Vừa yêu biển

Với ông Hưng doanh thu hàng tháng từ nghề đánh bắt hải sản, chế biến thủy sản không vui bằng việc giúp nhiều người có cuộc sống ổn định. Nhưng ít ai biết, người ngư dân ấy lại nặng tình với rừng, hàng năm vẫn "lấy biển nuôi rừng", nuôi tương lai...

Ngày đầu tháng 8, vượt chằng đường gần 100 km dưới cái nắng như đổ lửa của đất trời Bắc miền trung, chúng tôi tìm về thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An tìm gặp ông Lê Hội Hưng (SN 1979) một trong 100 nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

a-1659605499.jpeg
Ông Lê Hội Hưng kể về hành trinh mưu sinh của mình và các bạn tàu. Ảnh: Thắng Tình

Ông Hưng với sự chất phát, nước da sạm nắng đặc trưng của một ngư dân vùng biển hồ hởi đón chúng tôi, không ai có thể nghĩ rằng đây là một ông chủ của 19 chiếc tàu công suất lớn đang vươn khơi, có trong tay hệ thống nhà máy chế biến thủy hải sản, kho đông lạnh, nhà máy đá lạnh và một hệ thống chuyên cung cấp ngư cụ, vật tư, hậu cần nghề cá.

"Khoảng thời gian năm 2003 – 2006 tôi làm đoàn xã, sau đó được cử đi học để làm xã đội trưởng. Nhưng tôi thấy mình không phù hợp với công việc này nên đã về đi biển, làm thủy sản. Mới đầu có hai anh em chung nhau mua lại một con tàu công suất khoảng 250 CV rồi tu sửa bắt đầu vươn khơi bám biển, đánh bắt thủy hải sản", ông Hưng nhớ lại quyết định bỏ cơ hội làm xã đội trưởng để quyết tâm mưu sinh với nghề biển.

Những tháng ngày lênh đênh trên biển, ăn với sóng ngủ cùng với gió, vất vả đủ đường nhưng thu nhập cũng chẳng là bao. Khoảng 5 năm sau, ông Hưng quyết định thanh lý con tàu và bắt tay vào làm dịch vụ hải sản. Khoảng thời gian này, ông thu mua tôm, mực rồi tiêu thụ ở khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tất tả ngược xuôi, có được chút vốn lại đúng vào thời điểm nhà nước hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67. Vậy là ông quyết định vay vốn đóng 2 con tàu với công suất 822 CV với tổng số tiền lên đến 25 tỷ đồng (trong đó nhà nước hỗ trợ cho vay 70 %) để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên tàu hoạt động không hiệu quả như mong đợi. Mặc dù vậy, nguồn thu từ ngành dịch vụ thủy sản vẫn giúp ông phát triển, đảm bảo sản xuất, giúp đỡ hàng xóm an tâm bám biển mưu sinh.

"Anh em vẫn bám biển còn tôi tập trung vào phát triển ngành dịch vụ thủy sản. Sau đó thành lập công ty đầu tư thêm nhà máy chế biến bột cá để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Đồng thời làm xưởng đá lạnh, rồi cung cấp xăng, ngư cụ… cho tàu cá khác tại địa phương. Mình năng động, làm nhiều nghề lấy cái này nuôi cái kia nên doanh thu ổn định, vững hơn", ông Hưng chia sẻ thật.

Lại giữ rừng...

Đến năm 2018 - 2019, ông Hưng tiếp tục sắm thêm nhiều con tàu công suất đều trên 700 CV. Những con tàu này, ông Hưng đều cho anh em bạn thuyền góp vốn, họ như những cổ đông gắn trách nhiệm và quyền lợi đối với công ty, qua đó cũng nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện tại đội tàu của ông đã lên đến 19 chiếc công suất lớn đều đặn vươn khơi. Nguồn thủy sản đánh bắt được cũng phục vụ cho các nhà máy chế biến, dịch vụ trên bờ mà ông phát triển.

"Hiện tôi có hơn 200 lao động, mình hạnh phúc vì đảm bảo được công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho anh, chị em. Đối với thuyền viên đi biển thì mỗi tháng cũng có thu nhập hơn 10 triệu. Còn với công nhân trên bờ thì từ 10 – 12 triệu vì họ làm theo ca, làm nhiều thì lương cao. Anh, chị em có thu nhập ổn định cuộc sống khá lên là tôi vui lắm, vì họ đã tin tưởng vào mình, mình đã không phụ lòng tin của mọi người", ông Hưng nói.

"Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi còn nhớ bố tôi (ông Lê Thanh Mai-PV) một trong những người dân ở xã Quỳnh Lập đầu tiên nhận khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng. Thời điểm đó, 4 anh em chúng tôi còn nhỏ nhưng theo chân bố leo núi để trồng rừng; có được ít tiền bố tôi lại đem đi mua cây để trồng rừng. Dù 4 anh em nhiều lúc mệt mỏi vì leo núi, nhưng thấy bố vất vả như vậy nên cũng cố gắng cùng bố trồng và đến nay gia đình chúng tôi có tới 78 ha rừng chủ yếu trồng keo, phi lau và thông" - ông Lê Hội Hưng.

Quãng thời gian dịch Covid-19 hoành hành, rồi đến "cơn bão" giá xăng dầu là thời điểm ông Hưng cùng doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Chi phí sản xuất tăng cao, tuy nhiên nhờ đa dạng ngành nghề nên doanh nghiệp của ông vẫn may mắn trụ vững đảm bảo thu nhập cho công nhân.

Ông Hưng chia sẻ: "Tàu mình có, đá lạnh mình có, ngư cụ mình có nên con cá, con mực từ khi đánh bắt đưa đi tiêu thụ đều mình cả, không qua bất cứ khâu trung gian nào. Rồi những thứ không bán được mình tận dụng làm bột cá nên thu nhập sẽ cao hơn, nhờ thế mình vẫn trụ được, xăng dầu có tăng, tàu mình vẫn vươn khơi đều, đảm bảo được đầu ra nên anh em yên tâm".

Ngày ngày tất tả với công việc, điều hành sản xuất, chiếc điện thoại trong tay đổ chuông liên tục, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng của ông phần lớn đến từ nghề biển. Nhưng ít ai biết người ngư dân ấy lại nặng tình với những cánh rừng. Mỗi năm anh vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thuê công nhân chăm sóc 78 ha rừng thông, bạch đàn mà ở khu vực xã Quỳnh Lập mà trước đó bố ông từng nhận trồng.

Ông Hưng vẫn nhớ như in tuổi thơ của mình cùng với bố đội những cây thông, bạch đàn cần mẫn leo lên triền núi để trồng rừng. 

"Muốn trồng được thì phải có mưa, chứ nắng kéo dài thì trồng cây chết ngay. Mà mưa thì leo núi trơn lắm, vậy mà mấy bố con tôi vẫn cứ ròng rã cùng nhau đội cây lên đầu rồi đi trồng. Những ngày khó khăn vất vả ấy tôi không thể nào quên được!" - ông Hưng rơm rớm.

Từ năm 1995 đến nay khoảng 78 ha rừng đã được phủ kín với thông, bạch đàn tạo thành một khu rừng xanh mát. Tuy nhiên do đặc tính khí hậu giáp biển, cây thông phát triển chậm, hiện chỉ mới một số diện tích nhỏ bắt đầu có thể khai thác nhựa. Hàng năm, ông Hưng vẫn thuê 12 người chăm sóc, phát quang thực bì với mức lương khoảng 4 triệu đồng/người /tháng. Ông cũng tạo điều kiện để công nhân khai thác nhựa thông tăng thêm thu nhập.

Mặc dù chưa có bất kỳ khoản thu nào từ rừng, thậm chí còn phải "lấy biển nuôi rừng" với kinh phí hàng trăm triệu đồng, nhưng với Nông dân xuất sắc 2022 Lê Hội Hưng đó là việc cần làm, phải làm để thế hệ mai sau sẽ có những cánh rừng xanh mướt, trải dài, để ngăn ô nhiễm môi trường, bảo tồn cuộc sống...

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, ông Hưng còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Những năm công việc thuận lợi, ông dành ra hàng trăm triệu đồng để đóng góp, tặng quà, giúp đỡ các trường hợp khó khăn. Ông còn nhận giúp đỡ 5 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ông cũng mong doanh nghiệp mình làm ăn tốt để có thêm kinh tế giúp đỡ được thật nhiều các hoàn cảnh khó khăn. Với ông đó là trách nhiệm, là tấm lòng của mình giành cho cộng đồng và xã hội.

Ông Lê Hội Hưng là Ủy viên Ban chấp hành nghề cá tỉnh Nghệ An và là Đại biểu Hội đồng nhân dân xã Quỳnh Lập qua nhiều nhiệm kỳ. Năm 2022, ông được bình chọn là 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu của cả nước xứng đáng nhân danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

Lê tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" sẽ diễn ra trọng thể tại Hà Nội nhân kịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022)./.