r-1677397013.jpeg
Ngân hàng đang chịu sức ép nợ xấu tăng mạnh từ bất động sản. Ảnh: Gia Miêu

Nợ xấu nội bảng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào cuối năm 2022 ở mức 1,92% - so với quy định ở mức dưới 3%. Đây là tỷ lệ nợ xấu nằm trong ngưỡng an toàn.

Mặc dù vậy, theo số liệu thống kê từ các đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính, trong quý 4/2022, nợ xấu mới tăng thêm hơn 56.000 tỉ đồng, con số này tăng hơn nhiều số nợ xấu hình thành trong quý 3/2021, thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách do dịch COVID-19.

Sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu chủ yếu đến các khoản nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng hơn 30.000 tỉ đồng, tăng 70% so với cuối năm 2021.

Từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, chất lượng tài sản của các NHTM có sự phân hóa mạnh. 

Số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, dư nợ xấu tính đến 31.12.2022 của 27 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng 35% so với đầu năm 2022, lên trên 136.400 tỉ đồng. Số ngân hàng có nợ xấu tăng chiếm xấp xỉ 89% trong nhóm được thống kê. 

Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng ở đa số ngân hàng. NHTM có nợ xấu tăng mạnh là VPBank, vào cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 4,57% lên 5,73%. Đặc biệt, các NHTM có vốn nhà nước như BIDV cũng có nợ xấu tăng từ 1% lên 1,16%; Vietcombank tăng từ 0,64% lên 0,68%. 

ss-1677397066.jpeg
Nợ xấu đang dần tăng. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo báo cáo của FiinGroup, mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng cao khiến chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên, tỷ suất tài sản sinh lời có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3 - 6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1 - 2 quý tới. 

Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên sau khi Thông tư 14/2020/TT-NHNN về giãn nợ cho cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 hết hiệu lực từ tháng 6.2022. 

Đồng thời, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản... đòi hỏi các ngân hàng phải gia tăng “bộ đệm” dự phòng rủi ro, tác động lợi nhuận.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình “vượt bão” trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu.

Theo đó, nợ xấu và chi phí tín dụng có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng, mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu. Dẫu vậy, khả năng chống chịu tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của mỗi ngân hàng.

TS Nguyễn Duy Phương, giám đốc đầu tư quỹ DGCapital nhận định các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi như nợ xấu tăng từ tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hay biên lãi thuần bị ảnh hưởng.

Ngược lại, lợi nhuận của ngân hàng có mức điểm xếp hạng tín nhiệm sơ bộ thấp bị ăn mòn gần hết bởi các chi phí dự phòng, trong khi tỷ lệ đòn bẩy cao hơn hẳn so với các ngân hàng khác.

Theo Gia Miêu - Báo Lao Động