Phát sinh rủi ro, ngân hàng sẽ chủ động áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm
Thông tin tới Dân Việt, liên quan đến vụ việc ngày 29/03/2022 ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam, nhà băng này thừa nhận đã cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC để phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng trong thời gian qua.
Các khoản cấp tín dụng này đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định nội bộ của NCB và đều có tài sản bảo đảm.
Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của NCB.
"Trong hoạt động kinh doanh, NCB luôn tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm với phát triển kinh tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NCB luôn coi trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đối tác, cổ đông", NCB nhấn mạnh.
Cũng theo NCB, Tập đoàn FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực kinh doanh là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm vừa qua. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, các hoạt động du lịch và hàng không đều đã dần khởi sắc, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường; doanh nghiệp có nguồn thu và dòng tiền để tự tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ với ngân hàng.
Khoản cho vay với FLC không đáng ngại, không có ý định giải chấp cổ phiếu
Về phía Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng thông tin: Các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.
Liên quan đến khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của Bamboo Airways, ông Tùng cho hay, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà ngân hàng nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB (thông thường ngân hàng chỉ cho vay 70-80% tổng giá trị tài sản đảm bảo). Chính vì vậy, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ.
Tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV (Bamboo Airways) mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỷ đồng - chủ yếu bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp. Quan điểm của ngân hàng luôn luôn là: Bất động sản luôn là tài sản đảm bảo chủ chốt, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung.
"Đến thời khắc này, chúng tôi tương đối yên tâm về khoản cho vay với FLC, do tài sản đảm bảo lớn và doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định", ông Tùng khẳng định.
Trước đó, Sacombank cũng đã khẳng định, các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank. Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank.
Sacombank, NCB và OCB là các ngân hàng đang cấp tín dụng cho FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Trong đó, chủ nợ lớn nhất hiện nay là Sacombank với số dư đến cuối năm 2021 lên tới 1.840 tỷ đồng. Thứ hai là BIDV với tổng dư nợ cho vay 1.747 tỷ đồng và OCB với số dư 1.392 tỷ đồng đến cuối năm 2021./.