Một tuần mất 4 người thân vì Covid-19
Đi sâu vào con hẻm sâu hun hút, nhỏ chỉ vừa cho một xe máy di chuyển, rồi còn ngoằn ngòeo rẽ trái - phải mấy lượt, chúng tôi mới đến được căn nhà nhỏ của mẹ con chị Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1982) và bé Nguyễn Ngọc Minh Thư (sinh năm 2014).
Bước vào nhà, đập ngay vào mắt mọi người là 4 hũ tro cốt vẫn còn để trong hộp giấy, bàn thờ tạm được ghép từ cái bàn ăn với bàn học của bé Thư mới đủ chỗ đặt 4 di ảnh và tro cốt.
Chị Thắm cho hay, cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021 là những ngày ám ảnh nhất cuộc đời chị và con gái nhỏ. Mẹ con chị chưa từng khóc nhiều, ngất nhiều đến thế. Nỗi đau đến dồn dập như sóng triều, đau đến thở cũng nhói lòng xót dạ…
"Những ngày thành phố giãn cách, cha mẹ em già yếu nên không hề bước ra khỏi nhà. Em chồng thì bị tâm thần nên xưa nay đều chỉ ở nhà, không đi đâu. Bé Thư nghỉ học. Vợ chồng cũng nghỉ làm ở nhà lo cơm nước cho gia đình chứ không dám đi đâu.
Sợ bệnh mà nhà nghèo không có tiền chữa nên chồng em kỹ lắm, lúc nào cũng đem theo chai sát khuẩn xịt tay. Vậy mà không biết dịch ở đâu về lây hết cả nhà em", chị Thắm kể lại.
Ban đầu là cha chồng chị Thắm bị nóng sốt. Ban đầu cứ tưởng ông bị đau răng nên hành sốt, chị Thắm mua thuốc hạ sốt, giảm đau về cho ông uống. Không ngờ mấy hôm sau cả nhà đều sốt, chị nhờ y tế phường vào test mới biết cả nhà đều mắc Covid-19.
4 người thân của bé Minh Thư đã mất vì Covid-19
Ông nội (ông Nguyễn Ngọc Năm, sinh năm 1945) mất ngày 24/8/2021.
Chú ruột (anh Nguyễn Ngọc Quang, sinh năm 1982) mất ngày 31/8/2021.
Bà nội (bà Tô Thị Tuất, sinh năm 1956) mất vào sáng 1/9/2021.
Cha (anh Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1977) mất vào tối 1/9/2021.
Thời điểm đó, TPHCM rơi vào đỉnh dịch, bệnh viện tuyến trên quá tải, việc điều trị rất khó khăn. Nhiều lần chị Thắm xin cho người nhà chuyển lên tuyến trên nhưng không được, phải nằm cách ly ở bệnh viện quận.
Do quá tải, cứ bệnh viện nào trống chỗ là y tế đưa ngay một người đi cấp cứu nên 4 người trong gia đình chị Thắm được đưa đến 4 bệnh viện khác nhau.
Cha chồng được đưa vào bệnh viện Quận 6. Mẹ chồng vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Em chồng đến bệnh viện Tâm thần TPHCM. Chồng thì được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy.
Chị ám ảnh mãi cuộc gọi cuối cùng mà chồng gọi về trước khi mất. Anh vừa khóc vừa thều thào: "Em ơi, cứu anh với, anh thở hết nổi rồi!".
"Mỗi ngày một người được đưa đi cấp cứu. Rồi một tuần sau, em nhận được 4 hũ tro cốt. Trong khi mấy nhà xung quanh người ta đi cách ly rồi trở về, còn nhà em 4 người đi thì không có ai trở về cả, giờ chỉ còn lại mẹ con em bơ vơ trong căn nhà này", chị Thắm nghẹn ngào chia sẻ.
Ám ảnh trong cả giấc mơ
Chị Thắm không nhớ mình đã ngã quỵ bao nhiêu lần trong những ngày ấy. Vừa nhận tro cốt em chồng, khóc ngất chưa tỉnh thì đã có người đến gọi dậy gửi tro cốt mẹ chồng, chưa dọn xong bàn thờ thì lại có người đưa tro cốt của chồng về…
Những ngày tăm tối ấy nhấn chìm bà mẹ trẻ và bé gái 7 tuổi trong nước mắt, nỗi đau thương và sợ hãi…
Cứ nghe tiếng gõ cửa, thấy bóng người đi ngang nhà là mẹ con chị hoảng sợ, ôm chặt nhau mà khóc.
Bởi những ngày giãn cách ấy, người vào tận sâu bên trong con hẻm nhỏ này thường chỉ là để đưa người mắc Covid-19 đi chữa trị, hay đưa tro cốt người đã mất về cho người thân…
Tưởng chừng như đã khóc hết nước mắt trong chuỗi ngày đau đớn đó, nhưng khi kể lại câu chuyện thảm thiết của gia đình, chị Thắm vẫn bật khóc nức nở.
Bé Minh Thư thì hoảng hốt nép vào lòng mẹ, ôm chặt mẹ như sợ người thân cuối cùng của con cũng mất đi…
Thắp xong nén nhang lạy người đã khuất, chị Thắm nghèn nghẹn bảo: "Em tính chờ cho tâm tình bé Thư ổn ổn một tí và dịch đỡ hơn thì đón tàu về quê, đem di cốt của mọi người về quê an táng cho gần với họ hàng".
Thế nhưng, chị Thắm chưa biết mượn tiền ở đâu để đưa di cốt ông bà, cha chú của bé Thư về quê.
Cha mẹ chồng già yếu lại nhiều bệnh, em trai chồng bị tâm thần nên chi tiêu và tiền thuốc đều do vợ chồng chị gánh vác, cuộc sống trước đây vốn đã chật vật, khi Covid-19 đến thì càng khó hơn.
Mấy tháng giãn cách cộng với điều trị bệnh cho cả nhà không chỉ tiêu hết tất cả tiền vợ chồng chị tiết kiệm mà chị Thắm còn phải vay nợ.
Điều chị Thắm lo lắng nhất là gần đây bé Thư có biểu hiện tâm lý bất thường, sợ gặp người lạ, cả ngày ru rú trong phòng, hay vô cớ khóc một mình, hầu như đêm nào con cũng gặp ác mộng…
Thư đã đủ lớn để hiểu qua đời là gì, nhưng thỉnh thoảng đang học trực tuyến, bé lại quay sang mẹ hỏi "Sao lâu rồi ba không về hả mẹ?". Để rồi hai mẹ con cùng ngơ ngác, thảng thốt, rồi cùng nhau bật khóc…
Chị Thắm muốn đưa con đi khám tâm thần để xem bé bị ảnh hưởng thế nào mà điều trị nhưng lần lữa mãi chưa đi vì trong nhà không còn tiền.
Chị cũng chưa biết đến khi nào Thư được đi học lại để đi làm, kiếm tiền khám bệnh cho con, lo cho cuộc sống sau này.
Nhiều lúc chị Thắm giật mình tỉnh dậy dỗ dành bé Thư đang khóc thét lên vì gặp ác mộng, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc.../.