Những nữ lao công vừa đi quét rác vừa phát rau miễn phí cho người dân gặp khó khăn trong lúc giãn cách ...
Những nữ lao công vừa đi quét rác vừa phát rau miễn phí cho người dân gặp khó khăn trong lúc giãn cách xã hội vì dịch ở Hà Nội.
Những ngày qua, người dân trên con phố trung tâm của Hà Nội như Nguyễn Gia Thiều, Lãng Yên… đã quen với hình ảnh những người phụ nữ mặc áo công nhân môi trường mang tới nhu yếu phẩm, phát miễn phí cho nhiều người dân gặp khó khăn, đều đặn vào mỗi sáng. Từ 5h sáng hàng ngày những nữ lao công thay nhau chuẩn bị rau, củ, quả phát miễn phí cho người dân tại phố Bảo Linh (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm).
Hai người là bà Nguyễn Thị Ngoan (49 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lượng (46 tuổi) cả 2 đều trú tại thôn Tô Khê, xã Phú Thị (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đã thu gom rau quả, nhu yếu phẩm vận chuyển từ Gia Lâm sang nội thành Hà Nội phát miễn phí cho người dân. Ảnh: Rau được tập kết tại số 2 Lãng Yên (Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) để phát cho người dân khu vực phong tỏa.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ: "Chúng tôi ở tổ 4 của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, được phân công nhiệm vụ thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Thời gian này, vì vẫn được phép ra đường làm việc, nhận thấy diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhiều người gặp khó khăn, trong khi mình có thể làm từ thiện giúp đỡ được nhiều người, nên chúng tôi đã quyết định phát miễn phí rau cho những người cần”.
Theo đó, ngoài số tiền của bà Ngoan và bà Lượng, còn có thêm sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để mua đồ. Ảnh: Bà Ngoan chuẩn bị các gói rau quả phát cho người dân tại phố Nguyễn Gia Thiều (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
“Những ngày đầu chúng tôi tự hái rau ở trong vườn của mình, khi gom đủ số lượng sẽ đưa đến điểm đã chọn từ trước để phát cho mọi người, những ai gặp khó khăn đều có thể đến lấy miễn phí. Tuy nhiên, nhận thấy vẫn còn nhiều người gặp khó khăn cần đến sự ủng hộ, nên chúng tôi đã dùng tiền túi ra mua ở chợ gần nhà để mang sang. Thấy việc làm này của chúng tôi nên nhiều nhà hảo tâm cũng ủng hộ”, bà Ngoan cho hay.
Để cân đối thời gian giữa công việc từ thiện và việc làm lao công, cộng thêm khoảng cách di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và điểm từ thiện lên đến 20km, hai người phụ nữ này đã đăng ký làm ca sáng.
Bình thường mỗi ngày bà Ngoan và bà Lượng sẽ dậy từ lúc 4h di chuyển đến nơi làm là 5h sáng và bắt đầu công việc dọn vệ sinh môi trường, đến 2h chiều hàng ngày thì hết ca và về nhà nghỉ ngơi.
Từ khi bắt đầu công việc từ thiện, họ phải dậy từ 3h sáng để đến các khu chợ gần nhà mua gom rau, củ quả,… đủ số lượng và vận chuyển đến nơi đã chọn để phát miễn phí, 5h-6h đã bắt đầu phát rau cho mọi người.
“Đặc thù công việc yêu cầu làm từ 5h sáng, nên 2 chị em thay phiên nhau 1 người dọn dẹp tuyến đường, người còn lại phát rau cho mọi người”, bà Ngoan kể.
Theo chia sẻ của bà Ngoan và bà Lượng, tổng thu nhập hàng tháng từ việc dọn vệ sinh môi trường của mỗi người chỉ hơn 5 triệu đồng.
“Lương chúng tôi hàng tháng chỉ đủ cho trang trải cuộc sống trong những ngày bình thường, nhưng thiết nghĩ cả cuộc đời của mình chắc chỉ phải trải qua đại dịch lớn như thế này một lần nên chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn với mọi người. Kể cả ngày mai chúng tôi hết tiền thì chúng tôi vẫn muốn làm việc thiện nguyện này”, bà Ngoan nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Kim Oanh (Tổ trưởng tổ dân phố số 13 phường Bạch Đằng) cho biết: “Mặc dù còn khó khăn vất vả nhưng bà Ngoan và bà Lượng đã có tấm lòng sẻ chia với người dân gặp khó khăn. Chúng tôi cảm thấy rất đáng trân trọng. Chúng tôi cũng huy động chị em thuộc Hội phụ nữ, hội Chữ thập đỏ hỗ trợ để lan tỏa yêu thương và đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch”.
Nhiều người dân đã đến đây nhận rau miễn phí của 2 người lao công tại phố Nguyễn Gia Thiều.
Những nữ lao công cắt, tách từng phần, đựng trong từng túi nilon để tiện phát cho người dân, tránh tụ tập đông người.
Trong mỗi túi nilon có đầy đủ các loại rau, củ, quả.
Tại một số điểm, chị em Hội phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ,... cũng chung tay hỗ trợ những nữ lao công trong công tác thiện nguyện của mình.
Các phần quà mang đầy những thông điệp sẻ chia được trao đến tận tay người dân khó khăn trong khu vực giãn cách./.