Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, tạo sức bật mới, lan tỏa trong thu hút đầu tư không chỉ với tỉnh Nghệ An mà còn cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Nghệ An có quy mô diện tích lớn nhất cả nước, nằm ở vị trí chiến lược với nhiều tiềm năng lợi thế, hội tụ đủ các yếu tố về tự nhiên như một “Việt Nam thu nhỏ”. Vị trí địa lý tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong kết nối hành lang kinh tế ven biển Bắc – Nam và hành lang kinh tế Đông – Tây với nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.

o-1705212448.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu dự hội nghị.

Đây là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và nhiều bậc anh hùng hào kiệt, sỹ phu yêu nước nổi tiếng, có bề dày truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng, văn hóa đậm đà bản sắc, quê hương của những làn điệu dân ca Ví, Giặm. Đặc biệt, động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển là nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài; là tinh thần tự tôn, tự lực, tự cường, đoàn kết, hiếu học, luôn coi trọng tình nghĩa, đoàn kết, gắn bó… Điều đó khẳng định, Nghệ An hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Nghệ An phải chuyển hoá khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào từng hành động, việc làm để tỉnh trở thành một địa chỉ đỏ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm. Quy hoạch cũng đã tạo ra được hệ sinh thái để khơi dậy các tiềm năng và nguồn lực để phát triển, thông qua phát triển hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ; giá trị gia tăng từ đất đai thông qua đầu tư hạ tầng.

Khi đã có Quy hoạch cần phải có kế hoạch để triển khai nhưng quan trọng hơn trên minh họa không gian của tỉnh Nghệ An, có quy hoạch cụ thể về xây dựng, đô thị, nông thôn; phân vùng, phân khu… Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn Đảng bộ, Chính quyền và Lãnh đạo tỉnh Nghệ An phải xác định quy hoạch chính là đang khơi thông các tiềm năng từ đó dành nguồn lực của địa phương, của Nhà nước cũng như huy động xã hội hóa; có nhiều quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch này.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, thứ nhất xây dựng kế hoạch cụ thể hóa quy hoạch cần xây dựng các dự án ưu tiên, triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, liên tỉnh; cần quan tâm đến hạ tầng xã hội y tế, văn hóa, hạ tầng số...

Cần phát triển các hành lang kinh tế phía Đông để thúc đẩy vùng phía Tây phát triển. Tỉnh Nghệ An có diện tích vùng núi rất lớn, do đó, tỉnh cần đặt phát triển dưới góc tiếp cận riêng biệt, chú ý đến độ che phủ rừng; cần quan tâm phát triển du lịch và kinh tế carbon thấp. Phó Thủ tướng cho rằng đây là những vùng có thể trao đổi tín chỉ carbon trong trồng rừng, phát triển rừng.

Thứ hai, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước trong đầu tư công trình hạ tầng đóng vai trò dẫn dắt thúc đẩy đầu tư tư nhân. Cần thực hiện tốt khảo sát địa chất, thủy văn, dòng chảy thoát lũ, tính toán đến các tác động của biến đổi khí hậu ngay từ khâu quy hoạch, lập dự án nhằm bảo đảm tính bền vững và an toàn.

Nghệ An cần đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao coi đây là động lực đột phá, trong đó tập trung nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo để đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhân lực ở lĩnh vực mới. Lợi thế của Nghệ An tới đây không chỉ là về đất đai, nhân công và còn là lợi thế về môi trường an toàn trong kinh doanh, sản xuất.

l-1705212470.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Nghệ An đã có những cơ chế chính sách đặc thù, tỉnh cần khai thác tối đa các lợi thế về cơ chế, chính sách đặc thù để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh; nâng cao được chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), SIPAS...

Bên cạnh các chỉ tiêu quốc gia, tỉnh có thể ban hành các tiêu chuẩn riêng trong thu hút đầu tư, suất vốn đầu tư, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ… Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước để tạo được động lực, tạo được sự kết nối, cộng hưởng mạnh mẽ hơn, nhất là với 2 tỉnh liền kề: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, các địa phương trong vùng.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, chìa khoá thành công Nghệ An nằm ở khả năng khơi dậy nguồn lực con người vô cùng mạnh mẽ. Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao phương châm 5 sẵn sàng (sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ) mà Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Nghệ An đã đặt ra.