a-1670137590.jpg
Quang cảnh hội thảo

Thông qua các tác phẩm của mình, Hồ Xuân Hương đã nói lên tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống cho con người, trước hết là nữ quyền và quyền bình đẳng.

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: Thơ Hồ Xuân Hương trong truyền thống văn học thế giới

b-1670137614.jpg
GS.TS.NGND Trần Đình Sử tham luận tại hội thảo

Nói đến thơ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822), nhiều người nghĩ ngay đến loại thơ truyền tụng của bà. Có người nói đến 36 cái nõn nường, hay hoài niệm phồn thực. Thực ra thơ Hồ Xuân Hương rất đa dạng, nhiều loại, mà thơ truyền tụng chỉ là một loại trong đó. Chúng “thể hiện một tư tưởng nhân văn/ nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người”, “một quan niệm văn hóa và thẩm mỹ độc đáo chưa từng có về các nhu cầu cơ bản của con người như tính dục, đời sống bản năng, trần tục” dưới chế độ phong kiến với tư tưởng Nho giáo kiềm tỏa nặng nề.

Thơ Hồ Xuân Hương tạo thành hiện tượng đột xuất của giai đoạn thứ ba trong việc biểu hiện nội dung sắc dục trong truyện Nôm và thơ Nôm. Song chỉ trong thơ Hồ Xuân Hương nó mới được biểu hiện tập trung. Thơ bà có nhiều loại từ vịnh vật, vịnh người, vịnh cảnh, vịnh sinh hoạt hầu hết đều có tính song quan, hai nghĩa. Một nghĩa là khách thể văn học, phong cảnh, sinh hoạt, đồ vật, nghĩa ẩn là thân thể phụ nữ, sinh thực khí, tình dục. Mức độ miêu tả của Hồ Xuân Hương rất thấp, chỉ có 3 điểm, mà lại rất mờ, chủ yếu là khêu gợi, chứ không bao giờ tả thực, không đi quá ranh giới thẩm mỹ.

Trong văn chương Việt Nam, có lẽ Hồ Xuân Hương mới công khai miêu tả cơ quan tính dục và hoạt động tính dục. Đặc sắc của yếu tố sắc dục trong thơ Hồ Xuân Hương không hề mang dấu vết của Đạo giáo, âm dương trong văn hóa tính dục Trung Quốc, mà thuần túy một niềm vui tự nhiên, hồn hậu, mang tính bản năng. Thơ của bà cũng không mang yếu tố Nho giáo, xem tính dục như là dâm uế, tục tĩu. Thơ Hồ Xuân Hương đương nhiên thuộc loại đứng đầu bảng dâm ý ở Việt Nam, nhưng không phải dâm ý theo nghĩa phủ định, mà theo ý nghĩa khẳng định niềm sinh thú tự nhiên, nhân bản ở đời.

Điều khác biệt của Hồ Xuân Hương là thơ có yếu tố sắc dục của bà chỉ là một bộ phận trong thơ truyền tụng, và luôn luôn đậm đà chất thơ. Điều này tuyệt đối không được lầm lẫn. Thơ của bà không chuyên về một phương diện nhục cảm, mà trước hết

bà là một nhà thơ trữ tình với cái tôi cô đơn, số phận thiệt thòi, khát khao hạnh phúc. Bà còn có những bài nói về cuộc sống gia đình, số phận người làm lẽ, chế nhạo kẻ dốt nát, những bài thơ khóc chồng, những bài thơ bỡn cợt, những bài thơ thù tạc, đối đáp với các bạn trai. Ở trong loại thơ này ta thấy một nhà thơ kiêu hãnh, không hề có mặc cảm thua lép của người phụ nữ dưới chế độ trọng nam khinh nữ. Đây là điều rất hiếm có trong tất cả các nhà thơ nữ thời trung đại Việt Nam.

Hồ Xuân Hương là nhà thơ đa tài, thơ Hán đã hay mà thơ Nôm càng hay, có phần lấn lướt thơ chữ Hán. Bà có thể làm rất nhiều loại thơ khác nhau, mà thơ nào cũng điêu luyện, đọc lên rung động cả tâm hồn. Riêng loại thơ diễm tình có truyền thống lâu đời trong thơ Đông Á, nhưng vẫn có nét riêng thể hiện của nhà thơ Việt Nam.

Diễn giả Lady Borton – Trưởng đại diện Ủy ban những người bạn Mỹ ở Việt Nam: Hồ Xuân Hương – Một bậc thầy được giáo dưỡng

c-1670137651.jpg
Diễn giả Lady Borton – Trưởng đại diện Ủy ban những người bạn Mỹ ở Việt Nam phát biểu tham luận

Theo diễn giả Lady Borton, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường; và cũng như mọi nhà thơ khác, Bà là một hiện tượng độc nhất vô nhị. Nhưng Bà không đơn độc vì cuộc đời và sự nghiệp thi ca của Bà hẳn đã neo vào dòng phả hệ những nữ thi sĩ Việt Nam tiêu biểu như là những người thầy.

Những người phụ nữ nông dân sáng tác thể loại ca dao trước khi có chữ viết tiếng Việt. Hồ Xuân Hương thích thú đào sâu chủ đề về những chức năng khác của người phụ nữ được tạo ra để đền bù cho sự lao động đến gãy lưng của việc trồng lúa.

Những người phụ nữ này - những nhà thơ đầu tiên của Việt Nam đã sáng tác nên những bài thơ đơn giản là chỉ để giải trí. Họ không có nhu cầu khoe khoang văn chương trong lúc chân họ ngập nước đến đầu gối với các ngón chân dính đầy bùn và các ngón tay gieo hạt xuống lớp phân uế tạp. Hồ Xuân Hương nêu lên vấn đề “thân em như hạt mưa sa” trong bài Vịnh người vợ lẽ vào cái thời điểm mà đàn ông thuộc mọi tầng lớp của xã hội Việt Nam thường có nhiều vợ. Theo diễn giả, ca dao chính là những người thầy truyền cảm hứng cho Hồ Xuân Hương.

Bên cạnh đó, đới tư cách là một Nữ sử với tài năng phi thường về thi phú và ngôn ngữ, Hồ Xuân Hương đã nghiên cứu các công trình viết bằng chữ Hán của các nữ tác giả người Việt. Hồ Xuân Hương cũng đã có những bài thơ viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát để khẳng định vị thế của người phụ nữ trong giới hàn lâm.

PGS.TS Đoàn Lê Giang – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học QG TP.Hồ Chí Minh: Hồ Xuân Hương từ cái nhìn hậu hiện đại

d-1670137678.jpg
PGS.TS Đoàn Lê Giang – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học QG TP.Hồ Chí Minh tham luận

Thơ Hồ Xuân Hương mặc dù không có liên quan gì đến chủ nghĩa Hậu hiện đại mà người ta đang nói hiện nay, nhưng thơ của nàng thì lại rất gần với tinh thần Hậu hiện đại. Tinh thần Hậu hiện đại nhấn mạnh vào chỗ “giải ảo”: Giải trung tâm, giải các “đại tự sự” - các huyền thoại không có thật, và một trong những thủ pháp Hậu hiện đại thường dùng là giễu nhại...

Trong thơ Hồ Xuân Hương, cái ngoại vi, cái bình phàm, cái nhỏ bé thời ấy là người phụ nữ, cái tục. Nhân vật nữ trong thơ Xuân Hương là loại nhân vật rất lạ trong văn chương cổ điển. Đó là những cô gái bình dân, tất nhiên rồi, không những thế còn rất vô ý vô tứ (Thiếu nữ ngủ ngày), nghèo mà ham hố “cố đấm ăn xôi” (Làm lẽ, Dỗ người đàn bà khóc chồng chết), xướng ca vô loài (Tranh Tố nữ), thậm chí chửa hoang, chẳng biết giữ đạo nghĩa gì (Không chồng mà chửa). Có thể gọi đó là thế giới của những cô gái “trắc nết”. Những người con gái trắc nết lại trở thành nhân vật chính trong thơ Xuân Hương, họ ùn ùn đứng dậy, đòi quyền lợi của mình. Thế nhưng “trắc nết” là nhìn từ cặp kính tiết hạnh phong kiến, còn nhìn từ góc nhìn nhân văn chủ nghĩa thì họ lại là những thân phận thấp hèn nhất, những nạn nhân đáng thương nhất của chế độ nam quyền.

Cái tục cũng là cái ngoại vi, cái tầm thường không đáng để ý bị cấm cửa trong tòa lâu đài văn chương cao nhã phong kiến. Thế nhưng chính chúng lại xô cửa, ào ạt chen vai thích cánh ùa vào thơ Xuân Hương: Đèo Ba Dội, Đá Ông Chồng Bà Chồng, Động Hương Tích, Hang Cắc Cớ, Hang Thánh Hóa chùa Thầy... Rộng hơn nữa, cái thông tục trong ngôn ngữ cũng được đưa vào thơ: Những từ ngữ bình dân, những tiếng tục, và cả tiếng chửi... những từ ngữ ấy gây nên hiệu quả nghệ thuật đặc biệt.

Nếu quan sát chi tiết thì thấy trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương có khá nhiều thể tài. Bên cạnh Đường luật còn có thất ngôn xen lục ngôn (Khóc Tổng Cóc, Đùa Chiêu Hổ...), trong hai thể đó lại có cả thơ vịnh người, thơ vịnh cảnh và thơ vịnh vật. Trong những bài thơ vịnh cảnh, vịnh vật, có những bài dường như Xuân Hương có ý thức một cách rõ ràng về việc dùng thủ pháp giễu nhại. Nhưng nếu nhìn nó bằng cái nhìn Hậu hiện đại thì ở đây Xuân Hương đã sử dụng thủ pháp giễu nhại, trào tiếu, theo kiểu liên văn bản. Với những thủ pháp, cách thức thể hiện, Hồ Xuân Hương đã sáng tác như một nhà thơ Hậu hiện đại.

PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh – Trường Đại học KHXH&NV, Đại học QG TP Hồ Chí Minh: Từ thơ Hồ Xuân Hương nghĩ về cuộc vượt thoát không gian của văn học Việt Nam

Hồ Xuân Hương là hiện tượng văn học nữ nổi bật nhất của văn học Việt Nam trung đại vốn hiếm hoi các gương mặt nữ. Với số lượng thơ còn lại nhiều nhất trong các nhà thơ nữ, giá trị nội dung và nghệ thuật vượt trội, bà là đối tượng nghiên cứu suốt thời gian qua với nhiều phương diện khác nhau như nữ quyền, tiếp thu vốn quý văn học dân gian, sử dụng nhuần nhuyễn chữ Nôm,... Và thơ của bà cũng chu du thế giới sánh ngang với các nhà thơ nữ phương Đông như Lý Thanh Chiếu (Trung Quốc), Hoàng Chân Y (Hàn Quốc)...

Thơ Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng nước ngoài, như tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật… Tuy nhiên, đa số các dịch giả cũng tự nhận, và các nhà nghiên cứu cũng khẳng định việc dịch thơ Hồ Xuân Hương nói riêng, và thơ cổ điển Việt Nam nói chung, còn rất nhiều hạn chế, chưa thành công. Đặc biệt là với trường hợp Hồ Xuân Hương, thơ bà rất khó dịch vì tính đa nghĩa, sắc thái “thanh - tục” đòi hỏi phải có hệ thống từ vựng tương ứng trong tiếng nước ngoài, mà điều này là rất khó.  Nhưng còn nghiên cứu về thơ bà trên thế giới, có lẽ còn rất ít ỏi.

Đã từ lâu, trong chương trình dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài, các giáo viên Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh đã đưa một vài trích đoạn Truyện Kiều và một số bài thơ Hồ Xuân Hương vào lớp học. Tại các buổi học tiếng Việt của những trường đại học lớp, các lớp tiếng Việt, các học viên sẽ có học các tác phẩm văn học, đặc biệt là văn học cổ Việt Nam.

Các giáo viên đều công nhận thơ Hồ Xuân Hương khó giảng vì tính đa nghĩa. Ví dụ như, Vịnh cái quạt tương đối dễ giảng hơn vì có thể đem cái quạt vào lớp và giảng bài thơ song song với việc mô tả, sinh viên có thể hiểu được nghĩa ẩn của nó. Những bài thơ khác sẽ khó hơn rất nhiều như Quả mít, Ốc nhồi, Đánh cờ người... Thiếu nữ ngủ ngày cũng có thể hiểu nhưng từ ngữ Hán Việt khó quá, ví dụ như những “gò bồng đảo sương còn ngậm”, “nương long”, “lạch đào nguyên suối chửa thông”... mặc dù đây là một bức tranh tuyệt đẹp.

Diễn giải cho rằng, việc tìm hiểu thơ Hồ Xuân Hương đã được giới thiệu, dịch, nghiên cứu, so sánh như thế nào trên thế giới là một nhiệm vụ và trách nhiệm vô cùng cấp bách của giới dịch thuật và phê bình Việt Nam. Không nhiều nhà thơ nữ trên thế giới có số lượng thơ, nội dung và nghệ thuật mang tính cách tân, mới mẻ như Hồ Xuân Hương. Nhiệm vụ của chúng ta làm sao để đưa thơ bà ra thế giới để xứng tầm là một nhà thơ nữ cổ điển lớn của thế giới./.

Theo PT - nghean.gov.vn