Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - cho PV Dân trí biết như vậy hôm nay (7/1), khi trao đổi về vụ việc chuyến bay VN5311 bị dọa bắn hạ trên đường bay từ Nhật Bản về Hà Nội vừa qua.
Nghi phạm liên tục nói sẽ cho nổ máy bay, bắn hạ máy bay
Sau 2 ngày xảy ra vụ việc đe dọa an ninh với chuyến bay của Vietnam Airlines, đến nay tiến độ điều tra như thế nào và đã có thông tin bước đầu về danh tính nghi phạm chưa thưa ông?
- Cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn đang điều tra, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã vào cuộc và đang phối hợp với phía Nhật Bản.
Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào, bước đầu chúng tôi chỉ được biết là số điện thoại của nghi phạm gọi đến chi nhánh Vietnam Airlines đe dọa bắn hạ máy bay được xác định ở phía Bắc của Nhật Bản.
Cảnh sát đã đến chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản để làm việc với các nhân viên ở chi nhánh và nắm tình hình.
Ông có thể cung cấp thêm thông tin về diễn biến sự việc người đàn ông gọi điện đến chi nhánh Vietnam Airlines đe dọa an ninh chuyến bay ngày 5/1?
- Ngày 5/1, khi máy bay vừa rời Narita được 40 phút thì nữ nhân viên văn phòng là người Nhật tiếp nhận cuộc gọi đe dọa chuyến bay. Nghi phạm là đàn ông và liên tục nói sẽ cho nổ máy bay, bắn hạ máy bay.
Khi nhân viên chi nhánh tại Nhật Bản tiếp nhận cuộc gọi thì máy bay đã bay qua Vịnh Tokyo. Tất cả các thông tin an ninh an toàn khi tiếp nhận là phải xử lý ngay.
Chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản đã báo cáo nhanh vụ việc về Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tại Hà Nội. Tiếp đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam báo cáo vụ việc cho nhà chức trách Nhật Bản, Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan chức năng của Bộ Công an; đồng thời triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
Sau khi được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Vietnam Airlines xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng máy bay và hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.
Là Tổng Giám đốc của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, trực tiếp tham gia điều hành và xây dựng các phương án ứng phó khẩn nguy khi máy bay bị đe dọa an ninh, ông đánh giá như thế nào về vụ việc?
- Tôi cho rằng sự việc uy hiếp an toàn hàng không nhưng không phải là quá cao vì thực sự chúng tôi rất tin tưởng vào hệ thống an ninh hàng không nói chung của Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng các đối tượng vượt qua được hàng rào an ninh của Nhật là không dễ.
Trên thực tế, tình huống đe dọa an ninh này chưa từng xảy ra. Việc bắn hạ máy bay cũng là khó bởi khi đó máy bay đã bay bằng ở độ cao hơn 10.000 m, cơ quan an ninh đánh giá nếu bắn hạ máy bay cự ly đó thì phải sử dụng rocket hạng nặng.
Tuy nhiên, mọi thông tin liên quan tới an ninh an toàn đều phải xử lý như thật, mọi trường hợp đều không được phép lơ là, chủ quan.
Khi xảy ra sự việc, phi hành đoàn đã triển khai quy trình khẩn nguy như thế nào, nguyên tắc an ninh được bảo mật ra sao?
- Tình huống khẩn nguy được thông báo tới tổ bay từ nhà chức trách và cơ quan không lưu của Nhật Bản. Từ đó, tổ bay xin huấn lệnh của nhà chức trách sân bay nơi gần nhất để hạ cánh khẩn cấp.
Vào thời điểm đó, trên chuyến bay có 47 hành khách, trong đó có 3 khách người Nhật và 44 khách Việt bao gồm cả trẻ nhỏ. Phi hành đoàn có 15 người, trong đó có 12 tiếp viên và 3 phi công (2 cơ trưởng).
Theo chỉ đạo từ nhà chức trách Nhật Bản, tổ bay được lệnh thông báo với hành khách lý do kỹ thuật và máy bay sẽ hạ cánh xuống Fukuoka. Thông báo phát đi như vậy để đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối, đảm bảo trấn an tâm lý hành khách và tránh xảy ra tình huống bị rối loạn trên máy bay cũng như kế hoạch ứng phó.
Cùng lúc, chúng tôi đã làm việc với đơn vị mặt đất tại sân bay Fukuoka để sẵn sàng sơ tán hành khách rời máy bay, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, trường hợp phải ở lại Fukuoka thì cũng có phương án về khách sạn lưu trú…
Chuyến bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Fukuoka. Sau 2 tiếng nhà chức trách kiểm tra an ninh không phát hiện dấu hiệu nghi vấn, chuyến bay đảm bảo an toàn. Máy bay được tiếp nhiên liệu, bơm dầu và tiếp tục hành trình bay về Việt Nam.
Tôi đánh giá tổ bay đã thực hiện rất tốt quy trình khẩn nguy.
Vì sao máy bay không hạ cánh ngay khi bị đe dọa?
Với các tình huống đe dọa an ninh hàng không, phi công đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hành chuyến bay và xử lý tại chỗ, thậm chí thông tin tiếp nhận có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các thành viên tổ lái?
- Đúng như vậy. Việc quan trọng nhất là phải thông báo thật rõ ràng thông tin với tổ lái. Nếu phi công bị tâm lý hoặc mất bình tĩnh thì sẽ rất nguy hiểm cho máy bay và hành khách.
Thành viên tổ lái thực hiện chuyến bay VN5311 từ Nhật Bản về Việt Nam có 3 người, đều là người Việt, trong đó có 2 cơ trưởng và một cơ phó. Đây là các phi công thuộc đội bay Boeing, rất dày dạn kinh nghiệm, thường xuyên cầm lái các chuyến quốc tế và thông thuộc đường bay. Cơ trưởng chỉ huy có số giờ bay tích lũy là 24.615 giờ, cơ trưởng thứ hai có 11.986 giờ bay và cơ phó có số giờ bay là 1.499 giờ.
Khi xảy ra sự việc ngày 5/1, khi xây dựng phương án ứng phó chúng tôi cũng tính cả việc nếu tổ bay bị ảnh hưởng tâm lý thì sẽ phải thay thế. Do ở Fukuoka không có nhân sự phi công tại chỗ nên chúng tôi đã lên phương án đưa phi công bay từ Việt Nam sang. Tuy nhiên, tổ bay VN5311 có tâm lý ổn định và xử lý rất tốt.
Nhiều người theo dõi hình ảnh từ vệ tinh đã bình luận khi nhận được cuộc gọi đe dọa thì máy bay Vietnam Airlines đã bắt đầu đi vào Vịnh Tokyo nhưng không hạ cánh ngay ở sân bay gần nhất mà vẫn tiếp tục bay thêm 2 tiếng nữa để vượt qua Vịnh và đi vào Biển Đông. Vì sao lại như vậy thưa ông?
- Khi tiếp nhận cuộc gọi thì máy bay đã tới Vịnh Tokyo và tiếp tục bay chờ 2 tiếng trên trời. Tôi là người trực tiếp có mặt tại cuộc họp Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố để tham gia điều hành và xây dựng các phương án ứng phó.
Phải nói rõ thế này, sự việc xảy ra không phải muốn xử lý thế nào cũng được, phải đánh giá tình huống. Quá trình đánh giá an ninh như thế nào, quyết định ra sao là do nhà chức trách Nhật Bản.
Máy bay Việt Nam đang bay trong không phận của Nhật Bản nên hạ cánh ở sân bay nào, phương án xử lý ra sao là phải do nhà chức trách Nhật Bản quyết định. Chúng ta phải thực hiện theo chỉ đạo của nhà chức trách và không tự quyết định được, cũng không thể muốn hạ cánh ở đâu thì hạ.
Khi chưa có quyết định từ nhà chức trách thì phi công vẫn phải duy trì hoạt động bay bình thường. Về nguyên tắc, khi đã ở trên đường bay, đặc biệt là đường bay quốc tế thì không thể tự ý rẽ ngang rẽ dọc được.
Sân bay Fukuoka là nơi gần nhất và khi nhận được chỉ đạo từ nhà chức trách Nhật Bản thì tổ bay đã xin hạ cánh.
Có thông tin cho rằng khu vực tàu bay qua có căn cứ quân sự của Mỹ, việc này có đúng hay không?
- Không đúng, đây là đường bay quốc tế nên không đi qua khu căn cứ quân sự nào cả.
Một chuyến bay muốn khai thác thì phải được cấp phép, quy trình khai thác rõ ràng. Trên đường bay được cấp phép có quy định rất rõ về đường bay, mực bay bao nhiêu và hàng loạt yêu cầu với chuyến bay.
Xin cảm ơn ông!