Những cây gỗ quý trăm tuổi cứ lần lượt ngã xuống trước sự "không biết" của những cán bộ khoác trên mình chiếc áo giữ rừng. Nhưng, cách xử lý của tỉnh Đắk Lắk lại khá lạ lùng!
 
Rừng gỗ pơ - mu quý hiếm ở lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (đơn vị thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk) liên tiếp bị tàn phá trong nhiều năm. Không thể đo đếm những vụ phá rừng mà lâm tặc thực hiện trót lọt, chỉ tính riêng những vụ phá rừng được lực lượng công an và kiểm lâm tỉnh, vùng phát hiện thì đã có hàng trăm mét khối gỗ pơ - mu bị "chảy máu".
 
Những cây pơ - mu trăm tuổi, đường kính 2-3 người ôm cứ lần lượt ngã xuống trước sự "không biết" của những cán bộ khoác trên mình chiếc áo giữ rừng.
 
Rừng ở đâu cũng có vai trò quan trọng, nhưng lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông còn có vai trò bảo vệ đầu nguồn nhiều nhánh sông của tỉnh Đắk Lắk; là lá chắn quan trọng cho Vườn Quốc gia Chư Yang Sin - nơi có 876 loài thực vật (143 loài đặc hữu Việt Nam, 54 có tên trong sách đỏ Việt Nam), 203 loài chim và 46 loài thú sinh sống.
 
Với địa hình là đồi núi dốc và gần như gỗ lậu chỉ vận chuyển theo 1 trục đường chính để ra khỏi huyện, nhưng không hiểu vì sao bao nhiêu năm qua, việc bắt giữ, ngăn chặn lâm tặc ở đây lại khó khăn với lực lượng bảo vệ rừng và kiểm lâm đến vậy (?!)
 
Mới nhất, giữa lúc lãnh đạo, cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông đang "vui xuân, đón Tết" Tân Sửu thì lâm tặc tiếp tục tàn phá rừng khu vực Núi Voi Kéo không thương tiếc. Lực lượng công an nếu không kịp ngăn chặn thì một lượng gỗ pơ - mu quý hiếm đã được vận chuyển trót lọt bằng 5 con trâu kéo.
 
Báo Người Lao Động từng có bài viết "Ngược đời lâm tặc tố kiểm lâm… tiếp tay phá rừng", phản ánh câu chuyện cười ra nước mắt khi một lâm tặc lại làm đơn tố cáo kiểm lâm tiếp tay phá rừng. Theo đó, khi người này khai thác gỗ lậu thì bị lực lượng kiểm lâm huyện Krông Bông phát hiện. Thay vì bắt giữ đối tượng và thu tang vật thì kiểm lâm chỉ bắt 10 trong 20 lóng gỗ lậu. 10 lóng còn lại sau khi lâm tặc vận chuyển ra ngoài thì bị lực lượng công an bắt giữ. Vụ việc này, ngoài 1 kiểm lâm viên, còn có 1 hạt phó và 1 Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Krông Bông biết, nhưng vẫn làm ngơ.
 
Nói thẳng, để xảy ra việc rừng bị tàn phá, chủ rừng và kiểm lâm có tiếp tay hay không thì cơ quan công an đang điều tra. Nhưng rõ ràng, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và ông Y Te B.Krông, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Bông đã không hoàn thành nhiệm vụ - điều này ai cũng nhìn thấy, không lẽ cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk lại không hay biết?.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã không ít lần chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk phải xử lý nghiêm những cán bộ, công chức để rừng bị tàn phá. Vậy tại sao tỉnh Đắk Lắk không căn cứ các quy định để đình chỉ hoặc cách chức ngay những người này thay vì cứ để vậy hoặc chuyển công tác?.
 
Những cánh rừng ít ỏi còn lại của Đắk Lắk sẽ tiếp tục "chảy máu" nếu cứ xử lý cán bộ theo kiểu "kiểm điểm rút kinh nghiệm, chuyển công tác…".
 

Dàn 5 con trâu kéo gỗ ra khỏi rừng nhưng lực lượng bảo vệ rừng và kiểm lâm không biết./.