Theo TS Phan Thị Bích Nga – viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong quá trình khám chữa bệnh cho trẻ, bà gặp rất nhiều trường hợp trẻ còi cọc, biếng ăn, chậm lớn vì những sai lầm của các bà mẹ trong việc cho con ăn dặm.
Nỗi ám ảnh mang tên biếng ăn
Đến khám tại Trung tâm Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh Dưỡng quốc gia, bé Đỗ Hoàng T. quê Bắc Giang, 2 tuổi nhưng chỉ nặng có 11 kg, da xanh xao. Mẹ của T. cho biết bé rất lười ăn. Vì thấy con lười ăn nên 2 tuổi mẹ của T. vẫn chưa muốn cai sữa cho con.
Ban ngày, mẹ của bé đi làm, T. ở nhà với bà nội chỉ uống chút sữa. Cháo nấu kiểu gì T. cũng không ăn. Khi bác sĩ hỏi ra, mẹ của bé T. cho biết trước khi đi làm chị thường chuẩn bị đồ ăn cho con. Thịt, rau, cháo cho vào máy xay sinh tốt xay nhuyễn nát và bỏ vào tủ lạnh tới bữa bà mang ra nấu nóng lên cho cháu ăn.
Mỗi lần đút cháo, bé T. lại ưỡn người ra không chịu ăn. Mẹ của bé cho biết nhiều lần cháo ăn không hết cứ nấu đi nấu lại dẫn đến loãng cả cháo ra nhưng T. vẫn không hợp tác.
Gia đình đã tìm đủ mọi cách để bé hay ăn hơn như là uống thuốc bổ, đổi món... Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng việc cho bé T ăn kiểu xay nhuyễn, nấu lẫn rau, thịt… sẽ rất khó ăn và cháo nồng. Người lớn ăn còn khó nếu ép trẻ chỉ làm trẻ sợ không ăn.
Rất nhiều bé đến khám trong tình trạng biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, có bé lại béo phì dù mới chỉ 1,2 tuổi.
Không chỉ ở Viện Dinh dưỡng, báo cáo của Bệnh viện Nhi trung ương có khoảng trên 30% trẻ 6 tháng - 3 tuổi biếng ăn.
Trong đó, các yếu tố bệnh lý tác động đến biếng ăn, chủ yếu do cách ăn, chế độ dinh dưỡng. Cách ăn sai lầm hay gặp nhất là cách cho trẻ ăn dặm chưa đúng nên thường xảy ra ở trẻ 6 tháng trở lên (ăn dặm) thậm chí chí đến 3-4 tuổi.
Những sai lầm hay gặp
Theo TS Nga, chế độ ăn dặm chưa hợp lý về số lượng và chất lượng dẫn đến trẻ không đủ năng lượng để phát triển và đặc biệt bị thiếu hụt các vi chất quan trọng cho phát triển chiều cao là vitamin A, Canxi (và D), sắt và kẽm.
Một số trường hợp có thời gian ăn dặm quá sớm, nhiều người cho trẻ ăn dặm khi 2-3 tháng là quá sớm, khuyến nghị là tròn 6 tháng. Trường hợp đặc biệt trẻ không dung nạp sữa tốt và bị suy dinh dưỡng có thể ăn sớm hơn nhưng cũng phải khi tròn 4 tháng, nếu ăn dặm trước đó không đủ men tiêu hóa trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa kéo dài và suy dinh dưỡng nặng.
Thời gian ăn dặm quá muộn, sau 6 tháng, chỉ bú mẹ vì trẻ lười ăn bột cháo điều này gây thiếu năng lượng và vi chất cần cho sự phát triển bình thường của trẻ vì giai đoạn này sữa mẹ không cung cấp đủ.
Nhiều bà mẹ chỉ sử dụng nước hầm xương và bột, ngoài ra không cho ăn thêm thịt, trứng, tôm cá: về điều này, gia đình có thể pha thêm nước hầm xương vào đồ ăn như bột, cháo, canh của trẻ nếu trẻ thấy ngon miệng hơn, tuy nhiên lưu ý là không có giá trị dinh dưỡng trong nước hầm xương vì không có canxi, đạm ở đây.
Việc xay nhuyễn, hầm thịt rồi rây, lọc chỉ còn rất ít cái, hoặc chỉ ninh nước nấu bột đây là quan niệm sai lầm. Nếu xay nhuyễn như vậy các chất bổ như đạm, bột bị giữ lại trong bã bị bỏ đi, khiến hiệu quả dinh dưỡng không cao. Cần thay đổi là xay nghiền nhỏ cả thịt, cá, hoặc đánh trứng tra vào quấy bột hòa lẫn nước để trẻ có thể ăn cả nước lẫn cái mới lấy đủ dinh dưỡng.
Nhiều sai lầm mà mẹ hay mắc phải nữa đó là khi cho trẻ ăn dặm không cho hoặc cho quá ít dầu mỡ vào bát bột, cháo của trẻ gây thiếu năng lượng khẩu phần cho trẻ: mỗi bữa ăn của trẻ mới ăn dặm đã khuyến nghị từ 2,5-5ml dầu mỡ, trẻ gần 1 tuổi phải tăng lượng dầu mỡ 10-15ml/bữa. Thiếu thành phần này sẽ không hấp thu được vitamin D, A là những yếu tố rất cần cho phát triển chiều cao.
Nhiều gia đình sợ tôm cá, kiêng không cho trẻ ăn tanh vì sợ trẻ tiêu chảy điều này khiến chế độ ăn của trẻ thiếu hẳn nguồn cung cấp can xi và các yếu tố vi lượng cần cho chiều cao. Khi trẻ ho, tiêu chảy vẫn ăn được bình thường. Chỉ trong những trường hợp dị ứng cá, tôm, cua ở một số cơ địa dị ứng đồ tanh (tỷ lệ rất thấp) thì mới cần kiêng.