Trong thời gian qua, việc thực hiện Dự án 6, Chương trình Mục tiêu quốc gia đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, sự hưởng ứng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, để Dự án 6, Chương trình 1719 đạt mục tiêu cao nhất, đơn vị thực hiện đã có những đề xuất cụ thể.
Nhằm mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Việc ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình cơ bản đầy đủ và kịp thời, tạo điều kiện cho đơn vị triển khai sớm các nội dung. Thông qua các hoạt động thuộc Dự án, mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân được nâng cao mà vẫn đảm bảo yếu tố truyền thống, không bị ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường xu hướng hội nhập. Các hoạt động, nội dung của Dự án 6 nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, sự hưởng ứng của đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đánh giá của Sở VHTT tỉnh Nghệ An, Dự án 6, Chương trình 1719 có tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh thông qua việc nâng cao cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ các hoạt động văn hóa, thể thao và các đối tượng liên quan đến hoạt động văn hóa, thể thao; xây dựng tủ sách phục vụ đồng bào…
Tu bổ Nhà cụ Vi Văn Khang (huyện Con Cuông) có tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Tính đến cuối tháng 11/2024, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, vốn đầu tư phát triển bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 77 tỷ đồng để thực hiện: Xây dựng, cải tạo, sửa chữa 48 nhà văn hóa – khu thể thao thôn; Xây dựng 6 công trình điểm đến du lịch; Đầu tư 2 dự án gồm Bảo tồn bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu) và tu bổ Nhà cụ Vi Văn Khang (huyện Con Cuông).
Đối với vốn sự nghiệp đã bố trí đến năm 2024 là hơn 22 tỷ đồng để thực hiện: Hỗ trợ hoạt động 22 đội văn nghệ truyền thống; Hỗ trợ 22 lượt nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú truyền dạy; Tổ chức 8 hoạt động thể thao cấp huyện; Xây dựng 2 câu lạc bộ văn hóa dân gian; Hỗ trợ trang thiết bị cho 413 nhà văn hóa – khu thể thao thôn; bảo tồn 1 lễ hội truyền thống; Xây dựng 4 mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; Xây dựng phim tuyên truyền, quảng bá; Tổ chức 2 lớp tập huấn; Tổ chức 1 hoạt động thi đấu thể thao; Hỗ trợ xây dựng 20 tủ sách cộng đồng; Hỗ trợ chống xuống cấp cho 4 di tích quốc gia.
Dù vậy, theo đánh giá của Sở VHTT tỉnh Nghệ An do như cầu của Dự án 6 là lớn, tuy nhiên việc huy động nguồn lực còn hạn chế. Trước thực trạng đó, Sở VHTT đề xuất chỉ tiêu giai đoạn 2026-2030 trên cơ sở chỉ tiêu khả thi giai đoạn 2021-2025, điều chỉnh một số nhiệm vụ theo nhu cầu thực tiễn, cấp bách của địa phương.
Cụ thể, đối với nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống cho mỗi dân tộc có khó khăn đặc thù thì cần điều chuyển từ nội dung sử dụng vốn sự nghiệp sang nội dung sử dụng vốn đầu tư do nhiệm vụ có nguồn vốn lớn, thời gian triển khai kéo dài.
Đối với nhiệm vụ Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa thể thao tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần tăng định mức số điểm trên mỗi nhà văn hóa do định mức hiện tại quá thấp, không đảm bảo kinh phí cho việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
“Để Dự án 6, Chương trình 1719 đạt mục tiêu cao nhất, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với Ban Dân tộc và các địa phương, bám sát các nội dung, nhiệm vụ của Dự án để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2021 – 2025 và triển khai thực hiện giai đoạn 2026 – 2030”, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An thông tin.