Công điện nêu rõ: Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, thiên tai thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Từ nay đến hết năm 2023 còn khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 01 - 02 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ; dự báo mưa lớn tập trung trong các tháng 10 và 11/2023, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại khu vực miền núi.
Để chủ động ứng phó thiên tai nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, bão và mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT - TKCN và PTDS) yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sát với diễn biến thực tế, đảm bảo độ tin cậy để các cấp, các ngành và Nhân dân biết, chủ động ứng phó có hiệu quả.
Các Sở: NN&PTNT, Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, đập, hồ chứa nước, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy lợi, thủy điện, phù hợp với diễn biến mưa lũ. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông trong trường hợp xảy ra mưa bão lớn và lũ, lụt kéo dài.
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại.
UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai để phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân; tổ chức diễn tập xử lý các tình huống, sự cố có thể xảy ra. Đồng thời, chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động phương án sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra; tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ. Chú trọng công tác chỉ đạo, phối hợp cùng các Công ty thủy lợi, thủy điện trong việc vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chủ động phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Theo PQ - nghean.gov.vn