Theo Trung tá Quyết, hàng ngày theo dõi tin tức trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, khi có những thông tin liên quan đến TTATGT tỉnh Thanh Hóa, chị sẽ ghi, chụp ảnh lại. Với những thông tin, hình ảnh, clip trên mạng xã hội về các vụ TNGT, các hành vi vi phạm giao thông… cần phải xác minh kỹ hơn xem sự việc ở đâu, khi nào, thuộc đơn vị nào phụ trách.
“Từ những vụ TNGT, vi phạm giao thông, chúng tôi đều có đánh giá, phân tích, từ đó đưa ra những cảnh báo cho người tham gia giao thông. Ít nhất 1 tháng chúng tôi phải có 2 bản tin sâu kèm theo đó là các chuyên đề trình cấp trên phê duyệt trước khi gửi cho các huyện, thị, thành phố phát qua hệ thống truyền thanh cơ sở”, Trung tá Quyết chia sẻ.
Bên cạnh soạn tin, bài gửi về cho các địa phương, Trung tá Quyết cũng dày công thu thập tài liệu để thuyết giảng, tuyên truyền trực quan tại các cơ sở.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Đội Tuyên truyền đã phối hợp với Công an các huyện tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền về TTATGT, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho hàng nghìn giáo viên, học sinh; cùng với Tỉnh đoàn tổ chức cho 1.200 học sinh, sinh viên thi “Rung chuông vàng tìm hiểu về ATGT”; phối hợp với Trại giam Tổng cục C10 phổ biến Luật GTĐB, đường sắt, Nghị định 100 cho 292 phạm nhân…
Ngoài ra, chị còn biên soạn mẫu cam kết cho Công an cấp huyện để tổ chức cho Ban Quản lý bến xe, các chủ phương tiện, đội ngũ lái xe, người dân ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT… Biên tập nội dung, in tờ rơi, tờ phướn; tuyên truyền thông qua treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tại các tuyến giao thông trọng điểm, khu vực phức tạp về TTATGT…
“Nhà báo có tin bài thì được trả nhuận bút, còn tôi viết tin, biên tập gửi cho các đơn vị phải tự bỏ tiền ra. Rồi có khi lại vào vai phát thanh viên trong các chương trình tuyên truyền ở cơ sở. “Nghề” này tuy mệt nhưng rất vui”, Trung tá Quyết cười.