Vượt lên khó khăn, đứng tốp đầu cả nước

Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.486,5km2. Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh (83%) là đồi núi; trong 21 đơn vị hành chính cấp huyện có 11 huyện, thị xã miền núi, trong đó có 4 huyện nghèo đặc biệt khó khăn. Đặc điểm trên đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An phải tìm ra cách làm sáng tạo để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với điều kiện địa phương, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất mang lại giá trị cao, như: Mô hình sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm trong vụ hè-thu tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành với quy mô 50ha; mô hình trồng cam tại huyện Yên Thành quy mô 5ha; mô hình phục hồi và chống suy thoái trên cây cam tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành; mô hình điểm theo dõi dự tính dự báo sinh vật gây hại trên lúa theo vùng sinh thái tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu... Đến cuối năm 2022, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất dưới hình thức hợp tác liên kết đạt 25%.

lk-1689652340.jpg
Mô hình nuôi gà cho nghe nhạc ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Tỉnh tiếp tục phát triển các diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Tính đến năm 2022, diện tích trồng rau, củ và cây ăn quả các loại được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Tân Kỳ... là 368,8ha. Toàn tỉnh có 34,77ha diện tích nhà lưới, nhà màng trồng các loại cây có giá trị cao như dưa chuột, cà chua, dưa lưới, nho...

Nông nghiệp của tỉnh đã chuyển dịch chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Về chăn nuôi lợn, tiếp tục giảm các nông hộ chăn nuôi không bảo đảm an toàn dịch bệnh, tăng các hộ chăn nuôi trang trại tập trung từ 30% năm 2020 lên 35% năm 2022. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển các loại vật nuôi có tiềm năng, lợi thế như bò thịt, bò sữa; trong thời gian qua đã tiến hành lai tạo nhiều giống bò chuyên thịt chất lượng cao như bò BBB, Brahman... hiện nay tỷ lệ đàn bò lai đạt khoảng 65% tổng đàn; hình thành nhiều trang trại nuôi bò thịt quy mô 150-500 con. Về chăn nuôi gia cầm, tiếp tục phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; phát triển chăn nuôi trang trại có quy mô từ 2.000 con trở lên (tăng từ 450 trang trại năm 2020 lên 482 trang trại năm 2022).

Các hợp tác xã ngày càng thực hiện đúng vai trò là “bà đỡ” cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững, đặc biệt thể hiện vai trò nòng cốt trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 640 hợp tác xã đang hoạt động.

Việc liên kết giữa các hợp tác xã đã tạo nên nguồn sản phẩm, nguyên liệu lớn, ổn định để ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp. Điều này từng bước khắc phục được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, 21/21 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Nghệ An đều có ít nhất một mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, như: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc); Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp 19/5 (huyện Nghĩa Đàn), Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Sơn (huyện Đô Lương), Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Diễn Phong (huyện Diễn Châu)...

Các mô hình hợp tác xã đã giúp thu nhập của người lao động được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, góp phần đáng kể trong phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo.

Kinh tế trang trại góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ᴠà nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ѕản хuất hàng hóa, tạo ra nhiều ᴠùng ѕản хuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông ѕản phát triển. Từ đó, tăng giá trị sản lượng hàng hóa bình quân của mỗi trang trại, cụ thể: Trang trại chăn nuôi có giá trị hàng hóa bình quân là 3,8 tỷ đồng; trang trại thủy sản là 2,6 tỷ đồng; trang trại trồng trọt là 1,5 tỷ đồng; trang trại lâm nghiệp là 1,2 tỷ đồng và trang trại tổng hợp là 2,2 tỷ đồng.

Tỉnh đã từng bước phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào di truyền phân tử trong chọn tạo giống và nhân giống; một số cơ sở đã sản xuất được một số loại giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; toàn tỉnh có 34 vườn ươm giống cây lâm nghiệp áp dụng hệ thống tưới điều khiển tự động hoặc bán tự động, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt; ngoài ra có 4 vườn ươm trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Yên Thành ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động.

777-1689652359.jpg
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: VIẾT LAM

Những cách làm hiệu quả trên dự báo sẽ giúp ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đạt và vượt cả 4 chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; xây dựng nông thôn mới; độ che phủ rừng và tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đề ra.

Ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Trong hai năm qua, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức 79 lớp tập huấn cho nông dân các xã vùng khó khăn về các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản với gần 4.000 người tham gia; tập huấn 329 lớp với hơn 13.000 học viên là cán bộ chủ chốt xóm, bản. Phối hợp với các đơn vị trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện triển khai nguồn tập huấn nông dân 2.227 lớp với hơn 85.000 học viên tham gia; tổ chức 11 lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật và khuyến nông viên cơ sở từ nguồn khuyến nông quốc gia.

Lãnh đạo, chỉ đạo khoa học và sâu sát

Để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện 16 nghị quyết, 6 kết luận, 5 chỉ thị, 2 quy định của Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Theo đó, đã xây dựng và ban hành 16 văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ.

Đồng chí Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: “Ngay sau khi có Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX và các nghị quyết của tổ chức đảng cấp trên, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, công nhân viên chức trong toàn ngành về nội dung, ý nghĩa của nghị quyết, kế hoạch. Đồng thời, Sở đã cụ thể hóa các nội dung thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bằng các chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch, các dự án... và tổ chức triển khai thực hiện”.

Nhìn chung, các định hướng mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh đã được ngành triển khai thực hiện chủ động, quyết liệt, nên từ năm 2021 đến nay, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện.

Các chương trình mục tiêu như: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... tiếp tục được tăng cường đầu tư. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chính sách trong ngành nông nghiệp có nhiều tiến bộ... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được bảo đảm và có nhiều mặt chuyển biến tốt. Đó là động lực góp phần thúc đẩy tỉnh Nghệ An tiếp tục phát triển và bứt phá, đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo Lê Anh Tần - qdnd.vn