“Rà” danh sách phổ cập theo danh sách xét nghiệm Covid-19
Công tác phổ cập là việc thường xuyên được các địa phương trên địa bàn thành phố Vinh thực hiện vào thời điểm đầu năm học mới. Tuy vậy, năm nay, sau gần 1 tháng toàn thành phố triển khai phổ cập, nhiều phụ huynh bức xúc vì cho rằng, thành phố làm công tác phổ cập chưa chính xác khi không căn cứ vào hộ khẩu, sổ tạm trú mà lại căn cứ vào danh sách đăng ký test Covid-19 trên địa bàn.
Việc lấy số liệu từ danh sách test Covid-19 là việc chưa có tiền lệ ở thành phố Vinh trong công tác phổ cập. Tuy nhiên, trong năm 2021, công tác phổ cập được tổ chức trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thành phố chuyển trạng thái phòng, chống dịch bệnh từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 nên việc triển khai có nhiều thay đổi. Theo đó, thay vì việc phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, công tác phổ cập được thực hiện bằng hình thức trực tuyến và bằng điện thoại để điều tra các số liệu mà phụ huynh đã khai báo nhằm hạn chế tiếp xúc.
Ngoài ra, để công tác phổ cập được chính xác, trước khi tiến hành phổ cập, ngày 6/9, UBND thành phố Vinh cũng đã có Văn bản số 5828/UBND – BCĐ về việc hướng dẫn công tác điều tra phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Trong đó, thành phố đã yêu cầu các Ban Chỉ đạo ở các phường, lấy dữ liệu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 lần 3 tại các khối, xóm dân cư làm căn cứ cập nhật dữ liệu điều tra phổ cập năm 2021.
Thời điểm đó, thành phố Vinh vẫn đang thực hiện theo Chỉ thị 16 với quy định “ai ở đâu, ở yên đó”. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm lần 3 ở toàn thành phố được thực hiện triệt để đến từng hộ dân cho tất cả các đối tượng và nếu không chấp hành nghiêm túc sẽ bị xử phạt hành chính.
Đây cũng có thể xem là một cơ sở để rà soát công tác phổ cập với độ chính xác khá cao. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành công tác phổ cập, một số người dân lại cho rằng, việc phổ cập là chưa chính xác, khách quan và chưa đúng đối tượng.
Chị N.T, có con đang học ở Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 và nhiều năm nay gia đình chị chung hộ khẩu với ông bà nội tại phường Hà Huy Tập. Nay, theo danh sách phổ cập mới công bố, con chị lại chuyển sang phổ cập ở xã Nghi Phú vì thời điểm Chỉ thị 16 gia đình chị đăng ký test Covid-19 ở một khu chung cư trên địa bàn của xã Nghi Phú.
Nói về điều này, chị bức xúc cho biết: Chồng tôi đi công tác xa, 1 tháng chỉ về 1 lần. Thế nên, từ khi tôi lấy chồng, sinh con và nay đang chuẩn bị có cháu thứ 2 tôi đều sống với bố mẹ chồng, hộ khẩu cũng ở nhà chồng. Thỉnh thoảng khi chồng về chúng tôi mới sang chung cư (chỉ vài ngày) nên bây giờ chuyển phổ cập của gia đình tôi sang xã Nghi Phú là chưa hợp lý.
Hàng trăm trường hợp phải điều tra lại phổ cập
Hàng trăm trường hợp phải điều tra lại phổ cập
Việc phụ huynh hoang mang con mình không có tên trong danh sách phổ cập dù cháu có hộ khẩu hoặc sổ tạm trú trên địa bàn là có cơ sở, bởi đây sẽ là căn cứ để các nhà trường tuyển sinh đầu cấp cho những năm học tiếp theo. Trong khi đó, để xin được 1 suất "trái tuyến" là không dễ dàng, thậm chí dễ nảy sinh tình trạng tiêu cực.
Trên thực tế, không chỉ riêng trường hợp của gia đình chị PN mà trên địa bàn thành phố Vinh đã có hàng trăm trường hợp đã bị loại khỏi danh sách phổ cập sau khi thành phố đối chiếu danh sách phổ cập đã đăng ký (bằng hình thức trực tuyến) và danh sách đăng ký test Covid - 19 của các gia đình tại các khu dân cư. Trong đó, riêng phường Hà Huy Tập có 301 trường hợp phải trả phổ cập về các phường, xã khác với 98 trường hợp ở độ tuổi mầm non, 141 trường hợp ở độ tuổi tiểu học và 62 trường hợp ở độ tuổi THCS.
Phường Hà Huy Tập cũng là "điểm nóng" về tuyển sinh đầu cấp nhiều năm nay ở thành phố Vinh. Bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho biết: Một trong những lý do khiến cho việc tuyển sinh đầu cấp ở phường Hà Huy Tâp khó khăn là bởi số học sinh “nhập” hộ khẩu vào phường quá nhiều. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các nhà trường và cho các lớp học. Như hiện tại, Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 có hơn 2.000 học sinh và có thể tăng trong những năm tới. Tuy nhiên, hiện nay trường không có quỹ đất để xây thêm lớp học.
Để “sàng lọc” học sinh phổ cập đúng đối tượng, từ 2 năm nay, thành phố Vinh siết chặt công tác phổ cập, đặc biệt là ở 4 phường trọng điểm là Hà Huy Tập, Hưng Dũng, Lê Mao và Lê Lợi. Kết quả cho thấy, có hàng nghìn trường hợp dù có hộ khẩu tại 1 trong 4 phường này nhưng qua điều tra gia đình lại có nhà ở phường khác.
Qua điều tra phổ cập, thành phố Vinh cũng đã phát hiện những trường hợp bất thường như có trường hợp gia đình chỉ ở trong một căn nhà nhỏ cấp 4 với hai ông bà đã nhiều tuổi nhưng có đến 13 trường hợp “gửi” hộ khẩu với nhiều họ khác nhau. Hoặc có trường hợp sẵn sàng bỏ tiền thuê nhà trọ ở các phường này nhưng thực chất không ở mà để đăng ký tạm trú để con được lọt vào danh sách phổ cập.
Trong quá trình phổ cập, có những khu dân cư (đặc biệt là ở một số chung cư), ban quản lý “thông đồng” với các hộ dân và trước khi việc phổ cập được triển khai đã nhắn tin cho tất cả dân cư trong khu chung cư nếu có giáo viên phổ cập đến thì báo là “đã bán nhà hoặc chuyển nhà” để không có tên trong danh sách phổ cập tránh phổ cập ở sở tại...
Tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh, trong năm 2020, sau khi rà soát lại danh sách phổ cập, toàn phường Hà Huy Tập đã giảm 2.091 đối tượng ở các độ tuổi. Trong đó độ tuổi học sinh giảm 500 cháu.
Hay như ở phường Hưng Dũng năm 2020, giảm 41 cháu, năm 2021 giảm 55 cháu so với danh sách trước đó. Tại phường Lê Mao số liệu này cũng có nhiều thay đổi, năm 2020 giảm 108 cháu và năm 2021 giảm 50 cháu.
Thực tế cũng cho thấy, việc tiến hành công tác phổ cập là căn cứ để thành phố xây dựng kế hoạch cho các năm học kế tiếp và cũng là căn cứ để thành phố làm tốt công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, vì áp lực và ngày càng có nhiều phụ huynh muốn cho con vào học ở những trường được xem là “tốp đầu” của thành phố nên trong quá trình thực hiện không tránh được những tiêu cực.
Trả lời về hàng trăm trường hợp phổ cập chưa đúng đối tượng trong năm 2021, bà Hoàng Thị Phương Thảo cho biết: Đây là những trường hợp mới phát hiện ban đầu qua sàng lọc từ các khối, xóm và danh sách đăng ký xét nghiệm Covid-19 và chưa phải là số liệu cuối cùng. Vì thế, trong những ngày tới, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở các phường, xã sẽ tiến hành rà soát lại những trường hợp có “nghi vấn”.
Quan điểm của thành phố là phải phổ cập chính xác để đảm bảo quyền lợi cho mọi đối tượng và cũng để thuận lợi cho công tác tuyển sinh đầu cấp. Trong đó, học sinh và bố mẹ sống ở đâu thì phải phổ cập ở đó. Nếu học sinh có hộ khẩu hoặc giấy tạm trú trên địa bàn nhưng thực chất lại ở phường khác thì cũng sẽ phải chuyển phổ cập về nơi cư trú. Trường hợp đặc biệt phải có lý do chính đáng và phải được tổ dân phố và các ban, ngành liên quan chứng mình tính chính xác, khách quan.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cũng cho biết thêm: Thành phố không cấm tuyển sinh trái tuyến nhưng với điều kiện là các trường còn đủ chỉ tiêu và phải đảm bảo hài hòa tuyển sinh giữa các trường, tránh tình trạng “trường thì quá tải, trường thì thiếu học sinh” và điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục giữa các nhà trường./.