Để gìn giữ nguyên vẹn những kỉ vật thiêng liêng về Bác cũng như phát huy các giá trị di sản văn hóa vô giá của dân tộc có công rất lớn của đội ngũ cán bộ và nhân viên nơi đây. Ngày qua ngày, họ cứ lặng lẽ, cần mẫn cống hiến hết mình bằng cả trái tim yêu thương, nhiệt huyết mà mọi người trân quý gọi đó là "người giữ lửa" cho di tích lịch sử, hay những “Chiến sĩ” trên “mặt trận văn hóa”. Họ là những con người luôn gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy và có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả.
Khu Di tích Kim Liên là một quần thể rộng nằm ngoài trời, trên địa bàn các xã Kim Liên và Nam Giang của huyện Nam Đàn, gồm có cụm di tích Hoàng Trù và Làng Sen, hệ thống nhà trưng bày, khu tưởng niệm, khu mộ bà Hoàng Thị Loan và các di tích phụ cận. Vì thế, công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong không gian văn hóa Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên còn gặp nhiều khó khăn. Các điểm di tích nằm rải rác, lại tồn tại trong khu vườn nhiều cây cối nên dễ bị côn trùng, mối mọt xâm hại. Hàng trăm tài liệu hiện vật, kỷ vật có giá trị đang lưu giữ, trưng bày ở Khu di tích có nhiều chất liệu khác nhau, chủ yếu là gỗ, tranh, tre, nứa, lá rất dễ cháy, hư hỏng. Hơn nữa, ở đây, các di tích vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa đón tiếp khách tham quan. Lượng khách đến tham quan vào mùa cao điểm lên đến hàng trăm đoàn với hàng chục nghìn lượt người mỗi ngày. Do đó, di tích vừa phải chịu áp lực lớn từ khí hậu khắc nghiệt của xứ Nghệ, vừa chịu ảnh hưởng lớn từ phía con người gây khó khăn trong việc bảo quản, giữ gìn lâu dài. Công tác bảo quản luôn phải tiến hành theo quy trình nghiêm ngặt, liên tục hàng ngày; kết hợp giữa bảo quản thông thường và bảo quản khoa học; giữa bảo quản ngắn hạn và dài hạn; bảo quản trong môi trường ngoài trời, không điều hòa nhiệt độ cùng với chế độ tu bổ định kỳ, chống xuống cấp di tích.
Mặc dù có nhiều khó khăn, vất vả nêu trên nhưng với tâm niệm: “Chăm sóc di tích, hiện vật là thể hiện lòng kính yêu đối với Bác, được chăm sóc ngôi nhà của Bác là niềm vinh dự lớn lao”, cán bộ, nhân viên Khu Di tích Kim Liên đã luôn tận tụy hết mình, chủ động tìm những biện pháp khắc phục khó khăn để giữ gìn tốt các di tích, tài liệu, hiện vật, cảnh quan môi trường trong vườn, nhà Bác. Ngày ngày, các cán bộ bảo quản thường đến sớm hơn để quét dọn, lau chùi hiện vật, di tích sạch sẽ trước giờ mở cửa đón khách. Mùa đông giá rét cũng như ngày hè nắng nóng, các anh chị chưa một ngày chậm trễ với công việc trực tiếp chăm sóc, gìn giữ những kỉ vật thiêng liêng về quê hương, gia đình Bác cũng như phần mộ những người thân của Người. Để nhà Bác luôn sạch đẹp, ít ai biết được đằng sau đó là cả một sự nỗ lực cống hiến của những cán bộ, nhân viên làm công tác bảo quản. Nhiều người vừa làm công việc bảo quản tại nhà tưởng niệm Bác Hồ vừa kiêm nhiệm cả công tác loa máy, dâng hương phục vụ cho các đoàn làm lễ báo công. Nếu không có tình yêu chân thành và lòng tri ân Bác sâu sắc, không có tinh thần trách nhiệm thì chắc chắn không thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và càng không thể gìn giữ lâu dài các di tích lịch sử của quê hương, đất nước.
Mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ nằm trên núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ có độ cao hơn 100m so với mực nước biển. Mỗi ngày, các anh chị phải đi đường lên với 262 bậc, đường xuống 266 bậc, không quản ngại nắng mưa. Khí hậu khô nóng nên nguy cơ dễ cháy rừng, họ thường trực trên núi để phòng chống cháy, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu mộ Bà. Nếu không trực tiếp chứng kiến thì chúng ta không thể hình dung hết được nỗi khó khăn, vất vả mà những cán bộ làm việc nơi đây đã trải qua. Thế nhưng với họ, hàng ngày được chăm sóc chu đáo, hương khói cho phần mộ những người thân của Bác là niềm hạnh phúc, vinh dự lớn lao. Bên cạnh công tác bảo quản, công việc tôn tạo và phát huy tác dụng một "địa chỉ đỏ" về giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng đang được cán bộ, nhân viên Khu Di tích Kim Liên nỗ lực thực hiện, thể hiện lòng thành kính đối với Bác Hồ. Đặc biệt, Ban Giám đốc Khu di tích luôn coi công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên rất quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích; chú trọng công tác sưu tầm kiểm kê tư liệu, nghiên cứu chỉnh lý trưng bày để phát huy cao nhất giá trị của hiện vật và phục vụ đông đảo du khách về tham quan, tìm hiểu, học tập về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đội ngũ thuyết minh ở Khu Di tích đã thực sự là "Cầu nối" quan trọng, "truyền tình cảm và linh hồn từ hiện vật đó tới người nghe, người xem". Với chất giọng xứ Nghệ ngọt ngào, trầm ấm, những người thuyết minh, hướng dẫn đã làm "sống dậy cả một hồn quê", đưa du khách vào "thế giới của thiêng liêng" đầy cảm xúc và niềm tự hào. Với 17 người, đội ngũ thuyết minh đảm nhận ở các điểm: Di tích Hoàng Trù, di tích làng Sen, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, khu mộ bà Hoàng Thị Loan và di tích phụ cận. Mặc dù giữa những ngày hè gió Lào bỏng rát, trong tà áo dài sen hồng thướt tha, các chị vẫn say sưa kể chuyện về Bác cho nhiều đoàn khách. Mong muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, các thuyết minh viên đã tích cực tự học, nghiên cứu, đọc nhiều tư liệu, trang bị vốn kiến thức phong phú và chuyên sâu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác để chuyển tải được đầy đủ nội dung đến du khách. Không chỉ giới thiệu tại các di tích, các chị còn tuyên truyền qua nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề ở các trường học, các cơ quan, đơn vị; tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc triển lãm có quy mô và ý nghĩa thiết thực, thuyết minh trực tuyến, viết chuyên đề nghiên cứu, viết bài đăng báo, tạp chí và trang webside; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ cho học sinh… Ngoài ra, các chị còn thường xuyên trau dồi kỹ năng thuyết minh, nói "đúng, đủ, rõ, hay" làm sao để du khách cảm nhận một cách chân thực, xúc động những kỷ niệm thời niên thiếu và hai lần Người về thăm quê, thẩm nhận đầy đủ những giá trị to lớn về tư tưởng, phong cách, nhân cách, tình cảm mà Bác và những người thân để lại qua các di sản. Đã có nhà báo gọi các chị là “những người làm sống động Khu di tích Kim Liên”. Bên cạnh đó, thấm nhuần lời Bác Hồ dạy "Học thêm được một thứ tiếng nước ngoài coi như có thêm một chìa khóa để mở thêm một kho tàng tri thức", mỗi cán bộ thuyết minh đã tự ôn luyện năng lực ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Lào để chuyển tải thông điệp một cách chính xác cho khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong quá trình hình thành và phát triển Khu Di tích Kim Liên, cùng với đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, bộ phận làm công tác hành chính, tổng hợp cũng đã góp phần đắc lực trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản tại quê hương Bác. Các anh chị đã đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng với sự nhanh nhạy, chính xác, năng động, kịp thời và hiệu quả: Tham mưu công tác phối hợp các lực lượng phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt, an ninh trật tự, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, hiện vật di tích và khách tham quan; đảm bảo các điều kiện vật chất và kỹ thuật; tổ chức cán bộ, kế hoạch tài vụ, hậu cần; lên kế hoạch tổ chức chu đáo các lễ giỗ người thân Bác Hồ, đặc biệt là lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước... Những cán bộ phụ trách trực tiếp công tác an ninh trật tự, điều hành sắp xếp ở các bãi xe; công tác kĩ thuật - phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt ở các điểm di tích cũng nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thành lập từ năm 1956 đến nay, Khu Di tích Kim Liên hầu như chưa ngày nào vắng khách. Hằng năm, Khu di tích đón từ 1,7 đến 2 triệu lượt người. Đặc biệt cao điểm trong 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay (từ 29/4/2023 - 01/5/2023) đã có gần 50.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế về với Khu Di tích Kim Liên - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã khẳng định sự nỗ lực, cống hiến không ngừng của tất cả cán bộ, nhân viên nơi đây và sức hấp dẫn từ những giá trị sẵn có của Khu di tích.
Cho đến hôm nay, các di tích, hiện vật đã trải qua thời gian trên một thế kỷ nhưng vẫn luôn được bảo quản, gìn giữ chu đáo. Du khách về thăm đều tỏ lòng biết ơn những con người đã thầm lặng "giữ lửa", "giữ hồn" dân tộc để những di tích, kỷ vật thiêng liêng vẫn như còn hơi ấm của Bác và sống mãi với thời gian, để các thế hệ người Việt Nam hiểu được sâu sắc hơn về quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên Khu di tích Kim Liên làm việc không chỉ bằng niềm vinh dự, tự hào mà còn bằng cả trái tim đầy tâm huyết, tin yêu, luôn thiết tha mong muốn "giữ lửa ấm" cho di tích, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc với tình cảm sâu nặng đối với Bác Hồ kính yêu. /.