iu-1679895501.jpg
Em Trần Tuệ Nhân - lớp 9D, Trường THCS Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) cùng cô giáo bồi dưỡng môn Địa lý. Ảnh: Hồ Lài.

Nỗ lực vượt giới hạn

Thành tích giải Nhất và thủ khoa toàn tỉnh môn Địa lý của Trần Tuệ Nhân là học sinh lớp 9D – Trường THCS Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) khiến không ít người khâm phục. Bởi Anh Sơn là huyện miền núi thấp, và trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh, địa phương này vẫn xếp chung bảng A với các trường thuộc vùng đồng bằng, thành thị. Nhưng vượt qua hàng trăm thí sinh khác trên toàn tỉnh, cô nữ sinh miền núi đã xuất sắc đạt điểm cao nhất với 16/20.

Nói về quá trình ôn thi của mình, Tuệ Nhân cho hay, em cũng gặp những lo lắng, áp lực. Vì lớp 9 còn phải chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng cuối cấp, trong khi môn Địa lý nhiều năm nay không còn là môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Nghệ An nữa. Quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi, Tuệ Nhân vẫn phải đảm bảo các môn học khác trên lớp. Vì vậy, nữ sinh này đã tận dụng mọi thời gian và xây dựng thời khóa biểu, phương pháp học tập hợp lý, hiệu quả.

k-1679895526.jpg
Em Trần Tuệ Nhân xuất sắc giành thủ khoa bảng A kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Tuệ Nhân chia sẻ, đối với môn Địa lý nói riêng và các môn khoa học xã hội, trước hết phải chăm chỉ học tập, chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài, tiếp thu kiến thức cơ bản ngay trên lớp. Sau đó, các buổi học ôn, bồi dưỡng sẽ dành để mở rộng, nâng cao, phát triển nội dung bài học. Việc học cũng không thể máy móc, “học vẹt” mà phải xâu chuỗi các kiến thức bài học thành từng nhóm vấn đề, lập sơ đồ tư duy để dễ ghi nhớ và vận dụng. Đồng thời chú ý rèn luyện kỹ năng tổng hợp các kiến thức cơ bản từ sách giáo khoa, kiến thức nâng cao do thầy cô cung cấp.

Theo nữ sinh chia sẻ, đây cũng là môn học đặc biệt và không phải thuần “xã hội”. Muốn học tốt, đạt điểm cao thì học sinh còn phải nắm chắc phương pháp biết cách ứng dụng các công thức trong Toán học, Vật lý vào giải các bài tập Địa lý cũng như xử lý số liệu, đọc biểu đồ…

“Môn Địa lý còn luôn phải cập nhật số liệu mới, gần nhất vì liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế xã hội, thời sự chính trị… Em thường xem tin tức trong chương trình thời sự, đọc sách báo, tài liệu nâng cao để Ti vi, sách, báo, các tài liệu nâng cao… để có thêm hiểu biết. Đây cũng là nguồn dẫn chứng để em làm phong phú bài làm của mình, nhằm ghi được nhiều điểm nhất có thể cho mỗi câu hỏi trong đề thi”, Tuệ Nhân cho biết.

Với cách học chắc chắn đó, nữ sinh miền núi đã tạo cú bứt phá cho cá nhân mình và đem về thành tích cao nhất cho ngôi trường miền núi THCS Anh Sơn, Nghệ An. Cô giáo Nguyễn Hồng Nga, giáo viên bồi dưỡng của Tuệ Nhân cho biết: Trong thời gian ôn tập, học sinh trong đội tuyển luôn nỗ lực với 100% khả năng. Đặc biệt là em Tuệ Nhân luôn tạo sự tin tưởng cho giáo viên vì kiến thức vững vàng và kỹ năng làm bài chỉn chu. Danh hiệu thủ khoa là niềm hạnh phúc vỡ òa của cả cô trò trò nhưng xứng đáng với nỗ lực của Tuệ Nhân. Bên cạnh đó, đội tuyển Địa lý của huyện Anh Sơn cũng giành 4 giải/5 học sinh dự thi. Ngoài giải Nhất của Tuệ Nhân còn có 1 em đạt giải Ba và 2 em đạt giải Khuyến khích.

Ước mơ khám phá

Nói về lý do lựa chọn theo đuổi môn Địa lý, Tuệ Nhân chia sẻ: “Em có ước mơ lớn lên được đi khắp mọi nơi để tìm hiểu về cuộc sống, thiên nhiên và con người. Em thích được khám phá những vùng đất mới và những điều bí ẩn xung quanh mình, nên môn Địa lý đã thu hút em. Dần dần, được cô giáo bồi dưỡng, em càng say mê với môn học này”.

kk-1679895548.jpg
Cô Nguyễn Hồng Nga (GV Địa lý - Trường THCS Anh Sơn, Nghệ An) chia sẻ được truyền cảm hứng, động lực yêu nghề từ chính học trò. Ảnh: Hồ Lài.

Nữ sinh chia sẻ, không như nhiều người nghĩ, môn Địa lý là môn học lý thuyết và học thuộc đơn thuần, mà Địa lý gồm cả lý thuyết và thực hành. Càng học sâu về Địa lý, em có kiến thức và giải thích được các hiện tượng tự nhiên, các vấn đề xã hội của từng vùng, miền... Từ đó có thể hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới.

Tuệ Linh sinh ra trong gia đình bố mẹ làm nghề tự do, cuộc sống còn nhiều vất vả, không có nhiều thời gian và điều kiện quan tâm đến việc học của con. Chị Hoàng Thị Thuỳ Linh, mẹ của em chia sẻ: "Tuệ Nhân là con đầu trong gia đình, nên cũng chịu vất vả theo bố mẹ. Nhưng cháu từ nhỏ đã có ý thức tự giác, tự học, không để bố mẹ phải thúc giục và làm gương cho các em. Khi cháu báo tin được giải Nhất, tôi thực sự xúc động, tự hào vì biết Tuệ Nhân đã cố gắng, chăm chỉ rất nhiều”.

n-1679895571.jpg
Cô và trò đội tuyển môn Địa lý của huyện Anh Sơn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý lớp 9 năm học 2022-2023.

Cô giáo Nguyễn Hồng Nga chia sẻ thêm: Tuệ Nhân là học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt trong những năm THCS, em đều đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi huyện ở môn Địa lý và Ngữ văn. Đến năm lớp 9, em đã quyết định dành sự ưu tiên, tập trung cho môn Địa lý. Tuy nhiên, năng lực văn học cũng được em phát huy trong bài làm của mình với câu từ chính xác, súc tích, trình bày bài làm logic có dẫn chứng sinh động.

Giải Nhất và danh hiệu thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý là một đỉnh cao trong thành tích học tập của Tuệ Nhân. Nhưng quá trình học tập, thái độ cầu thị, chăm chỉ, say mê của em ngược lại còn truyền cảm hứng, động lực cho giáo viên.

“Sự phấn đấu đạt giải cao của cô học trò miền núi, vượt lên dẫn dầu toàn tỉnh đã cho tôi thêm yêu nghề, yêu môn học mình đang giảng dạy hơn. Đồng thời tạo động lực để tôi tiếp tục cống hiến với nghề trong tương lai và với các thế hệ học sinh tiếp theo", cô Hồng Nga chia sẻ.

Theo Hồ Lài - giaoducthoidai.vn