Trong tối thứ Sáu, ngày 13/8, Bộ Ngoại giao Pháp tiếp tục phát đi cảnh báo, kêu gọi toàn bộ công dân Pháp đang có mặt tại Afghanistan nhanh chóng rời khỏi quốc gia này nhanh nhất có thể, do tình hình an ninh tại Afghanistan đang xấu đi nghiêm trọng.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã đưa ra lời kêu gọi tương tự và cách đây gần 1 tháng, ngày 17/7, Pháp đã tổ chức một chuyến bay đặc biệt nhằm đưa khoảng 100 công dân của mình rời khỏi Afghanistan. Trong vài tuần qua, một số nhân viên ngoại giao hoặc công dân Afghanistan làm việc cho Đại sứ quán Pháp và các tổ chức do Pháp bảo trợ cũng đã được Pháp sơ tán về Pháp, căn cứ trên quyền tị nạn mà những người này được hưởng.
Theo Bộ Ngoại giao Pháp, các nhân viên ngoại giao chủ chốt của Đại sứ quán Pháp tại Kabul sẽ tiếp tục ở lại làm việc đến cùng và hiện tại, chỉ có dưới 100 công dân Pháp đang hiện diện trên đất Afghanistan.
Ngoài Pháp, một loạt quốc gia châu Âu khác cũng đang gấp rút sơ tán công dân. Đan Mạch và Na Uy tuyên bố đóng cửa tạm thời Đại sứ quán các nước này tại Afghanistan. Phần Lan cho biết, ngoài nhân viên ngoại giao của Phần Lan, nước này cũng sẽ sơ tán khoảng 130 nhân viên Afghanistan làm việc cho các cơ quan đại diện của Phần Lan, EU và NATO cùng gia đình của những người này.
Ngoại trưởng Đức, Heiko Maas ngày 13/8 cũng cho biết sẽ giảm số nhân viên của Đại sứ quán Đức tại Kabul xuống con số tối thiểu, đồng thời thuê các chuyến bay thương mại để sơ tán các nhân viên ngoại giao, công dân Đức và một số công dân Afghanistan làm việc cho Đức.
Trong khi đó, chính phủ Anh đã bắt đầu gửi 600 quân đến thủ đô Kabul để hỗ trợ sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân Anh. Trong những ngày qua, nhiều quan chức chính phủ Anh, như Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan khiến lực lượng Taliban chiếm ưu thế và đang nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ lãnh thổ nước này. Hiện Taliban đã chiếm được nhiều thành phố quan trọng tại Afghanistan và chỉ còn cách thủ đô Kabul khoảng 50km.
Tuy nhiên, trong ngày 13/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng khẳng định, nước Anh không theo đuổi giải pháp quân sự tại Afghanistan mà sẽ duy trì sức ép về mặt ngoại giao với nước này.
“Tôi nghĩ chúng ta cần phải thực tế về năng lực của Vương quốc Anh hay bất cứ cường quốc nào trong việc áp đặt một giải pháp quân sự, một giải pháp chiến đấu tại Afghanistan. Điều mà chắc chắn chúng tôi có thể làm là phối hợp với các đối tác trong khu vực và trên toàn thế giới có chung lợi ích để ngăn chặn việc Afghanistan một lần nữa trở thành mảnh đất nuôi dưỡng khủng bố. Tôi nghĩ ý tưởng về một giải pháp quân sự không phải là ý tưởng mà chúng tôi nên theo đuổi vào thời điểm này”.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm nay (14/8) cho biết ông đang tham vấn với các lãnh đạo địa phương và đối tác quốc tế về tình hình tại Afghanistan, trong bối cảnh Taliban đang siết chặt vòng vây xung quanh thủ đô Kabul.
Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, ông Ghani khẳng định với tư cách là tổng thống, hiện ông tập trung vào việc ngăn chặn sự gia tăng mất ổn định, bạo lực và làn sóng di tản của người dân. Ông Ghani nhấn mạnh việc tái triển khai các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang của đất nước là một “ưu tiên hàng đầu”.
“Afghanistan đang đối mặt với mất an ninh nghiêm trọng. Tôi đánh giá cao lòng dũng cảm của lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan, những người có tinh thần mạnh mẽ để bảo vệ người dân và đất nước. Trong tình hình hiện nay, việc tái triển khai các đơn vị thuộc lực lượng an ninh và quốc phòng là ưu tiên hàng đầu của chúng ta và các bước chuẩn bị nghiêm túc đang được thực hiện”./.