Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng - thường trực Ban Bí thư, phó trưởng ban Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - nhấn mạnh: Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã rất trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Các cơ quan kịp thời phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có tính đột phá mạnh mẽ, quyết liệt, tạo bước tiến mới trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, không để oan sai, không để lọt tội phạm; xử lý kịp thời, đồng bộ vừa nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
Các cơ quan phối hợp tham mưu thực hiện có hiệu quả chương trình công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị chu đáo, chất lượng tài liệu, nội dung các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Các cơ quan chủ động phối hợp cung cấp thông tin, định hướng dư luận về kết quả điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, góp phần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, kịp thời đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, tạo sự đồng thuận cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là "nhạy cảm" đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất; xử lý nghiêm minh, cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý vẫn còn những hạn chế như báo cáo đã nêu, nhất là phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu, đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý... vẫn còn hạn chế.
Có lúc, có việc, công tác phối hợp vẫn chưa thực sự nhịp nhàng, có biểu hiện "quyền anh, quyền tôi"; có vụ, việc chậm được hướng dẫn, chỉ đạo xử lý hoặc hướng dẫn thiếu thống nhất, gây khó khăn, kéo dài trong xử lý một số vụ án, vụ việc ở địa phương.
Nhắc lại phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính vừa qua, ông Võ Văn Thưởng lưu ý đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo quan trọng cho công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính nói chung và giữa bốn cơ quan nói riêng.
Các cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, theo đúng chỉ đạo của Tổng bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo "Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật"; và "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào".
Ông Thưởng nhấn mạnh những vi phạm có tính chất thách thức đối với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh và kịp thời. Một số vụ việc cần đẩy mạnh hơn, nhất là các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, liên quan tới nhiều người, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt, đã có chỉ đạo, phải khẩn trương giải quyết.
Dẫn chứng 3 vụ việc xử lý vừa qua có tác dụng xã hội tốt, xa hơn là vụ xử lý nhóm "Báo sạch", gần đây là xử lý vụ bà Nguyễn Phương Hằng và mới đây là vụ thao túng thị trường chứng khoán, ông Võ Văn Thưởng nêu rõ đây là ba vụ sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những xử lý đó là nghiêm minh, kịp thời.
Các cơ quan phối hợp tham mưu có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu chủ động phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo đúng Chỉ thị số 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04 của Ban Bí thư.
Quan tâm phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.
Tại hội nghị, các lãnh đạo đã trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; trao tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp nội chính Đảng", bằng khen của trưởng Ban Nội chính Trung ương cho nhiều tập thể và cá nhân./.