Nợ xấu tăng, thu hồi khó
Giữa tháng 7 nắng oi ả, Anh Phong, nhân viên tín dụng của ngân hàng B. tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội ngồi rà lại một số khoản tín dụng cho vay tiêu dùng do anh quản lý đã chuyển sang nợ xấu để tiếp tục hối thúc khách hàng trả nợ.
Trong danh sách anh Phong phụ trách có một khoản vay 55 triệu đồng có khả năng mất vốn cao do một cựu nhân viên của một tập đoàn viễn thông lớn vay cách đây hơn 3 năm. Hồi đó, khách hàng này vay tín chấp bằng thẻ lương, sau vài tháng thì mất khả năng trả nợ do cá độ bóng đá và bị đuổi việc.
Liên lạc với khách hàng qua điện thoại không được, anh tìm đến nhà thì “đụng” ngay xã hội đen cũng đến đòi nợ. “Bà mẹ nói anh này đã bỏ nhà đi. Từ hồi ấy đến nay chúng tôi đã gọi điện, gửi văn bản nhiều lần về gia đình, về phường, về quận nhưng đều không nhận được phản hồi”, anh Phong ngao ngán.
Anh Phong cũng cho biết, trước đây anh có nhờ bên thứ ba liên hệ đòi giúp. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021 tới nay, dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm, anh phải tự đứng ra đòi khoản nợ xấu này. Tính đến nay, khoản nợ này đã lên tới 97 triệu đồng, gồm cả nợ gốc, lãi và tiền phạt.
Một trường hợp khác là nữ giáo viên trường dân lập tại Hà Nội vay 20 triệu đồng cũng bằng tín chấp thẻ lương. Tại thời điểm vay, khách hàng chứng minh thu nhập của hai vợ chồng được hơn 20 triệu đồng, đủ khả năng trả nợ mỗi tháng 6 - 7 triệu đồng.
Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nữ khách hàng bị giảm việc rồi ngừng việc luôn. Với trường hợp này, anh Phong cũng chỉ biết gửi văn bản về nhà trường và sẽ tiếp tục theo dõi khi khách hàng có thu nhập trả nợ.
Vị trưởng phòng tín dụng nơi anh Phong làm việc cho biết, chỉ riêng các trường hợp giáo viên vay tín chấp bị xếp vào danh sách nợ xấu tại phòng giao dịch này gần 10 người, mỗi khách nợ trên dưới 50 triệu đồng, một số khách khoảng 100 triệu đồng. Hầu hết đều do dịch bệnh Covid-19 dẫn đến bị giảm, nghỉ việc nên không đủ thu nhập trả nợ.
Dư nợ của cả nhóm này không đến 1 tỷ đồng nhưng vẫn phải báo cáo hội sở và phòng giao dịch cũng đã tính trích lập dự phòng rủi ro bởi những khoản cho vay tín chấp ngay từ đầu đã được trích dự phòng tỷ lệ rất cao.
Theo vị trưởng phòng, trước đây, những khoản như trên có thể chuyển sang cho bên thứ ba đòi nợ thuê với tỷ lệ trích thù lao 30%.
Nhưng từ đầu năm 2021, áp dụng quy định của Luật Đầu tư, ngân hàng chỉ đạo, cán bộ phụ trách hợp đồng bị chuyển thành nợ xấu thì phải tự thúc giục, đòi nợ. Mỗi phòng giao dịch, chi nhánh đều phải thành lập tổ đòi nợ xấu. Nếu không đòi được phải báo cáo để trích rủi ro và sẽ đánh vào KPI.
Còn với những khoản nợ đã quá lâu thì ngân hàng sẽ gom lại chuyển sang bộ phận đòi nợ tại hội sở. Với những khoản nợ xấu này, ít nhất phải đòi được nợ gốc để đảm bảo nguyên tắc không làm mất vốn ngân hàng. Còn lãi có thể linh động xử lý theo từng trường hợp cụ thể.
Vietinbank có làm nên tiền lệ?
Không chỉ trường hợp của ngân hàng B. nói trên, từ đầu năm 2021, các ngân hàng đều cơ cấu lại hoạt động thu hồi nợ, nhất là với những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm theo quy định của Luật Đầu tư mới.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông tin với Báo Giao thông, tùy theo mỗi tổ chức sẽ có một chiến lược riêng cho công tác thu hồi nợ. VPBank đã xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên được đào tạo thu hồi nợ một cách bài bản; Kết hợp áp dụng công nghệ, phần mềm hỗ trợ cho hoạt động thu nợ.
“Chúng tôi cũng có những chiến lược bán nợ cho các tổ chức chuyên nghiệp hoặc các cá nhân, tổ chức có nhu cầu theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp, chúng tôi cũng có thể thuê các công ty luật cung cấp các dịch vụ pháp lý để thay mặt chúng tôi làm việc với khách hàng”, VPBank cho hay.
Tại Vietinbank, ngân hàng đã gây chú ý khi trung tuần tháng 5 thông báo công khai bán 9 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Mỗi khoản nợ (gồm gốc, lãi và lãi phạt) rất nhỏ, chỉ từ 1,5 - 17 triệu đồng, tổng giá trị 9 khoản chỉ hơn 83 triệu đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo của Vietinbank cho biết: “Dù lớn hay nhỏ, những khoản nợ này đều có thể chuyển nhượng. Việc công khai để những ai có nhu cầu và đủ điều kiện theo yêu cầu của pháp luật sẽ tham gia. Bởi mua - bán nợ được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.
Ông này cũng thông tin, sau một tháng thông báo, đã có đơn vị liên hệ với Vietinbank để tham gia đấu giá. Trước dư luận cho rằng, rất khó có thể thu hồi cả gốc lẫn lãi, vị này cho biết: “Có khoản có thể thu được đủ, có khoản phải chấp nhận không thu đủ được như giá chào bán. Bản thân ngân hàng cũng có những đối tác phát triển hoạt động tín dụng theo quy định của pháp luật. Khi mua, các đối tác họ cũng phải đánh giá lợi ích tổng thể của họ”.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, hiện các ngân hàng không còn thuê dịch vụ đòi nợ nên chuyện đi bán nợ cho vay tiêu dùng là điều dễ hiểu.
Việc các ngân hàng rao bán nợ cũng phản ánh nhu cầu sớm hình thành thị trường này ở Việt Nam, gồm cả nợ bình thường và nợ xấu. Hiện nay, các khoản nợ xấu hầu hết được bán cho VAMC và các tổ chức tín dụng, trong khi, việc mua bán này còn nhiều hạn chế và đối tượng mua bán lại hạn hẹp.
Mua bán nợ hay hợp pháp hóa dịch vụ đòi nợ thuê?
Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc hình thành thị trường mua bán nợ tiêu dùng một cách chuyên nghiệp là gần như không thể.
“Ngân hàng rao bán các khoản nợ tiêu dùng, về bản chất là bán quyền đòi nợ. Nợ nào cũng có khả năng bán, 1% cũng là khả năng nhưng chi phí mới là quan trọng. Bởi, bình thường nợ tốt còn có thể bán được với giá bằng 50 - 70% giá gốc. Còn nợ xấu nếu bán giá 0 đồng may ra có người mua. Bản thân ngân hàng là tổ chức chuyên nghiệp còn không đòi nợ được thì người bình thường sao đòi được? Nên không ai tự dưng lại đi mua nợ xấu về để “rước nợ” vào thân”, ông Đức nói.
Do vậy, luật sư này cũng đặt giả thiết, việc rao bán các khoản nợ trên chỉ là một cách “lách” của dịch vụ đòi nợ thuê khi dịch vụ này đã bị cấm. Hầu hết các công ty đòi nợ thuê sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực không giải thể mà chuyển đổi hoạt động sang mua bán nợ để hợp pháp hóa.
Cũng theo luật sư Đức, việc mua - bán nợ chỉ khả thi với những vụ mua bán tài sản hay thông qua mua - bán nợ để tham gia cơ cấu doanh nghiệp nhưng trên cơ sở phải có tài sản bảo đảm liên quan tới đất đai nhà cửa, dự án, phương án, nhà máy xí nghiệp…
Còn với các khoản cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, lãi suất cao chính là một dạng tài sản bảo đảm bởi đây là nguồn thu cực tốt của ngân hàng.
“Họ đã tính xác suất nợ xấu của các khoản cho vay, tính toán chi phí, rủi ro, lợi nhuận vào giá thành - từ đó xây dựng khung lãi suất. Tại sao có những công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cao như thế? Bởi, với lãi suất ấy, nếu các khoản vay có mất 1/5 - 1/3 thì vẫn có lãi. Cho nên với các khoản vay tín chấp mà không đòi được nợ, ngân hàng sẽ lẳng lặng xóa nợ và không báo cho khách hàng. Bao giờ có khả năng thu hồi thì lại thu, còn không họ đã tự sử dụng nguồn trích lập dự phòng xử lý xong xuôi rồi”, ông Đức phân tích.
Có ý kiến cho rằng nhiều nước đã hình thành được thị trường mua - bán nợ, trong đó có cả nợ tốt và nợ xấu, ông Đức cho biết, đó đều là các thị trường tài chính văn minh, sòng phẳng, có nhiều kỹ thuật và nhiều biện pháp thực thi trong đó có cho phép dịch vụ đòi nợ thuê.
Do đó, nếu muốn tham gia vào thị trường mua - bán nợ, các công ty phải đáp ứng các điều kiện khắt khe, nhất là về điều kiện vốn. Trong khi trên thực tế hiện nay, các công ty mua - bán nợ không cần phải vốn lớn bởi họ có thể mua chịu khoản nợ từ phía ngân hàng, khi đòi được nợ thì họ trả, đòi được bao nhiêu thì trả một tỷ lệ tương ứng theo thỏa thuận của hai bên.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3/2021, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 1,867 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2020. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống không bao gồm cho vay liên quan đến nhà ở là 760.302 tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2020. Ngân hàng Nhà nước cũng đã xếp cho vay tiêu dùng vào nhóm lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro.