Hầu hết phụ nữ nông thôn đều mong muốn có cơ hội mưu sinh ngay tại chính quê nhà, nhưng ruộng đất ngày càng thu hẹp, cơ hội việc làm khó khăn. Gánh nặng cuộc sống khiến nhiều phụ nữ phải rời quê lên thành phố tìm việc.
Kết quả nghiên cứu được công bố tại Hội thảo khoa học “Nhóm phụ nữ di cư” do Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức tại TP HCM cho thấy, phụ nữ di cư chủ yếu tham gia vào các công việc làm thuê (36,1%); buôn bán (24,6%); lao động giản đơn (21%); nội trợ (9,1%); công nhân viên chức (9,1%). Về trình độ chuyên môn của phụ nữ di cư chưa qua đào tạo chiếm 83,7%, đào tạo ngắn hạn chiếm 5,7%, phần nhỏ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Về thu nhập trung bình của phụ nữ di cư ở các tỉnh được khảo sát chỉ khoảng 3,1 triệu đồng và 81,8% thu nhập của phụ nữ di cư đều bị giảm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới. Họ ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới, chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử. Họ không có nghề nghiệp gì trong tay; Phụ nữ di cư mang theo rất nhiều trách nhiệm và nhiều rủi ro. Họ luôn ở tâm thế là người lao động tự do yếu thế, chính vì vậy họ luôn ngại tiếp xúc với những gì chính thống. Chính vì vậy những chính sách dịch vụ phúc lợi công không đến được với họ.
Đến từ nhiều vùng quê khác nhau và không hề có bất cứ mối liên hệ nào, nhưng những người phụ nữ nằm trong nhóm "nữ lao động di cư" đều có đặc điểm chung là có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để mưu sinh, họ buộc phải rời quê hương đến thành phố hoặc vùng đất khác lập nghiệp. Dù có vất vả đến đâu, thì từ bỏ hay bỏ cuộc chưa bao giờ là điều xuất hiện trong suy nghĩ của họ.
Mạng lưới hành động vì lao động di cư chia sẻ và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn
Một sự thật dễ thấy là, phụ nữ di cư dễ bị tổn thương hơn nam giới, do phải đối mặt với nhiều cám dỗ, rủi ro thị trường nơi họ làm việc. Họ cũng dễ rơi vào cạm bẫy của nạn mua bán người, nội tạng, trở thành nô lệ tình dục, hoặc di cư có tổ chức bằng con đường hôn nhân với người nước ngoài. Tại căn phòng trọ chưa đầy chục mét vuông tại làng Ngọc Hà (Hà Nội), nơi trở về ngả lưng sau ngày lao động giúp việc của sáu phụ nữ cùng quê Lý Nhân, chị Nguyễn Thị Thu với hơn 10 năm đi giúp việc, cho biết: Không ai trong số họ dám nhận công việc cố định bởi thoắt cái, ở quê lại gọi về giỗ chạp, ma chay, cưới xin! Tuy có vất vả nhưng tháng cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng. Trong xã, các xưởng may tư nhân, sản xuất trang sức cũng đã mọc lên, nhưng chỉ thu hút được những đối tượng phụ nữ không thể đi làm xa, lớn tuổi, với thu nhập từ bốn đến bốn triệu rưỡi/tháng. Chị Thu kể, ở trong những căn nhà trọ tồi tàn thiếu tiện nghi sinh hoạt cần thiết này, mùa đông lạnh giá, mùa hè nóng như nung. Năm nào cả khu trọ cũng bị những trận dịch bệnh: sốt siêu vi, sốt xuất huyết hoành hành. Ốm không ai chăm sóc, các chị đành phải về quê mang theo ổ dịch về làng. Khu trọ be bé nhưng chứa lắm phận người. Tình hình an ninh trật tự phức tạp, có chị ki cóp nhịn ăn, nhịn tiêu dành dụm được số tiền chuẩn bị gửi về nhà thì trộm vào khoắng sạch. Người lên Hà Nội, để lại quê đứa con gái cho ông bà nội, đến khi nghe tin con gái học lớp 8 có thai, đành bỏ về chăm con cháu. Có chị phải vay tiền tín dụng đen để chồng trả nợ ở quê nhà, rồi lâm vào cảnh nợ chồng nợ.
33 năm trước, cô gái trẻ Đỗ Thị Hồng đã quyết định tạm biệt vùng quê nghèo ở xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định để đưa người mẹ đang bị bệnh nặng lên Hà Nội tìm việc và chữa bệnh. Không bằng cấp, không kinh nghiệm, Hồng chỉ có thể xin làm những công việc lặt vặt như rửa bát thuê, phục vụ trong quán ăn, bán hàng rong với thu nhập không ổn định. Sau cùng, cô quyết định gắn bó với nghề thu mua đồng nát bởi công việc này không bị giới hạn về mặt thời gian, cô có thể tranh thủ tạt qua nhà giữa những ca làm để chăm sóc người mẹ đang bị bệnh nặng.
Hơn 30 năm trôi qua nhưng Hồng vẫn không thể mua nổi một căn nhà. Hai mẹ con cô vẫn sống tạm bợ qua ngày trong căn phòng trọ chật hẹp ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội Hồng cho biết, phần lớn thu nhập hàng tháng của cô đều dành để chữa bệnh và mua thuốc cho mẹ, số còn lại cũng đủ để 2 mẹ con chi tiêu tiết kiệm qua ngày. Cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng không quá khó khăn vì cô vẫn còn có việc làm và vẫn sống được nhờ công việc đó. Nhưng hơn 2 năm trước, mọi thứ đều bị đảo lộn khi dịch bệnh xuất hiện đã khiến những người làm nghề tự do như Hồng bị ảnh hưởng nặng nề.
"Những ngày giãn cách xã hội, không thể đi làm, không có tiền mua gạo, mẹ con tôi mỗi ngày chỉ dám mua 5.000 bún để ăn. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng sẽ có lúc mình ở trong hoàn cảnh như vậy", Hồng chia sẻ.
Khó khăn không khiến Hồng chán nản và đầu hàng mà lại càng khiến cô trở nên mạnh mẽ hơn. Trong thời gian giãn cách xã hội, Hồng tìm đến những điểm phát đồ từ thiện cho người nghèo để xin hỗ trợ. Khi cuộc sống trở lại bình thường, cô nhanh chóng quay trở lại với công việc, còn tham gia thêm mạng lưới hành động vì lao động di cư - Mnet với mong muốn có một cộng đồng để chia sẻ và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.
"Phụ nữ làm những ngành nghề tự do vốn đã vất vả, nhưng vừa làm nghề tự do, vừa xa quê hương, chưa có nhà cửa và phải ở trọ mấy chục năm trong những khu trọ tồi tàn như chúng tôi lại càng vất vả hơn. Tôi rất muốn làm gì đó để giúp mình và những người cùng hoàn cảnh có thêm động lực để vượt qua khó khăn", Hồng nói.
Hỗ trợ nữ lao động di cư vượt qua khó khăn
Dù di cư lao động có thể tạo thêm cơ hội giúp gia tăng quyền năng của phụ nữ tại Việt Nam như mang đến cho họ cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn…, nhưng theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), những tác động tích cực của di cư có thể bị hạn chế khi phụ nữ có ít sự lựa chọn. Với những giới hạn nhất định về sức khỏe, trình độ, thời gian dành cho gia đình, những lao động di cư là phụ nữ thường có ít sự lựa chọn hơn nam giới. Sự phân hóa này lại càng rõ ràng hơn đối với các lao động nữ không qua đào tạo, không có bằng cấp và thiếu kỹ năng, bởi vậy họ khó có thể tiếp cận được những sự hỗ trợ.
Theo bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, lao động nữ di cư dễ bị tổn thương hơn nếu xảy ra bạo lực, lạm dụng và bóc lột trong toàn bộ chu trình di cư của họ.
Dịch bệnh từ khi xuất hiện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm và thu nhập của hơn 32,1 triệu người lao động. Trong đó thu nhập bình quân của những lao động phi chính thức thường giảm nhiều hơn so với lao động chính thức, nhưng họ lại không có bảo hiểm xã hội, không được trợ cấp thất nghiệp, ít có cơ hội việc làm mới và khó tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.
Để giúp đỡ những nữ lao động di cư, nhiều tổ chức xã hội đã thực hiện các dự án, chương trình nhằm hỗ trợ những nữ lao động di cư vượt qua khó khăn và sớm ổn định cuộc sống.
Các buổi tọa đàm, hội thảo dành cho nữ lao động di cư cũng được tổ chức để thông qua các tổ chức đại diện, họ có thể góp thêm tiếng nói và chia sẻ mong muốn của mình. Bà Nguyễn Thu Giang, Phó giám đốc Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng - một tổ chức phi chính phủ hoạt động phi lợi nhuận và nhân đạo, cho biết, khi tiếp xúc với nhiều nữ lao động di cư làm nghề tự do, bà cảm thấy buồn khi nghe họ chia sẻ rằng, họ hầu như không hoặc khó tiếp cận với những sự hỗ trợ. Những lúc như vậy, bà thường động viên họ nên giữ sự kiên trì và đừng bao giờ bỏ cuộc.
Bà Nguyễn Thu Giang, Phó giám đốc Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng chia sẻ: "Chúng tôi đang vận động để đưa quyền lợi của các nhóm yếu thế, trong đó có nữ lao động di cư vào trong những quy định thường kỳ của Chính phủ nhằm hướng tới đích cuối cùng là giải quyết bài toán an sinh cho toàn dân, để không ai bị đói và cảm thấy bị bỏ rơi vào bất kì thời điểm nào".
"Không ai biết có còn xảy ra những đại dịch nào khác không. Chúng tôi cũng đang vận động để đưa quyền lợi của các nhóm yếu thế, trong đó có nữ lao động di cư vào trong những quy định thường kỳ của Chính phủ nhằm hướng tới cái đích cuối cùng là giải quyết bài toán an sinh cho toàn dân, để không ai bị đói và cảm thấy bị bỏ rơi vào bất kì thời điểm nào", bà Thu Giang nói.
Để hỗ trợ phần nào những mong muốn chính đáng của phụ nữ di cư, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, ViệnTrưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới chỉ ra rằng: "Cần đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư rất quan trọng nhưng quan trọng đào tạo nghề phải gắn với việc làm, nếu chỉ đào tạo họ sẽ không quan tâm, hứng thú vì không hiệu quả, thiết thực. Ngoài ra, những chính sách cho phụ nữ di cư phải cụ thể, thiết thực như vấn đề nhà ở, sử dụng dịch vụ công, sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh một cách thuận lợi và phù hợp với tính chất việc làm của họ. Cuối cùng là mở rộng các khu vui chơi, thể thao, giải trí của thành phố, với người lao động có thể mở miễn phí để họ tham gia"./.