NHK đưa tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã qua đời sau khi bị bắn vào sáng 8/7.
Ông là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản, giữ chức vụ thủ tướng trong gần 8 năm liên tiếp.
Trước khi từ chức vào tháng 8/2020, ông Abe có công vực dậy nền kinh tế Nhật Bản sau hàng thập kỷ trì trệ.
Các chính sách Abenomics
Năm 2011, Nhật Bản từ vị trí nền kinh tế thứ 2 thế giới đã tụt hạng xuống thứ 3. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc do chi tiêu tiêu dùng suy giảm, bóng ma giảm phát đè nặng lên nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng bất động sản hồi năm 1990.
Tháng 12/2012, ông Shinzo Abe giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và trở lại nhiệm kỳ thứ 2 sau khi đột ngột từ chức hồi năm 2007. Ông cam kết phục hồi nền kinh tế đang trì trệ với hàng loạt chính sách quyết liệt.
Ông Abe đã đưa ra các chính sách Abenomics "3 mũi nhọn" nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát dai dẳng, phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng những chính sách tiền tệ và tài khóa siêu nới lỏng.
Cùng với đó là các cải cách cơ cấu nhằm đối phó với tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng.
3 mũi nhọn được ông Abe đưa ra bao gồm các chính sách tiền tệ nới lỏng, củng cố tài khóa và chiến lược tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, trọng tâm của Abenomics 1.0 là các chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm ổn định giá cả, lạm phát đạt khoảng 2%, kiểm soát khối lượng tiền tệ phù hợp với lạm phát mục tiêu và tăng chi tiêu công thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 114 tỷ USD.
Abenomics 1.0 cũng tập trung vào đẩy mạnh đầu tư công, trợ cấp xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội Mùa đông 2020 và thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, Abenomics 2.0 đặt mục tiêu GDP tăng từ 490.000 năm 2014 tỷ JPY lên 600.000 tỷ JPY (tương đương 5.000 tỷ USD) trong năm 2020. Các chính sách của ông Abe cũng tăng cường các biện pháp hỗ trợ nuôi, sinh con nhằm giải quyết tình trạng dân số già đi.
Các chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dưới thời ông Abe đã đem lại những thay đổi tích cực. Đồng nội tệ giảm giá giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu gia tăng.
Với các chính sách kích thích dưới thời ông Abe, chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ người lao động có việc làm tại Nhật Bản đều đi lên. Tăng trưởng tín dụng và cán cân tài chính được cải thiện rõ rệt.
Lạm phát của Nhật Bản vượt ngưỡng 2% trong năm 2014 và năm 2015, dù đã quay về dưới mốc này trong những năm sau đó, trước khi tăng mạnh vào năm nay.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng lạm phát tại Nhật Bản gia tăng trong năm 2014 chủ yếu do đợt tăng thuế tiêu dùng, thay vì chi tiêu tiêu dùng cải thiện.
Chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản vẫn ở ngưỡng thấp trong một thời gian dài. Dân số già hóa thường có xu hướng tiết kiệm hơn chi tiêu và đầu tư.
Những dấu ấn
Kinh tế cũng tăng trưởng đều đặn. Các chính sách nới lỏng đã giữ chi phí đi vay ở mức thấp, giúp đất nước thoát khỏi hàng thập kỷ trì trệ kinh tế và nâng đỡ thị trường chứng khoán.
Khi tiền chảy vào nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống. Ngành công nghiệp du lịch, bất động sản đi lên, đầu tư được thúc đẩy.
GDP của Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng dương trong giai đoạn năm 2012-2018, nhưng lao dốc vào năm 2019 (-0,2%) và 2020 (-4,5%) do tác động của dịch Covid-19.
Ông Abe cũng nỗ lực tăng khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài và giảm thuế quan. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sụp đổ sau sự rút lui của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Abe là người tập hợp các nước thành viên còn lại xây dựng hiệp định của riêng mình.
Tôi không biết Abenomics có phải câu trả lời đúng cho kinh tế Nhật Bản hay không. Nhưng trước khi bị dịch bệnh tàn phá, nhà hàng của tôi đã làm ăn rất tốt
Bà Komaki Fujii, chủ một cửa hàng ở Nhật Bản
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh dưới thời của ông Abe, làm gia tăng nhu cầu đối với máy móc và thiết bị Nhật Bản. Khách du lịch Trung Quốc cũng tràn ngập các thành phố, điểm du lịch, mua sắm hàng xa xỉ của Nhật Bản.
Nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nhật Bản. Cùng với đó là đại dịch Covid-19.
"Chiến lược tăng trưởng của ông Abe đã bị ảnh hưởng vào năm 2019 do xung đột thương mại Mỹ - Trung và các đợt tăng thuế. Đến năm sau, sự bùng phát của Covid-19 khiến kinh tế Nhật Bản trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay", Reuters nhận định.
Giới quan sát cho rằng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, ông Abe đã hành động chậm trong việc đóng cửa biên giới, ban bố các tình trạng khẩn cấp, yêu cầu người dân ở nhà và dừng hoạt động tại cửa hiệu, nhà hàng.
Một số nhà kinh tế chỉ trích cựu thủ tướng Nhật Bản hành động quá chậm và thiếu năng lực quản lý. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ tử vong của Nhật Bản vẫn thấp hơn nhiều những quốc gia phát triển khác.
Ông Abe vẫn chưa đạt được lời hứa về việc khuyến khích phụ nữ tham gia thị trường lao động, hay giải quyết khoản nợ công khổng lồ của đất nước. Nhưng với nhiều người Nhật Bản, công việc kinh doanh đã đi lên đáng kể dưới thời ông.
Bà Komaki Fujii mở một nhà hàng chay ở trung tâm Tokyo vào năm 2013, khi ông Shinzo Abe vừa mới nhậm chức, Thời điểm đó, bà lạc quan vào công việc kinh doanh với các chính sách kích thích mà ông Abe đưa ra.
"Tôi không biết Abenomics có phải câu trả lời đúng cho kinh tế Nhật Bản hay không", bà chia sẻ.
"Nhưng trước khi bị dịch bệnh tàn phá, nhà hàng của tôi đã làm ăn rất tốt", New York Times dẫn lời bà chia sẻ./.