Mùa Hè năm nay, nhiều địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai. Chỉ lấy ví dụ tại tỉnh Sơn La từ ngày 22-25/7/2024, trong một đợt mưa lũ liên tiếp làm sập đổ 1.200 ngôi nhà, gần 2.000 ha lúa, 283 ha cây trồng hằng năm, 107 ha cây lâu năm, 50 ha cây ăn quả, 227 ha hoa màu, 7.500 con gia cầm, 125 con gia súc, 183 ha ao cá bị ngập úng, cuốn trôi, vùi lấp hoặc thiệt hại. Đặc biệt, mưa lũ làm 10 người chết và mất tích. Với 130 vị trí sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông nhiều tuyến đường, 261.370m3 sa bồi, hư hỏng 16 cây cầu, công trình thuỷ lợi, đứt gãy 4 cầu treo, 37 cột điện bị đổ, gãy, 1 trạm biến thế, nhiều hộp công tơ bị hỏng nặng…
Đáng lo ngại là trong ngày 27/7/2024, xảy ra trận động đất 5 độ rích-te (lớn nhất từ trước đến nay) gây rung chuyến lớn tại tỉnh Kon Tum và các vùng lân cận như hồi chuông báo động về khả năng loại thiên tai này có thể tiếp diễn lớn hơn ở nước ta trong tương lai.
Phòng, chống biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và cần làm từ sớm, từ xa. Thiên tai xảy ra thường đột xuất, bất ngờ chứ không phụ thuộc vào quy hoạch, kế hoạch, chu kì, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. Do vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, đặc biệt từng địa phương, nhất là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần chủ động triển khai ngay cả trong thời điểm không phải mùa mưa bão.
Vấn đề cốt lõi là phải quyết liệt trong việc bảo vệ rừng, giữ cho rừng có độ che phủ lớn, tăng cường trồng rừng. Cần quy hoạch lại các khu dân cư hoặc tái định cư các gia đình có nhà ở chân đồi đất, dốc núi đá cheo leo, ven sông, kênh rạch, bờ suối hẻo lánh… để tránh bị vùi lấp mỗi khi có sạt lở…
Công tác dự báo, phát hiện thiên tai cần kịp thời, chính xác để tổ chức, người dân chủ động phòng, tránh đúng lúc, không bị bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.