Ông Shinzo Abe là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản khi giữ chức vụ thủ tướng trong gần 8 năm liên tiếp. Trước khi từ chức vào tháng 8/2020, ông Shinzo Abe có công vực dậy nền kinh tế Nhật Bản sau hàng thập kỷ trì trệ.
Ông Shinzo Abe nhậm chức thủ tướng trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2008. Ông Abe cam kết vực dầy nền kinh tế đang trì trệ bằng hàng loạt chính sách quyết liệt.
Theo đó, ông Shinzo Abe triển khai chính sách Abenomics gồm 3 mũi tên là nới lỏng tài khóa, nới lỏng tiền tệ và cải tổ cấu trúc quy mô lớn.
Cụ thể, Abenomics 1.0 là các chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm ổn định giá cả, lạm phát đạt khoảng 2%, kiểm soát khối lượng tiền tệ phù hợp với lạm phát, tập trung vào đẩy mạnh đầu tư công, trợ cấp xã hội.
Trong khi đó, Abenomics 2.0 đặt mục tiêu GDP tăng từ 490.000 năm 2014 tỷ JPY lên 600.000 tỷ JPY (tương đương 5.000 tỷ USD) trong năm 2020.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào cuộc với chương trình mua lại tài sản chưa từng có tiền lệ. BOJ liên tiếp bơm tiền vào nền kinh tế, chủ yếu thông qua mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Năm 2016, BOJ lần đầu tiên hạ lãi suất xuống âm.
Chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dưới thời ông Abe mang lại những thay đổi tích cực. Chương trình kích thích khổng lồ của BOJ kéo niềm tin kinh doanh lên cao, khiến đồng yen yếu đi, giúp các hãng xuất khẩu Nhật Bản có thêm lợi nhuận, tăng lương và tạo thêm việc làm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách Abenomics mở ra lối thoát để nền kinh tế Nhật Bản bước ra khỏi tình trạng đình trệ và giảm phát trầm trọng kéo dài trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ người lao động có việc làm ở Nhật Bản đều đi lên. Tăng trưởng tín dụng và cán cân tài chính được cải thiện rõ rệt.
Năm 2017, Nhật Bản ghi nhận chuỗi tăng trưởng quý dài nhất kể từ năm 2001. Điều này có được là kết quả sau hơn 4 năm thực hiện Abenomics.
Cải tổ quản trị doanh nghiệp cũng thu hút lượng lớn dòng tiền từ nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại với cổ phiếu niêm yết tại Nhật Bản lên kỷ lục 31,7% năm 2014, so với 28% năm 2012.
Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng Shinzo Abe còn nỗ lực tăng khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài và giảm thuế quan. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sụp đổ sau sự rút lui của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Abe là người tập hợp các nước thành viên còn lại xây dựng hiệp định của riêng mình.
Ngoài ra, ông Abe còn khởi xướng Womenomics, nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động./.