Sau sáp nhập, xóm Tân Phong xã Diễn Nguyên có 2 nhà văn hóa nhưng cả hai đều trong tình trạng xuống cấp, không đủ sức chứa so với quy mô dân số của thôn tăng sau sáp nhập. Mỗi lần sinh hoạt xóm hoặc triển khai hoạt động đều phải tổ chức làm 2 lần. Trước bất cập đó, xóm đã đề xuất và chủ động vận động xã hội hóa từ nguồn đóng góp con em xa quê thành đạt và thu theo khẩu đối với cư dân đang sinh sống trên địa bàn xóm để đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Theo đó, xóm đã xây mới được nhà văn hóa trị giá 1,7 tỷ đồng với sức chứa trên 250 người, đầy đủ thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ.
Ông Ngô Xuân Hùng – Xóm trưởng xóm Tân Phong, Diễn Nguyên cho biết: “Sau khi sáp nhập xong rồi khó khăn như vậy nhưng được sự đồng lòng đồng sức của nhân dân đã tác động trực tiếp đến các đồng chí trong chi ủy, trong ban cán sự xóm, ban công tác mặt trận đã vận động nhân dân cùng đồng sức đồng lòng chung tay xây dựng hội trường xóm”.
Sau sáp nhập, xã Diễn Yên từ 17 xóm xuống còn 12 xóm, bình quân mỗi xóm sau khi sáp nhập từ 300 – 500 hộ. Nên hầu hết các nhà văn hóa đều không còn phù hợp. Theo đó, xã đã họp triển khai phát động xây dựng nhà văn hóa gắn với việc xây dựng NTM nâng cao. Đồng thời tổ chức đi tham quan học tập mô hình thống nhất quy mô, thiết kế mẫu nhà văn hóa đồng bộ. Diễn Yên cũng đã xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể và đã bắt đầu triển khai xây dựng điểm tại xóm 11 với diện tích nhà văn hóa là 200m2 trong khuôn viên tổng thể 1.800m2. Xã quyết tâm hoàn thành xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn tại 12/12 xóm trong năm 2023.
Ông Dương Đăng Hoàng – Chủ tịch UBND xã Diễn Yên trao đổi: “Đảng ủy, Chính quyền vào cuộc quyết liệt để tập trung các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, trước tiên xây dựng 12 nhà văn hóa xóm. Huy động ngân sách 70% và nhân dân đóng góp xây dựng tu sửa các nội dung liên quan đến lễ tiết, khánh tiết là 30% thì đáp ứng được nhà nước và nhân dân cùng làm đồng bộ”.
Trước khi sáp nhập Diễn Châu có 458 xóm và có đến 473 nhà văn hóa. Từ năm 2019, sau khi hoàn thành sáp nhập toàn huyện còn lại 288 xóm, giảm gần 40% số xóm. UBND huyện Diễn Châu cũng đã xây dựng phương án sắp xếp các văn hóa thôn xóm sau sáp nhập. Qua khảo sát đánh giá hiện toàn huyện có 423 nhà văn hóa đang sử dụng, 50 nhà văn hóa dôi dư. Tuy nhiên, để thuận lợi trong tổ chức sinh hoạt, các xã cũng đã xây dựng các phương án chuyển đổi đất nhà văn hóa, quy về một điểm. Theo đó, nhiều xã như Diễn Lâm, Diễn Yên, Diễn Phúc, Diễn Nguyên… đã xây dựng mới nhiều nhà văn hóa khang trang đạt tiêu chuẩn về diện tích và thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt.
Bà Trần Thị Phương Thu – Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Diễn Châu trao đổi: “Về mặt chính sách hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thiện, tuy nhiên trên thực tế ở Diễn Châu có rất nhiều xóm đã tiến hành xây dựng nhà văn hóa mới với quy mô chỗ ngồi cũng như diện tích đáp ứng yêu cầu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Các địa phương đã làm tốt công tác xã hội hóa và hiện nay thì rất nhiều xóm đã hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa mới cho xóm sau khi sáp nhập”.
Bằng sự chủ động, không trông chờ ỉ lại, nên sau khi có quy hoạch nhiều xã trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng nhà văn hóa từ nguồn đầu tư các cấp cũng như xã hội hóa tại cơ sở. Chính sự năng động, bứt phá trong cách nghĩ cách làm này đang góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nhà văn hóa xóm trên địa bàn huyện Diễn Châu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân trên địa bàn huyện./.