử dụng tranh để lợp mái nhà cũng tốn khá nhiều, thường từ 7.000 đến 8.000 cái, ít ra cũng phải từ 2.000 - 3.000 cái. Do đó, người Thái có quy định, tất cả đàn ông trong bản đều phải tự mang tranh, cọ đến những gia đình đang dựng nhà, thậm chí họ có thể tự mình leo lên mái nhà và đích thân lợp mái cho gia chủ. Vì thế, sau khi hoàn thành việc dựng nhà mới, gia chủ thường làm lễ trả ơn những người đã giúp đỡ mình hái tranh, lợp mái. Lễ trả ơn không đòi hỏi sự cầu kì nhưng tổ chức khá linh đình. Tùy vào điều kiện, gia chủ có thể mổ trâu, bò hoặc lợn, hông dăm mâm xôi, trước để cúng ma nhà, sau đó thì làm mâm thiết đãi anh em, hàng xóm, những người đã giúp đỡ mình. Nếu mâm cỗ ăn không hết, gia chủ sẽ dồn thức ăn lại sau đó phân chia đều cho những người đóng phần tranh, phần nứa tùy thuộc vào số lượng tranh nứa họ đã đóng góp, trong đó chủ nhà cũng có phần như những người khác. Cuối bữa ăn, bao giờ gia chủ cũng mang rượu cần ra để đãi khách, cùng với hát nhuôn, hát suối,… lễ trả công có thể kéo dài suốt đêm.
 
Lễ lên nhà mới
 
Theo quy định của hương ước, người vợ phải là người đầu tiên bước lên nhà nhóm bếp, đặt gùi lúa lên gác bếp và trải chăn chiếu lên giường,… Sau đó mới tiến hành làm mâm cơm mời anh em, bà con, họ hàng. Gia chủ sẽ mổ lợn, gà, hông xôi,… làm 3 mâm cơm để cúng, một mâm cúng ma nhà,
 
một mâm cúng thổ công và mâm còn lại cúng long mạch để cầu cho cả nhà được bình yên, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Sau khi làm lễ, chủ nhà dọn mâm thiết đãi anh em, hàng xóm, những người đã giúp đỡ mình trong quá trình dựng nhà, trong lễ mừng bao giờ cũng có uống rượu cần và hát nhuôn, suối.
 
Trong lễ lên nhà mới thì người Thái ở Tương Dương lại đề cao vai trò của ông cậu bên họ ngoại. Khi làm xong nhà, gia chủ chọn được ngày lành tháng tốt để dọn lên nhà mới, thì mời ông cậu (hoặc một người thân bên họ ngoại) làm lễ. Việc đầu tiên, ông cậu sẽ tự tay đặt khung bếp, rồi lấy lửa, nước từ nhà mình đến nhóm lửa vào bếp và đổ nước vào báng. Đêm đến, ông cậu sẽ dẫn chủ nhà, anh em, họ hàng đi vòng quanh nhà mới 3 vòng rồi sau đó mới bước lên nhà mới. Sau lễ tục đó, chủ nhà mới làm lễ cúng ma nhà, làm mâm thiết đãi anh em, họ hàng, làng xóm,… Chủ nhà sẽ đích thân làm hai còn gà, một để biếu ông cậu, một để biếu thầy mo và được ông cậu, thầy mo mừng cho vài đồng bạc làm phước.

 
Thầy mo người Thái chuẩn bị làm lễ lên nhà mới. Ảnh : Hà Ngọc Thủy
 
Ngoài những lễ trên, người Thái còn có các lễ: Lễ cúng ma nhà, thổ công, lễ đặt bạc,… Không chỉ thể hiện vai trò quan trọng của việc dựng nhà mà còn thể hiện đời sống tín ngưỡng phong phú của người Thái ở Nghệ An./.