Thùng rỗng kêu to
Với tiềm năng, lợi thế tự nhiên rừng trời ban, Nghệ An đủ sức vươn tầm trở thành thủ phủ lâm nghiệp của cả nước, trong đó huyện miền núi Quế Phong được xem là hạt nhân. Nhưng đời không như là mơ, thay vì được thụ hưởng thành quả ngọt ngào, huyện nghèo này đang phải gồng gánh hệ lụy do quá trình quy hoạch đầy cảm tính và trách nhiệm hời hợt của các chủ đầu tư.
Chẳng hẹn mà gặp, sau hơn 10 năm nhìn lại, các dự án lâm nghiệp đình đám một thời đều bộc lộ vấn đề nghiêm trọng, hậu quả để lại vẫn đeo đẳng đến tận ngày hôm nay.
Để phục vụ cho Thanh Thành Đạt, Cty TNHH Innov Green, Cty CP Đầu tư tài chính và BĐS Việt, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm, chính quyền huyện Quế Phong cùng các cơ quan chuyên ngành, chức năng đã phải trầy trật, lao tâm khổ tứ thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, vận động, tuyên truyền, giải quyết vướng mắc… Đi kèm với đó, cơ man ha rừng màu mỡ đã được bóc tách, nhiều vị trí khác chìm nghỉm trong quy hoạch treo, đời sống của đồng bào vùng liên đới bị xáo trộn, bi thương.
Đầu tiên, phải kể đến Dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính bất động sản Việt với quy mô trên 15.478ha, tập trung tại 5 huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Con Cuông. Từ 2011-2016, kế hoạch sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng và trồng rừng, từ năm 2016 trở đi khai thác rừng và tiếp tục trồng rừng các chu kỳ tiếp theo. Dự án được gia hạn tiến độ thực hiện tại Quyết định số 5813/QĐ-UBND ngày 10/12/2015, thời gian gia hạn đến 10/12/2017. Được ưu ái là vậy nhưng tham vọng của doanh nghiệp này mông lung như mây gió bởi ghi nhận đến năm 2019, tại Quế Phong, dự vẫn án chưa triển khai trên thực địa với lí do UBND tỉnh chưa cho thuê đất.
Trong khi đó, Dự án trồng cây hồng, cây tếch của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm cũng chung số phận hẩm hiu. Được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu từ tháng 6/2010, sau chục năm, doanh nghiệp vẫn chẳng mặn mà triển khai các thủ tục liên quan về đầu tư, tiến độ thực hiện quá chậm. Vì vậy, Sở KH-ĐT Nghệ An thống nhất với ý kiến của UBND huyện Quế Phong và các đơn vị liên quan đề nghị UBND tỉnh hủy bỏ quy hoạch vùng nguyên liệu.
Đặt niềm tin và kỳ vọng lớn vào doanh nghiệp, sau hơn 10 năm thành quả thu về quá xót xa. Để sửa sai và ngăn thất thoát tài nguyên rừng, tỉnh Nghệ An đang khẩn trương đốc thúc đánh giá, thu hồi, dù vậy số đông doanh nghiệp vẫn ra sức trì hoãn, bởi lẽ "giữ đất là thắng lợi".
Tham vọng của Thanh Thành Đạt đến đâu?
Thanh Thành Đạt nằm trong số ít các nhà đầu tư vẫn bám trụ tại địa bàn Quế Phong thông qua công tác trồng rừng nguyên liệu, tín hiệu này chưa hẳn đã vui nếu nhìn vào những hệ lụy mà doanh nghiệp này gây ra.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Dự án trồng rừng nguyên liệu và khoanh nuôi bảo vệ tại xã Nậm Giải, Nậm Nhóong, Quang Phong của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt bị UBND tỉnh Nghệ An nêu đích danh tại Công văn số 9346/UBND-CN về “chậm tiến độ”.
Để giải quyết, một mặt tỉnh giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Quế Phong thu hồi phần diện tích khoảng 70ha tại thửa số 51, tờ bản đồ số 2 do chồng lấn với các hộ dân trồng keo. Mặt khác lại cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án để thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư với mục tiêu nhằm đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất?.
Dù được ưu ái hết mức nhưng Thanh Thành Đạt chưa cho thấy xứng đáng với kỳ vọng. Trên thực tế đơn vị này đã ngó lơ chỉ đạo của tỉnh Nghệ An cũng như chẳng phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý vướng mắc, tồn đọng.
Điều này được thể hiện qua Công văn số 3693/STNMT-QLĐĐ của Sở TN-MT vào ngày 27/6/2022: Theo báo cáo của UBND huyện Quế Phong, đến nay Công ty TNHH Thanh Thành Đạt chưa tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao (chưa rà soát, bàn giao diện tích rừng tự nhiên không trồng rừng về cho địa phương quản lý; chưa làm việc với UBND huyện Quế Phong để thống nhất cách thức triển khai dự án; chưa hoàn thiện các thủ tục để bàn giao 70ha rừng chồng lấn).
Nhìn lại đường đi nước bước của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt sau hơn 10 năm trồng rừng quả thực chẳng khác nào “mê hồn trận”, mọi thứ thay đổi xoành xoạch chẳng biết đâu mà lần. Đáng nói, diện tích che phủ rừng vô cùng hạn hẹp, chưa kể lại triển khai theo dạng cắc bụp, ngắt quãng liên hồi. Ghi nhận đến ngày 16/9/2021, doanh nghiệp này mới hoàn thiện các thủ tục thuê đất trên quy mô 1.722ha tại địa bàn xã Quang Phong, Nậm Nhóong, Nậm Giải. Diện tích 1.377ha còn lại không tiến hành đo đạc, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tại Nậm Giải, năm 2013 Thanh Thành Đạt trồng mới 150ha rừng nguyên liệu, chất lượng rừng trồng thấp. Tại Quang Phong, đến ngày 15/9/2021 mới trồng được hơn 450ha ở tiểu khu 138. Năm 2022 lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, trình thẩm định trạng thái để tổ chức trồng thêm hơn 36ha tại Khoảnh 5, 6 Tiểu khu 133. Tựu chung, qua hơn chục năm ròng rã, Thanh Thành Đạt mới trồng được trên 600ha, tương đương khoảng 1/3 chỉ tiêu.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, Thanh Thành Đạt cho rằng, khu vực dự án thuộc vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, độ dốc cao, giao thông đi lại khó khăn. Chi phí đầu tư làm đường, sửa chữa hàng năm tốn kém. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán, nhận thức của người dân hạn chế, rừng trồng bị phá hoại, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư…
Ông Lô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phong chỉ rõ những góc khuất liên quan đến dự án của Thanh Thành Đạt, theo đó, doanh nghiệp được giao đất từ năm 2012 những mãi đến giai đoạn 2015-2016 mới trồng 500ha tại tiểu khu 138. Từ 2016 đến 2021 lại bỏ không, phần đất trống nằm ở tiểu khu 133, 138, 140 thuộc bản Pảo, bản Pi, bản Xái, những nơi cách xa trung tâm, địa hình dốc, mãi gần đây mới thiết kế, trồng thêm hơn 100ha.
"Hiện có một số diện tích trồng keo của dân chồng lần phần đất của Thanh Thành Đạt, tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri vấn đề này đều được đưa ra bàn bạc, người dân mong mỏi doanh nghiệp bàn giao lại quỹ đất này để họ chuyên tâm sản xuất dài lâu, xã cũng tiện bề trông coi quản lý”. Ông Lô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phong.
Nguyện vọng của chính quyền và nhân dân xã Quang Phong là rất chính đáng khi xét toàn cảnh các yếu tố, đặc biệt là điều kiện thực tại của địa phương. Cần biết rằng, diện tích lúa nước toàn xã Quang Phong chỉ vỏn vẹn 200ha, chủ trương giao đất gắn với giao rừng mới chỉ áp dụng được 5/8 bản, bà con đang khát tư liệu sản xuất đến cùng cực./.