Cục Thuế tỉnh Hà Nam vừa ra quyết định cưỡng chế hóa đơn đối với Công ty CP Thành An 77 (địa chỉ xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng) vì nợ hơn 3,2 tỷ đồng tiền thế đã quá hạn nhưng chưa nộp theo quy định.

Quyết định cưỡng chế số 703/QĐ-CTHNA, ngày 11/6/2022 căn cứ vào thông báo tiền nợ thuế, phạt chậm nộp số 706/TB-CTHNA, ngày 26/6/2022 của Cục Thuế tỉnh Hà Nam.

Theo đó, Công ty CP Thành An 77 đã chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Cùng với Quyết định cưỡng chế Cục Thuế tỉnh Hà Nam đã ra thông báo ngừng sử dụng hóa đơn của Công ty CP Thành An, đồng thời yêu cầu Công ty ngày nghiêm túc chấp hành Quyết định không được sử dụng hóa đơn trong thời gian (1 năm) kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế.

g-1659094095.png
Nợ hơn 3,2 tỷ tiền thuế Công ty CP Thành An 77 bị cưỡng chế hóa đơn. Ảnh tư liệu TNMT

Công ty CP Thành An 77 được cổ phần hóa từ xí nghiệp Xi măng 77, vốn điều lệ 13,408 tỷ đồng, hoạt động chủ trong lĩnh vực sản xuất xi măng, vôi và thạch cao; khai thác cát, sỏi, đá, đất sét; buôn bán nhiên liệu; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng; cung ứng lao động; đại lý máy móc; vận tải hàng hóa. Ngày 23/7 vừa qua Công ty này vừa có thông báo thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Lần 2), người đại diện pháp luật của công ty là bà Nguyễn Thúy Phương, Tổng Giám đốc công ty, thay ông Nguyễn Đình Công đã hết nhiệm kỳ.

Năm 2017, Tổng Công ty Thành An (Bộ Quốc Phòng) chiếm tỷ lệ sở hữu 51% đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của mình cho cổ đông mới là Công ty CP Fujisan Việt Nam. Sau khi tiếp quản Thành An 77 được vài năm, tới thời điểm kết thúc năm 2021, Công ty này tiếp tục báo lỗ 7,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế đã vượt qua vốn chủ sở hữu hơn 14 lần. Nợ ngắn hạn là 151,6 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ vỏn vẹn 5,1 tỷ đồng (vượt 146,5 tỷ đồng).

Để cơ cấu lại Thành An 77 đã phải ngừng hoạt động kinh doanh chính, giảm lao động (chỉ còn 2 lao động), đồng thời đàm phán với các ngân hàng giảm và xóa một phần lãi vay.

Tuy nhiên tại báo cáo tài chính năm 2021, Kiểm toán viên đã ngoại trừ nhiều vấn đề trong việc nhập xuất hàng tồn kho, phương pháp tính giá trị xuất kho vật tư của Công ty từ năm 2016 chưa phù hợp nên giá trị hàng tồn kho thời điểm 1/1/2016 không phản ánh hợp lý và ảnh hưởng tới thời điểm 31/12/2021.Thêm nữa không thực hiện ghi nhận chi phí lãi vay hàng năm vào kết quả kinh doanh. Theo ước tính chi phí lãi vay cần ghi nhận lũy kế đến 31/12/2020 là 54,153 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay trong năm 2021 là 10,198 tỷ đồng. Các khoản vay ngắn hạn 45,1 tỷ, dài hạn 53, 7 tỷ đồng chủ yếu tại một số ngân hàng trên tỉnh Hà Nam chưa được thanh toán.

Theo lý giải của Thành An 77, giá trị hàng tồn kho (3,191 tỷ đồng) tại ngày 31/12/2021 không hợp lý là do các năm trước Công ty chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ nhập xuất hàng tồn kho và chưa có phương pháp tính giá trị xuất kho phù hợp dẫn đến có một số vật tư giá trị tồn khi tại thời điểm 2016 chưa chính xác. Về chi phí lãi vay, Công ty này cho rằng không ghi nhận chi phí lãi vay các năm trước cũng như trong năm 2021 vào kết quả kinh doanh trong năm để tránh ảnh hướng đến lợi nhuận của các năm khi Ngân hàng đồng ý giảm và xóa lãi vay cho doanh nghiệp.