May “áo ấm” cho trâu bò
Toàn xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An có khoảng hơn 1.000 con trâu, bò. Người dân chủ yếu nuôi nhốt và nuôi khoanh vùng trong các gia trại. Nguồn thức ăn cho trâu, bò ở xã Châu Tiến chủ yếu là cỏ voi, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp bổ sung như cám, khoai, thân cây ngô.
Mấy ngày nay nhiệt độ đột ngột hạ xuống thấp, ban ngày khoảng 15 - 16 độ, ban đêm và sáng sớm có thể lạnh hơn. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tích cực khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp chống rét cho gia súc, gia cầm.
Ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết, chính quyền đã kêu gọi bà con che chắn cho gia súc, kết hợp với quây kín chuồng trại, không thả rông.
Tuy nhiên, năm nay, nguồn thức ăn thiếu hụt, do nguồn cỏ voi bị chết nhiều sau đợt lũ lụt lịch sử hồi tháng 10 vừa qua. Hiện chính quyền đang hướng dẫn bà con tăng cường nguồn thức ăn từ thân cây ngô, rơm rạ, tăng số lượng thức ăn ủ chua để tăng dinh dưỡng giúp vật nuôi chống chọi với giá rét.
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quỳ Châu, toàn huyện có gần 34.000 con trâu, bò. Đến thời điểm hiện nay, đàn gia súc gia cầm phát triển tốt, ít có dấu hiệu dịch bệnh. Huyện tiếp tục nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, trong đó, có việc chống rét và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
Tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn nơi có đến 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông, nghề chăn nuôi đại gia súc đã có truyền thống từ lâu đời. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, tập quán chăn thả trong rừng nên khi nhiệt độ xuống thấp, hàng chục con trâu, bò của nông dân bị chết rét.
Vì vậy, ngay khi vừa xảy ra rét đậm, rét hại, Hội Nông dân Kỳ Sơn, Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện đã có công văn khuyến cáo các biện pháp phòng chống rét cho trâu bò triển khai đến tận các xã.
Ông Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ cho biết, ở địa phương hầu như gia đình nào cũng tham gia chăn nuôi, nhờ đó toàn xã có tổng đàn hơn 3.500 con trâu bò.
Trước tình hình rét đậm, rét hại còn kéo dài, xã đã lập tức tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh; tăng cường thông tin để chính quyền các cấp và người dân, nhất là người dân ở vùng cao biết, chủ động ứng phó; tổ chức kiểm tra công tác ứng phó với rét đậm, rét hại tại các khu vực trọng điểm, vùng cao, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Chống rét cho vật nuôi
Khu chăn nuôi gà của anh Hờ Bá Lồng ở bản Huồi Khe, xã Huồi Tụ cách xa nhà 3 km, lại cách trở bởi đường rừng. Do đó, những ngày mưa rét, anh bám trụ tại lán để chăm sóc cho đàn gà đen 300 con.
“Khi có thông tin về đợt rét này, tôi đã đưa trấu ra rải ở sàn chuồng tạo lớp đệm dày cho gà ấm; che chắn chuồng trại. Do chưa có điện 3 pha vào tận nơi nên không thể lắp đèn sưởi cho gà. Nếu tình hình rét đậm kéo dài, đối với lứa gà nhỏ hơn sẽ phải vận chuyển về nhà dùng đèn điện để sưởi ấm”, anh Hờ Bá Lồng cho biết.
Cũng chăn nuôi gà đen bản địa, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp anh Cự Bá Cò, một hộ dân ở bản Sa Lầy, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn liên tục sưởi ấm cho gà bằng đèn chuyên dụng; đối với gà lớn hơn (từ 2 tháng tuổi trở lên) thì lùa về nhà, đóng kín cửa và thắp bóng đèn sưởi.
Ông Vừ Bá Xử, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, nhiệt độ tại địa phương xuống thấp, ban ngày chỉ khoảng 10 độ C, ban đêm rét đậm, chỉ còn 5-6 độ C. Trước tình hình đó, xã đã có thông báo đến toàn thể nhân dân bằng các kênh khác nhau: trực tiếp đến cán bộ thôn, bản; qua hệ thống Zalo, các hội, nhóm, đoàn thể… về công tác phòng, chống rét cho vật nuôi.
“Chúng tôi đã yêu cầu người dân đưa trâu, bò về chuồng, che chắn kín đáo. Đặc biệt, chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm và cấm thả rông trâu, bò trong những ngày giá rét”, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống nói.