pho-thu-tuong-vu-duc-dam-16550957997921444315319-1655103416.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội về Luật khám bệnh, chữa bệnh - Ảnh: Quochoi.vn

Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), giải trình thay bộ trưởng Bộ Y tế trong phiên sáng 13-6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp tâm huyết, cũng như thẳng thắn chỉ ra bất cập của ngành y tế.

Theo Phó thủ tướng, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức chuyên chăm sóc sức khỏe và y tế đánh giá y tế của Việt Nam có nhiều mặt tốt hơn nhiều so với các nước trên thế giới, công tác y tế của Việt Nam xếp thứ tự 60 - 70 trong bảng đánh giá, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm đạt trên 91%.

Một trong những vấn đề nóng được đại biểu quan tâm là vấn đề xã hội hóa và liên doanh liên kết trong bệnh viện công. Theo ông, dù việc thực hiện luật năm 2019 đã tạo bước ngoặt, nhưng đến nay mới có 318 bệnh viện tư thục, mới có 38.000 phòng khám tư nhân, chỉ đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh là tỉ lệ rất thấp.

"Vấn đề đặt ra là giá dịch vụ bệnh viện tư, quy định theo hướng cần phải có khung giá hay để cơ sở này tự quy định? Chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù công hay tư, nhưng ta phải quản lý rất nhiều công cụ" - Phó thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng cần phát huy mạnh mẽ hơn các công cụ đã được quy định trong pháp luật về giá. Có quy định để hoạt động này không bị buông lỏng nhưng cũng cần thúc đẩy quyền tự chủ để y tế tư nhân phát triển tốt hơn.

Về liên doanh liên kết trong bệnh viện công lập, Phó thủ tướng cho rằng đây là "đặc thù với Việt Nam" nên sẽ rất khó nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng với Việt Nam. 

"Chúng tôi đã làm việc nhiều với các tổ chức quốc tế, và cái này duy nhất ở Việt Nam" - ông Đam nói.

Theo Phó thủ tướng, các nước rạch ròi "công là công, tư là tư". Khi đã liên doanh liên kết với tư nhân tức là hạch toán theo tư nhân. Ở Việt Nam mô hình liên doanh liên kết trong khám chữa bệnh trong bệnh viện công để giải quyết bài toán của Việt Nam trong thời gian qua.

"Tới đây luật pháp cần quy định rõ hơn và chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị là phải bắt tất cả công khai minh bạch, tất cả các khoản thu từ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thu chi bao nhiêu" - ông Đam nói.

Với các chính sách của Nhà nước về công tác khám chữa bệnh, đặc biệt đối tượng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, tiếp thu các ý kiến của đại biểu, ông Đam cho hay các chính sách tới đây sẽ thiết kế để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bệnh và thầy thuốc.

Về vấn đề chức danh nghề nghiệp và giấy phép hành nghề là vấn đề mới. Hiện vai trò của hội đồng y khoa quốc gia đã được dự thảo luật đề cập, nhưng sẽ có nghiên cứu sâu hơn để thiết kế vai trò của các cơ quan này, gắn với cải cách hành chính, đúng nguyên tắc phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm phân cấp và thu hồi, không có ách tắc trong thực hiện.

Đối với vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên sâu, Phó thủ tướng cũng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến để làm rõ thêm mô hình y tế cơ sở và phòng khám bác sĩ gia đình theo hướng sẽ tăng nhiều hơn bác sĩ gia đình là một nhóm, đảm bảo đáp ứng chuyên môn./.