uyy-1727945067.jpg
Núi Hồng – Sông Lam

Từ bao đời nay, núi Hồng – Sông Lam là biểu tượng của sự hoà quyện đầy chất thơ, nhạc của vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Sông Lam với chiều dài 432 km, bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn. Qua bao thác ghềnh, sông như dải lụa mềm chở nặng phù sa xuôi về bến Tam Soa. Đoạn cuối của dòng Lam uốn lượn, quanh co dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh tạo thành bức tranh thuỷ mặc hùng vĩ mà nên thơ. Núi Hồng Lĩnh có chiều dài hơn 30 km nhấp nhô, điệp trùng theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Tương truyền, núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn. Tên các ngọn núi được đặt theo dáng hình Ngũ Mã (hình năm con ngựa), Sư Tử, Hàm Rồng. Theo truyền thuyết, thời vua An Dương Vương mở nước đã từng đặt chân đến nơi này. Trải qua mấy nghìn năm văn hiến, núi Hồng – sông Lam đã tích tụ, lắng đọng nên khí chất lẫm liệt của những người con xứ Nghệ, trở thành biểu tượng của một nền văn hoá đặc trưng vùng, miền đậm đà bản sắc dân tộc.

Không chỉ có dáng núi, hình sông lung linh, huyền ảo, núi Hồng Lĩnh còn lưu giữ những câu chuyện đượm màu huyền thoại. Chuyện kể rằng, ông Đùng (ông khổng lồ) là người có sức khoẻ phi thường, có tài chuyển núi dời non. Một ngày kia ông vần tất cả những quả núi ở vùng châu thổ sông Lam và sông La xếp thành dãy núi Hồng Lĩnh. Sau khi xong việc chuyển núi, dời non, ông Đùng lại đào quặng sắt núi Hồng đem về chỉ giáo cho nhân dân các làng Vân Chàng – Minh Lương nghề rèn, đúc truyền lại cho đời sau. Chính vì thế mà thế hệ cháu con hôm nay đều ra sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống của ông cha để lại…Có lẽ tạo hoá ban tặng cho vùng đất nhân ái, bao dung mà giàu truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất nên đã hình thành nên dãy núi Hồng Lĩnh điệp trùng như bức tường thành vững chãi trấn giữ miền biên ải để ngăn ngừa giặc giã và những trận cuồng phong từ biển Đông tràn vào tàn phá quê hương…

Muôn đời nay vẫn thế, dù cho vật đổi, sao dời, dù qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử thì núi Hồng – sông Lam vẫn điệp trùng, kỳ vĩ như vốn có tự ngàn xưa. Núi và sông vẫn hướng ra biển đông gồng mình chống chọi với bão giông. Và người dân xứ Nghệ vẫn thông minh, cần cù, chịu thương chịu khó, vẫn hiên ngang khí phách anh dũng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động…