Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác đã kiểm tra việc triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân tại phường Bến Thành (Quận 1); ghi nhận những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai Đề án 06 sẽ thay đổi rất lớn về công tác quản lý và phục vụ người dân; đồng thời, đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường có thời gian xuống cơ sở, có điều kiện hỗ trợ người dân nhiều hơn. Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu về thuế, doanh nghiệp, đất đai… tạo môi trường công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, quản trị xã hội, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
"Từ kết quả đạt được bước đầu, chúng ta cần kiên trì, quyết tâm hơn nữa, không được lùi", Phó Thủ tướng nói.
Báo cáo Phó Thủ tướng tại cuộc họp sau đó, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, ngày 29/10, Thành phố đã tổ chức lễ khai trương Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với 56 dịch công trực tuyến được đưa lên gồm: 12/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 44 dịch vụ công trực tuyến của Thành phố. Dự kiến đến hết năm 2022 sẽ triển khai đủ toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố.
Các sở, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức được yêu cầu tự trang bị thiết bị đọc mã QRCode và thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp đảm bảo việc công dân chỉ cần sử dụng duy nhất thẻ CCCD gắn chip để thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự,…
Tính đến ngày 6/11, Công an TPHCM đã thu nhận được 6.788.918 hồ sơ cấp CCCD, 987.924 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân. Bên cạnh đó, Công an Thành phố đang quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống" phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với các dữ liệu chuyên ngành khác; bước đầu đã thực hiện việc số hóa tàng thư hồ sơ hộ khẩu; đề ra giải pháp kết nối 12,8 triệu dữ liệu hộ tịch đã được số hóa để đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay, Công an TPHCM đã triển khai nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo trên đến các đơn vị trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến.
Cục Thuế TPHCM hoàn thành kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai 7 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 1 dịch vụ mức độ 4.
Bảo hiểm Xã hội TPHCM đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT; hưởng trợ cấp thất nghiệp; gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình.
Sở Tư pháp TPHCM đã tiếp nhận các loại hồ sơ đăng ký trực tuyến, gồm: Yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; hồ sơ đăng ký hộ tịch; hồ sơ bản sao hộ tịch.
Bên cạnh đó Sở Tư pháp và Sở TT&TT đã phối hợp triển khai xây dựng kết nối Cổng dịch vụ công TPHCM với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng dự thảo quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến 4 loại thủ tục thiết yếu (đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp) trên Cổng dịch vụ công TPHCM.
Sở Y tế phối hợp Bảo hiểm Xã hội TPHCM, Công an TPHCM đồng bộ thẻ BHYT còn hiệu lực để khám chữa bệnh bằng CCCD cho gần 5 triệu người; 314.756 người dân sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh tại 400 cơ sở; cấp 4.098.494 tài khoản đăng ký, khai báo, phê duyệt, giải đáp các vướng mắc,… về ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID).
Sở LĐTB&XH đã thực hiện số hóa dữ liệu chi trả tiền hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 gồm 3 gói hỗ trợ với tổng số 8.691.951 lượt; thực hiện chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho 1.677.358 lượt người lao động thuê nhà.
Các Sở: Nội vụ, KH&ĐT, TN&MT, GD&ĐT đang khẩn trương cập nhật, chuẩn hoá dữ liệu để kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian nhanh nhất.
Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh thông tin thêm: Thành phố đang khẩn trương tích hợp cổng dịch vụ công của các xã, phường, quận, huyện, sở ngành vào Cổng dịch vụ công của Thành phố.
Về một số khó khăn, vướng mắc, Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết, hiện nay khối lượng hồ sơ thủ tục hành chính cần giải quyết trong ngày rất lớn (trên 50.000 hồ sơ/ngày), trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ về công nghệ thông tin còn thiếu; nguồn nhân lực được tăng cường, bổ sung của các sở, ngành chưa được tập huấn, hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đề án 06. Do đó, để vừa đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính hằng ngày, vừa đảm bảo công tác số hóa hồ sơ, kết nối, chia sẻ dữ liệu là bài toán khó cần có thời gian, lộ trình phù hợp để hoàn thành.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ: GTVT, Công an, Tư pháp, Y tế, Văn phòng Chính phủ đã trao đổi về những vướng mắc trong triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe; đối sánh dữ liệu hộ tịch, tư pháp đã được số hóa, xác minh, làm sạch dữ liệu đối với các trường hợp có thông tin sai lệch; thí điểm cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch, điều chỉnh dữ liệu hộ tịch khi phát hiện sai sót; làm sạch các dữ liệu về tiêm chủng vaccine, BHYT, bảo hiểm xã hội;…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ: Đề án 06 không phải là của riêng ngành công an từ cách thức xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu này sẽ tạo đột phá cho cả hệ thống chính trị, trước hết là hệ thống hành chính. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Thực hiện tốt Đề án 06, chuyển đổi số thành công sẽ thay đổi cung cách quản lý, phục vụ của bộ máy hành chính, và cũng liên quan đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Ghi nhận kết quả bước đầu trong thực hiện Đề án 06 tại TPHCM, Phó Thủ tướng mong muốn "tinh thần chiến dịch" của lực lượng công an lan toả tới các quận, huyện, sở ngành quyết tâm "vượt qua thói quen, xông vào cái mới", có cách làm sáng tạo, đột phá.
Trước hết, các sở, ngành, quận, huyện phải bước qua cục bộ, thực hiện Đề án 06 từng bước chắc chắn, trong đó cần chú ý vai trò của người đứng đầu và Văn phòng UBND TPHCM theo nguyên tắc "một đầu mối".
"Thành phố nghiên cứu phương án, lên kế hoạch thu thập, rà soát, cập nhật dữ liệu theo hộ gia đình trên cơ sở tập hợp yêu cầu của các sở, ngành, gắn với cơ chế thiết lập, chỉnh sửa thông tin. TPHCM cần mạnh dạn, chủ động thực hiện, dựa trên các hướng dẫn có tính nguyên tắc của các bộ, ngành thay vì chờ hướng dẫn chi tiết", Phó Thủ tướng gợi mở và lưu ý, trong khi đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cần có lộ trình phù hợp trong cung cấp dịch vụ công trực tiếp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong triển khai Đề án 06, lãnh đạo địa phương, sở, ngành phải ra đầu bài rất cụ thể, chi tiết, "nguyên tắc nhưng phải linh hoạt" thì khi thực hiện mới khả thi, hiệu quả./.