"Vòi bạch tuộc" giữa doanh nghiệp và quan chức
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng kết luận 12 của Bộ Chính trị vừa ban hành, trong đó có nội dung đẩy mạnh phòng chống tham nhũng ngoài khu vực nhà nước, là rất cần thiết, đúng đắn, thể hiện quan điểm "không có vùng cấm" trong xử lý các vi phạm.
Ông Hùng nêu rõ xử lý các vụ việc FLC, Tân Hoàng Minh hay Việt Á cho thấy phải nghiêm trị các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, bất kể là ai. Đồng thời, việc xử lý các "ông lớn" còn giúp tạo ra môi trường lành mạnh trong phát triển kinh tế.
Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ rõ doanh nghiệp tư nhân phải hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật, do vậy phải kiểm soát bằng luật để không có sự lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm những điều bất chính.
Bên cạnh đó, phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không trái với quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, tức là khuyến khích mọi thành phần tham gia sản xuất, phát triển kinh tế để tăng cường tiềm lực của xã hội.
Theo ông Hùng, tham nhũng không còn là những vụ lẻ tẻ mà là mối quan hệ chằng chịt, như "vòi bạch tuộc" giữa doanh nghiệp và quan chức. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp tư nhân lại là "sân sau" của một số quan chức, nhờ đó luôn được ưu tiên, ưu ái trúng thầu các dự án...
Vụ Việt Á là một biểu hiện rõ nhất của vấn đề tham nhũng, trục lợi và quan hệ phức tạp từ sự liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với các cơ quan chức năng nhà nước, đơn vị trong quân đội... Qua điều tra, kết luận bước đầu cho thấy có trách nhiệm của rất nhiều cơ quan, đơn vị, từ lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Y tế đến CDC các tỉnh, thành.
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Văn Sửu, nguyên vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra trung ương, nhấn mạnh việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước là một sự chuyển biến, tiến bộ tích cực, rất trúng.
Theo ông Sửu, lâu nay quan chức nhà nước tham nhũng được thường do "móc nối" với các doanh nghiệp tư nhân, chưa kể nhiều doanh nghiệp là "sân sau" của các "ông to".
"Điều cực kỳ nguy hại, đáng lo hơn là các 'sân sau' khi đã kiếm được lợi ích sẽ quay lại 'tài trợ' cho các quan chức để 'chạy' lên các chức vụ cao hơn hoặc dùng tiền để tác động vào các chính sách nhằm tiếp tục trục lợi", ông Sửu nói và nêu rõ kết luận của Bộ Chính trị cũng là biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp tư nhân chân chính trước các “sân trước”, “sân sau” của quan chức.
Tất cả do cán bộ yếu kém, thiếu bản lĩnh
Trả lời câu hỏi cơ chế giám sát hiện nay đã thực sự hiệu quả chưa hay còn khó khăn gì, khi các vụ việc bị đưa ra ánh sáng với hậu quả đã rất nghiêm trọng, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng thực tế, các văn bản, quy định về giám sát đã đầy đủ nhưng vấn đề quan trọng nhất chính là ở cán bộ thực hiện.
Qua những vụ việc vừa qua bị phát hiện, ông Hùng chỉ rõ tất cả là do cán bộ yếu kém về đạo đức và thiếu bản lĩnh, chỉ vì lợi ích, vật chất mà bỏ qua danh dự, làm điều phạm pháp.
Do đó, theo ông Hùng, với các cơ quan nhà nước, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, giám sát của tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên, tránh tình trạng sợ "cấp trên", ngại va chạm, không dám góp ý, cứ "lãnh đạo nói thế nào thì nghe thế", không cần biết đúng sai hoặc thấy lợi ích là làm, bất chấp đạo đức, quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn, theo ông Hùng, đều phải chịu giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng. Do đó cần xem lại việc thanh tra, kiểm tra có thực chất không, hay chỉ qua loa, nhận lợi ích rồi về, để khi vụ việc vỡ lở thì hậu quả đều rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cũng cần xem lại vai trò của các tổ chức công đoàn, đoàn thể trong các doanh nghiệp đã phát huy được hết tác dụng chưa.
Ông Hùng nhấn mạnh thêm, điều quan trọng hơn cả là phải thức tỉnh mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ, để có đủ dũng khí vượt qua cám dỗ, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực./.