Khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, có những nhóm chị em phụ nữ vẫn lặng lẽ chuẩn bị từng suất ăn, chai nước mát,…rồi kêu gọi đóng góp các thiết bị y tế trị giá hàng chục triệu đồng hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch.
Không ai bảo ai, họ đều tâm niệm “giúp người cũng là giúp chính mình” tự nguyện, lặng lẽ san sẻ, lan toả yêu thương khắp TP.
Mọi tin nhắn cần hỗ trợ đều được hồi đáp
Hơn 2 tuần nay, căn bếp nhỏ của gia đình chị Đan Hà ở Quận 7 luôn đỏ lửa từ 5 giờ sáng để mỗi ngày nấu hàng trăm suất ăn tặng y bác sĩ, bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19. Chỉ cần các bác sĩ nhắn “cần suất ăn cho nhân viên y tế”, chị Hà ngay lập tức lên kế hoạch, mua nguyên liệu nấu các phần bún, súp,…theo yêu cầu. Mỗi ngày, bếp còn có thêm 300 phần đồ ngọt cho bữa trưa, 100 phần cháo dinh dưỡng tặng các bệnh nhân nhi.
Ít ai biết, mọi công đoạn từ sơ chế, chế biến tới đóng hộp chỉ có ba mẹ con chị Hà chia nhau làm. Dù vất vả, nóng nực nhưng ai cũng vui vì được đóng góp cho tuyến đầu chống dịch. Nhớ lại những ngày khởi động bếp ăn, chị dự tính chỉ nấu trong hai ngày do kinh phí có hạn. Nhưng thấy chị làm, bạn bè, người thân đã góp tiền, hỗ trợ nguyên liệu và bếp tiếp tục được duy trì, tới nay đã là buổi thứ 17. Có ngày, chi phí suất ăn lên tới 16 triệu đồng nhưng chị Đan Hà vẫn cố đảm bảo để không ai bị thiếu phần.
“Ban đầu tôi cũng không nghĩ là sẽ vận động ai mà tự làm được bao nhiêu thì sẽ làm. Thế nhưng, bếp ăn đã có sự lan toả tới bạn bè ngoài đời, những người bạn trên mạng xã hội cùng đồng hành. Sau khi bàn bạc, ba mẹ con đã quyết định sẽ tiếp tục duy trì bếp ăn cho tới khi hết kinh phí”, chị Hà nói.
Song song với việc hỗ trợ các suất ăn; nhiều hội, nhóm phụ nữ tại TP.HCM đã liên kết và tạo thành mạng lưới chia sẻ thiết bị y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tiêu biểu là hoạt động của Hội quán Các Bà Mẹ TP.HCM và các nhóm Những người yêu Sài Gòn, Chia sẻ Sài Gòn, Yêu Sài Gòn…
Chị Nguyễn Thị Thanh Thuý - Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ TP.HCM cho biết, chương trình được khởi động vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TP ghi nhận hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày. Lúc này, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 được thành lập và nhiều bệnh viện gửi tin nhắn mong muốn Hội quán hỗ trợ các thiết bị y tế.
Xuất phát từ sự thấu hiểu, cảm thông khi cũng có người thân làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong thời điểm dịch bệnh, các dì, các chị của Hội quán dù thiếu chuyên môn về thiết bị y tế vẫn hăng hái học hỏi, tìm tòi để hỗ trợ.
Chỉ vài ngày sau khi kêu gọi trên mạng xã hội, Hội quán Các Bà Mẹ và các nhóm Yêu Sài Gòn hỗ trợ các bệnh viện dã chiến 11.000 khẩu trang N59, 200 bộ trang phục bảo hộ cấp 3, nhiều máy thở, 5 máy lọc nước, 100 bình nước, 30 máy SPO2…trị giá hơn 3 tỷ đồng và không biết bao nhiêu ngàn suất ăn cho tuyến đầu.
Đến nay, những người yêu mến Sài Gòn từ khắp mọi miền Tổ quốc vẫn gửi về Hội quán những món quà, lời động viên để ủng hộ đội ngũ y bác sĩ. Chị Nguyễn Thị Thanh Thuý chia sẻ, cứ nhận được tin nhắn cần hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân là Hội quán tìm đủ cách xoay sở để làm được.
"Khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ, nhà nước đã có sự chuẩn bị nhưng số lượng ca bệnh tăng nhanh nên Hội quán Các Bà Mẹ TP.HCM muốn tiếp sức. Chúng tôi tâm niệm, việc vận động, hỗ trợ cho các bác sĩ cũng chính là lo cho người thân của mình và cả những bệnh nhân đang điều trị để giảm áp lực cho ngành y tế. Mỗi người đều có những cách đóng góp khác nhau nhưng ai cũng gửi kèm lời chúc sức khoẻ, bình an để tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch”, chị Thuý cho biết.
Sự bình dị nghĩa tình
Chị Phương Trang ở Quận 8 có một nhóm thiện nguyện chuyên đi làm việc thiện ở nhiều nơi. Đợt dịch này, thông qua kết nối của Hội quán Các Bà Mẹ TP.HCM, nhóm của chị đã kịp thời hỗ trợ một số trang thiết bị như máy hút đàm, bộ chia oxy…để phục vụ công tác theo dõi, điều trị cho bệnh nhân ở một số bệnh viện.
Chị Trang cho rằng, các dì, các chị trong Hội quán luôn theo sát những nơi khó khăn, kể cả các bệnh viện dã chiến nên sự kêu gọi hỗ trợ luôn thiết thực, kịp thời và ấm áp.
“Tôi nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ phía các bác sĩ tuyến đầu, thực sự họ rất cảm động. Nếu không có những người thiện nguyện như Hội quán Các Bà Mẹ hoặc các nhóm, quỹ thì sức khoẻ của nhân viên y tế cũng không thể đảm bảo để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Với họ, đó không phải là bộ đồ bảo hộ hay một trang thiết bị, đó là nghĩa tình", chị Trang bày tỏ.
Có lẽ chưa bao giờ sự tương trợ, chia sẻ của các tầng lớp nhân dân lại mạnh mẽ và rộng khắp như thế này, trong đó có các hội, nhóm phụ nữ. Từ khu dân cư cho tới những con hẻm, các chị em phụ nữ đã chia lửa để nhóm lên nhiều bếp ăn tình thương. Có thể kể tới mô hình “Cơm nhà” của các chị em tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM gửi đến lực lượng chống dịch ở Quận 3, bếp “Bà bầu” giúp người nghèo ở quận Tân Bình, nhóm “Giúp dân đi chợ” của phụ nữ quận Bình Thạnh,…
Ngoài ra, hàng trăm gian hàng 0 đồng của Hội Phụ nữ các phường cũng được tổ chức để hỗ trợ người dân khó khăn. Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM rất trân trọng và ghi nhận những hoạt động của các nhóm thiện nguyện nữ. Trách nhiệm của Hội là tiếp tục bồi dưỡng, hỗ trợ để các bếp ăn tiếp tục được nhân rộng. Về hoạt động hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, tôi cho rằng, cả TP và người dân phải đồng tình, chia sẻ".
Giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, tấm lòng thiện nguyện của phụ nữ TP.HCM chính là những thông điệp yêu thương, tiếp thêm sức mạnh để cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Mai đây, khi TP trở về trạng thái bình thường mới, họ sẽ quay lại với nhịp sống hàng ngày, tiếp tục đi vận động trồng cây xanh, mua sách cho trẻ em nghèo… hay giản dị hơn là được quây quần bên bữa cơm đón người thân trở về từ tuyến đầu chống dịch./.