Trong 2 tuần đầu tiên, số ca mắc tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm trong khi Hải Dương vẫn chưa rõ xu hướng và đồng thời đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng.
 
Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng ngày 19/2, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phân tích một số đặc điểm khác biệt giữa ổ dịch tại Hải Dương và Đà Nẵng.
 
Tính đến ngày 18/2, số ca mắc tại Hải Dương là 574, đã vượt xa so với tổng số ca mắc tại Đà Nẵng (389 ca).
 
Số ca mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên của Hải Dương (20 ca/ngày), cao hơn so với Đà Nẵng (15 ca/ngày).
 
Dịch bệnh tại Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn. Có 5 ổ dịch lớn gồm: thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương. Trong 3 ngày gần đây Hải Dương ghi nhận 74 trường hợp mắc. Các ca bệnh chủ yếu được ghi nhận tại các khu vực cách ly. Trong khi đó, dịch bệnh hồi tháng 7 "tấn công" vào các bệnh viện ở Đà Nẵng.
 
 
TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
 
Đà Nẵng mất 36 ngày để có khoanh vùng và dập được dịch, truy vết hơn 11.000 F1, xét nghiệm toàn bộ 384.613 người.
 
Hải Dương từ ngày 25/1, dịch lan ra 13 tỉnh/ thành phố, truy vết 14.000 F1, xét nghiệm 135.421 người.
 
Số trường hợp F1 cần cách ly của Hải Dương cũng vượt xa Đà Nẵng, ngay từ đầu đã phải cách ly 2.340 công nhân.
 
Trong 2 tuần đầu tiên, số ca mắc tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm trong khi Hải Dương vẫn chưa rõ xu hướng và đồng thời đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Số lượng còn lại phải cách ly tập trung rất lớn.
 
Biến chủng virus là biến thể Anh B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh hơn chủng virus gây dịch tại Đà Nẵng (biến thể châu Âu D614G).
 
 
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế
 
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định diễn biến dịch tại Hải Dương vẫn phức tạp, trung bình mỗi ngày hơn 20 ca. Đến nay đã hơn 20 ngày, nhưng số mắc vẫn rất cao. Hai ngày nay mỗi ngày địa phương ghi nhận 18 ca bệnh. Trong ngày đầu tiên, Hải Dương ghi nhận 77 ca, sau đó là 48.
 
"Số ca Covid-19 mới tại Hải Dương vẫn rất cao. Tình hình tại đây vẫn rất phức tạp", PGS. TS Lương Ngọc Khuê nói.
 
Về điều trị, hiện Việt Nam có 2 bệnh nhân trong tình trạng nặng, tiên lượng nguy kịch. Số lượng bệnh nhân của tỉnh Hải Dương chiếm 76,2% số ca mắc mới trên cả nước.
 
Đặc biệt, 83,3% ca bệnh không có biểu hiện lâm sàng, 14,2% có biểu hiện nhẹ. Ví dụ một trường hợp F2 tại Hải Dương ở nhà tới 7 ngày. Khi F1 dương tính, người này mới được phát hiện. Do đó, ông Khuê lưu ý các địa phương phải hết sức cảnh giác.
 
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay các địa phương cần chủ động. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố chưa có dịch cũng phải sẵn sàng kịch bản điều trị. Những bệnh nhân nặng đều được các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị hội chẩn, hướng dẫn chuyên môn./.