Đối với người Thái ở huyện Con Cuông (Nghệ An), trong lễ cưới, chú rể và cô dâu sẽ phải đi rót rượu mời họ hàng trong tư thế quỳ gối để tỏ lòng trân trọng. Đổi lại, họ sẽ nhận được tiền từ người dự cưới. Tập tục này đã tồn tại từ nhiều thế hệ nay.
Chú rể miền Tây Nam bộ lạ lẫm trong lễ cưới của chính mình
Càng về những tháng cuối năm, nhiều làng bản ở huyện Con Cuông rộn ràng không khí vui tươi của nhiều đám cưới. Nhiều năm trở lại đây, những đám cưới ở địa bàn người Thái này đã có nhiều thay đổi, nhất là khi những người trẻ đi làm ăn xa kết hôn với người địa phương khác. Dẫu vậy thì một số tục lệ xa xưa vẫn được người dân duy trì. Điều này tạo nên nhiều thú vị đối với những người đến từ địa phương khác.
Chú rể Võ Thành Nam bên vợ mới cưới của mình. Ảnh: Hữu Vi
Gần đây, anh Võ Thành Nam vượt hơn 1.000 km từ tỉnh Trà Vinh về miền núi Nghệ An đón dâu. Vợ của anh Nam là chị Lương Thị Duyên ở bản Tờ, xã Yên Khê (Con Cuông). Anh Nam gặp vợ khi chị này vào làm công nhân tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương. Đôi trẻ nhanh chóng cảm mến nhau, dù có nhiều khác biệt về nơi ăn chốn ở cũng như tập quán. Ngày cưới cũng là lần đầu tiên anh Nam đặt chân đến quê vợ và trải nghiệm tục cưới mà theo anh rất đỗi lạ lẫm, thú vị.
Trong 2 ngày ở Yên Khê, anh Nam phải ra mắt tổ tiên bằng việc lạy trước bàn thờ. Trước đó, ở tục cưới người Thái, Nam còn được yêu cầu phải chuẩn bị một chiếc áo đặt lên bàn thờ để ma nhà nhận mặt chú rể. Theo quan niệm của người dân bản địa thì khi áo của chú rể được bày lên mâm cúng trên bàn thờ mới được tổ tiên nhận là con rể của gia đình.
Họ nhà trai tập trung trước cổng nhà gái để làm lễ xin dâu. Người dẫn đoàn gõ chiêng rộn ràng, tạo không khí vui tươi cho buổi lễ. Ảnh: Hữu Vi
Nhà gái “biếu tiền” cho chú rể ngay trong đám cưới
Đó chưa phải điều thú vị nhất mà chàng rể người miền Tây Nam bộ chứng kiến trong đám cưới kéo dài 2 ngày của chính mình. Vào ngày đầu, nhà gái bày cỗ mời họ hàng gần xa. Trước cửa cũng có một chiếc hộp đựng tiền như những đám cưới khác để mọi người “mừng rể mới”. Nhưng đó không phải chỗ duy nhất chú rể được nhận quà.
Sau bữa cơm gia đình, những “bô lão” trong họ ngoại làm lễ cho chú rể lạy tạ và nhận quà. Họ hàng gần, xa đều được gọi lại ngồi cùng. Chàng rể được giao cho một chai rượu và những chiếc chén bày trên một cái đĩa nhỏ. Anh Nam được hướng dẫn đến từng người rót rượu mời, qua đó sẽ biết cách xưng hô và vị trí của mình đối với mỗi người trong họ.
Sau màn rót rượu là màn mời trầu. Cũng như khi rót rượu, chàng rể đều phải trong tư thế quỳ gối khi mời người đối diện để tỏ sự trân trọng.
Xong những thủ tục này, chàng rể ngồi cạnh cô dâu quan sát màn “biếu quà” của họ gái. Một “bô lão” lĩnh xướng thủ tục sẽ nhận tiền từ từng người và đọc to tên người biếu quà và số tiền nhận được. Sau khi nhận quà từ người cuối cùng, người chủ lễ sẽ kiểm đếm tiền và công khai trước mọi người rồi giao tất cả cho chú rể. Theo quy định của tập tục cưới thì đây là quà mừng rể của họ gái và chú rể được quyền quyết định sẽ dùng số tiền cho mục đích gì.
Tập tục này đã xuất hiện từ lâu trong đám cưới người Thái. Từ nhiều thế hệ nay, hình thức tổ chức của lễ mừng rể gần như không thay đổi. Nó diễn ra tại nhà gái và thường là trước ngày chú rể đón cô dâu về nhà mình.
Cũng theo tục cưới của người Thái ở huyện Con Cuông thì nhà trai cũng sẽ “đáp lễ” lại bằng lệ “mừng dâu”. Tất nhiên là lễ này diễn ra khi cô dâu đã về nhà chồng. Trong đám cưới chính thức diễn ra vào ngày thứ 2, nhà trai sẽ tổ chức “mừng dâu”. Trong lễ này, cô dâu cũng thực hiện các nghi thức như chú rể đã làm.
Trước đây, khi chưa xuất hiện rạp cưới, nhạc đám cưới và chiếc hộp đựng tiền hình quả tim thì lễ mừng dâu và mừng rể khá phổ biến trong đám cưới người Thái ở huyện Con Cuông. Ngày nay, để cho đám cưới gọn ghẽ hơn, nhiều làng bản, dòng họ đã bỏ tục này. Người đến dự đám cưới chỉ mừng một lần ở một chỗ duy nhất là chiếc hộp đựng tiền. Tục mừng dâu, mừng rể chỉ còn được duy trì tại những bản người Thái ở xã Yên Khê.